Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Khi tiết học hướng nghiệp thành "giờ sản xuất”

Vân Khánh - CĐ - 11:52, 27/11/2021

Thời gian qua, bên cạnh hoạt động tuyển sinh trực tiếp tại các trường cấp 2, cấp 3, nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN), đã thực hiện chủ trương Biến tiết học hướng nghiệp thành "giờ sản xuất”. Những sản phẩm được hình thành từ các buổi hướng nghiệp, đã truyền cảm hứng, thu hút học sinh đến với trường nghề sau khi tốt nghiệp bậc phổ thông.

 Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng kỹ nghệ II Bùi Văn Hưng (áo trắng) trong một buổi hướng nghiệp, tuyển sinh tại Phú Yên. (Ảnh chụp khi dịch Covid-19 chưa bùng phát)
Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng kỹ nghệ II Bùi Văn Hưng (áo trắng) trong một buổi hướng nghiệp, tuyển sinh tại Phú Yên. (Ảnh chụp khi dịch Covid-19 chưa bùng phát)

Khơi gợi đam mê học nghề

Từ năm 2016, Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), là một trong 3 cơ sở GDNN đầu tiên thực hiện nhiệm vụ thí điểm, đổi mới hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tự giải trình trước xã hội, theo Quyết định số 538/QĐ-TTg ngày 4/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ. “Vạn sự khởi đầu nan”, sau 5 năm, bằng nhiều cách làm sáng tạo, Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II đã và đang trở thành lá cờ đầu trong lĩnh vực GDNN của cả nước.

Một trong những thành tích nổi bật của Trường cao đẳng Kỹ nghệ II, là luôn đạt và vượt chỉ tiêu tuyển sinh; riêng về đào tạo sơ cấp, đào tạo thường xuyên vượt chỉ tiêu hàng năm là 52%/năm. Năm học 2020 – 2021, dù ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, nhà trường cũng đã tuyển sinh 1.681/1.600 học sinh, sinh viên, vượt kế hoạch đề ra. Tỷ lệ học sinh có việc làm tại các doanh nghiệp chiếm trên 90%.

Theo ông Bùi Văn Hưng, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II, để tăng cường học sinh vào học tại các cơ sở GDNN, thì cần phải đổi mới cách làm, thay đổi cách tiếp cận trong tuyển sinh. Một trong những giải pháp để các cơ sở GDNN đạt được mục tiêu, là phải dẫn dắt, truyền cảm hứng cho các em học sinh tham gia học nghề, ngay từ khi các em học sinh bước vào học cuối cấp, bằng những chuyên đề gắn với nghề nghiệp.

Ông Hưng chia sẻ, lâu nay, các cơ sở GDNN vẫn thường tìm đến các trường cấp II, cấp III để tư vấn tuyển sinh hoặc trực tiếp tham gia hướng dẫn tiết học nghề. Song, sau khi kết thúc thời gian học nghề đó, học sinh phải tự tay làm ra được sản phẩm có giá trị sử dụng thì không phải cơ sở giáo dục nào cũng làm được.

Vì vậy, để thu hút học sinh, Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II đã đưa chương trình đào tạo nghề vào trong chương trình hướng nghiệp. Các giáo viên của nhà trường hướng dẫn các em tự chế tác ra những sản phẩm cụ thể, thiết thực, dù rất nhỏ như thỏi son môi, ly cocktail, lọ dầu gió, cao dán, tấm cardvisit, logo…

Khi kết thúc khóa hướng nghiệp, sản phẩm của học sinh sẽ được triển lãm tại Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II để phụ huynh, học sinh trong, ngoài nhà trường và các doanh nghiệp tham quan, chấm điểm. Hình ảnh mô tả sản phẩm của các em sẽ được kết nối lên Facebook của nhà trường; sản phẩm nào nhận được nhiều bình chọn tích cực sẽ nhận được phần thưởng, thậm chí là học bổng do các doanh nghiệp trao. Nhờ cách làm này, nhà trường luôn đạt và vượt chỉ tiêu tuyển sinh.

Để bảo đảm chỉ tiêu tuyển sinh thì các cơ sở GDNN phải có giải pháp thu hút học viên và nâng cao chất lượng đào tạo nghề. (Ảnh minh họa)
Để bảo đảm chỉ tiêu tuyển sinh thì các cơ sở GDNN phải có giải pháp thu hút học viên và nâng cao chất lượng đào tạo nghề. (Ảnh minh họa)

Gỡ "nút thắt” trong tuyển sinh GDNN

Mô hình biến tiết học hướng nghiệp thành “giờ sản xuất” của Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II, là mô hình sáng tạo đáng chú ý trong lộ trình đổi mới lĩnh vực GDNN. Theo kết quả khảo sát của Tổng cục GDNN (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), sự đổi mới sáng tạo của các trường nghề hàng đầu, hiện đang thể hiện rõ nhất trong việc thu hút học viên và nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với nhu cầu của học viên và yêu cầu của thực tiễn thị trường.

Đây cũng có thể xem là một giải pháp hữu hiệu, có thể nhân rộng để gỡ “nút thắt” cho công tác tuyển sinh của GDNN hiện đang gặp rất nhiều khó khăn. Theo thống kê của Tổng cục GDNN, năm 2020, hệ thống GDNN trên cả nước (với gần 2.000 cơ sở) tuyển sinh và đào tạo trên 2,2 triệu người học thuộc các hệ khác nhau. Nhưng năm 2021, chỉ tiêu tuyển sinh GDNN đang bị “đe doạ” nghiêm trọng.

Cụ thể, số liệu của Tổng cục GDNN cho thấy, 10 tháng đầu năm các cơ sở GDNN mới chỉ tuyển sinh 242.820 người (trình độ trung cấp, cao đẳng) đạt 40% kế hoạch năm 2021. Trong đó, tuyển sinh cao đẳng được 104.251 người, đạt 40% kế hoạch năm; tuyển sinh trung cấp được 138.569 người, đạt 41% kế hoạch năm; tuyển sinh, đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo thường xuyên khoảng 900.000 người , đạt 51% kế hoạch năm.

Theo ông Vũ Xuân Hùng, Vụ Đào tạo chính quy (Tổng cục GDNN), thời gian qua, các cơ sở GDNN đã có nhiều nỗ lực trong công tác tuyển sinh như: ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác các công cụ truyền thông và mạng xã hội vào công tác tuyên truyền, tư vấn, tuyển sinh; thực hiện tuyển sinh, tư vấn tuyển sinh theo các hình thức trực tuyến.

Nhưng tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các cơ sở đào tạo gặp khó khăn trong công tác tổ chức lớp học. Doanh nghiệp gặp khó khăn, thu hẹp sản xuất, nhu cầu tuyển dụng thấp. Hơn nữa, năm 2021 là năm đầu tiên của giai đoạn 2021-2025, việc phê duyệt kế hoạch thực hiện ở nhiều địa phương còn chậm. Do đó, để thu hút được học viên, bảo đảm chỉ tiêu đào tạo GDNN thì các cơ sở GDNN phải linh hoạt đổi mới hình thức tuyển sinh; trong đó cần nghiên cứu mô hình Biến tiết học hướng nghiệp thành “giờ sản xuất” của Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II.