Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Tuyên Quang: Đẩy mạnh hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Thắng Khánh - CĐ - 14:58, 24/11/2021

Xác định đào tạo nghề là một trong những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thời gian qua, tỉnh Tuyên Quang đã đẩy mạnh thực hiện các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Đào tạo nghề sửa chữa ô tô tại Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật – Công nghệ Tuyên Quang.
Đào tạo nghề sửa chữa ô tô tại Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật – Công nghệ Tuyên Quang.

Nhằm tạo thuận lợi cho công tác đào tạo nghề gắn với dạy văn hóa, năm 2012, tỉnh Tuyên Quang đã quyết định sáp nhập, đổi tên các Trung tâm dạy nghề, Trung tâm giáo dục thường xuyên các huyện thành Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (TTGDNN-GDTX). Các trung tâm sau khi được sáp nhập, đổi tên đã có sự điều chỉnh về bộ máy, tổ chức, bảo đảm hài hòa giữa công tác dạy nghề, kết hợp dạy văn hóa để đáp ứng được nhu cầu người học trong tình hình mới; đồng thời, giúp tiết kiệm được chi phí và thời gian học tập cho học viên.

Ông Hà Văn Lại, Giám đốc TTGDNN-GDTX huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang cho biết: Để công tác dạy nghề đạt hiệu quả, Trung tâm không ngừng đổi mới phương pháp dạy nghề, chú trọng dạy nghề theo nhu cầu của người học và gắn với nhu cầu sử dụng lao động của xã hội… 

Tính từ năm 2012 đến nay, có trên 1.500 lao động nông thôn trên địa bàn huyện được hỗ trợ học nghề với các lớp dạy nghề khác nhau như: Chăn nuôi gia súc, gia cầm; kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, sửa chữa máy nông nghiệp… Sau khi được dạy nghề, nhiều lao động trên địa bàn đã áp dụng hiệu quả vào thực tế, mang lại thu nhập ổn định cho gia đình.

Anh Nguyễn Văn Tuấn ở tổ 13, thị trấn Na Hang cho biết: Trước đây, tôi làm nghề tự do nên thu nhập không ổn định. Năm 2016, tôi tham gia lớp học nghề nuôi trồng thủy sản do TTGDNN-GDTX huyện tổ chức. Tham gia lớp học nghề, tôi đã được học kỹ thuật chăn nuôi cá, cách chọn địa điểm nuôi phù hợp… Sau khi có kiến thức chăn nuôi, tôi quyết định đầu tư nuôi cá đặc sản trên lòng hồ sinh thái Na Hang. Hiện nay, gia đình tôi đang nuôi các loại cá: lăng, bỗng, chiên... mỗi năm, thu về khoảng 200 triệu đồng.

Không chỉ anh Tuấn, nhiều học viên học nghề do TTGDNN-GDTX huyện Na Hang mở đã mạnh dạn đầu tư xây dựng các mô hình phát triển kinh tế dựa trên nghề đã học, đem lại thu nhập từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Tiêu biểu như: Mô hình trồng rau sạch của chị Nông Thị Huyền, tổ 14, thị trấn Na Hang; mô hình chế biến chè Shan Tuyết của anh Triệu Văn Nhậy, thôn Nà Cọn, xã Sơn Phú…

Một tiết thực hành học nghề Điện công nghiệp tại trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang.
Một tiết thực hành học nghề Điện công nghiệp tại trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang.

Giai đoạn 2016 - 2020 toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho trên 48.000 người, số lao động nông thôn được đào tạo nghề trên 18.772 người; góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo chung của tỉnh từ 45,8% năm 2015 lên 60,3% năm 2020, trong đó lao động qua đào tạo nghề tăng từ 27,5% năm 2015 lên 39,2% năm 2020; giải quyết việc làm cho 121.964 lao động, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XVI đã đề ra.

Là học sinh tốt nghiệp khóa đầu tiên hệ vừa học văn hóa vừa học nghề tại TTGDNN-GDTX huyện Chiêm Hóa, em Chu Văn Linh, dân tộc Dao ở thôn Bản Sao, xã Tri Phú chia sẻ: Sau khi học xong lớp vận hành máy thi công nền và hoàn thành chương trình THPT em đã xin vào làm việc tại Công ty TNHH Xây dựng Hoàng Thịnh ở huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng). Nhờ có bằng cấp, chứng chỉ nghề nghiệp nên em đã có việc làm ổn định tại công ty, với mức thu nhập khoảng 8,5 triệu đồng/tháng. Với nguồn thu nhập này, em đã tự trang trải được cho bản thân và phụ giúp được bố mẹ trong sinh hoạt gia đình.

Hiện nay, toàn tỉnh Tuyên Quang có 11 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 1 trường cao đẳng, 1 trường trung cấp, 1 phân hiệu trường trung cấp, 8 trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Việc xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho việc đào tạo nghề, cũng được tỉnh Tuyên Quang quan tâm, chú trọng. Giai đoạn 2016 - 2020, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư, với tổng kinh phí trên 24 tỷ đồng để nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo. Qua đó, giúp nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho người lao động.

Tuy nhiên, tại thời điểm này tiến độ thực hiện kế hoạch tuyển sinh, đào tạo nghề còn chậm. Nguyên nhân do đến nay, không còn các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg, ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ và ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, do đó việc tuyển sinh đào tạo nghề của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp gặp khó khăn.

Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức Hội nghị tư vấn, giới thiệu việc làm cho học sinh, sinh viên nhà trường.
Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức Hội nghị tư vấn, giới thiệu việc làm cho học sinh, sinh viên nhà trường.

Ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và xã hội tỉnh Tuyên Quang cho biết: Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện các giải pháp đổi mới công tác giáo dục nghề nghiệp, tăng cường công tác thông tin, truyền thông; nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp và nhu cầu của thị trường lao động. 

Đồng thời, tập trung nguồn lực đầu tư ngành, nghề trọng điểm đã được quy hoạch theo các cấp độ (quốc tế, khu vực ASEAN và quốc gia) và các nhóm đối tượng đặc thù. Đẩy mạnh phân luồng, thu hút học sinh tốt nghiệp THCS và THPT tiếp tục tham gia học tập tại các cơ sở giáo dục nghề. 

Bên cạnh đó, tăng cường công tác phối hợp, tạo dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các trung tâm dịch vụ việc làm, sàn giao dịch việc làm, hội chợ việc làm nhằm hỗ trợ người học tìm việc làm sau tốt nghiệp.