Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Khi nông sản vượt rừng về phố

Hương Chi - 10:07, 28/07/2020

Xóa bỏ tập quán sản xuất manh mún, kém hiệu quả sang đầu tư sản xuất tập trung, áp dụng kỹ thuật nâng cao chất lượng, nhiều nông sản truyền thống ở vùng cao tỉnh Điện Biên có cơ hội “thoát” khỏi núi rừng về nơi phố thị, nâng cao giá trị kinh tế và trở thành những sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.

 Bộ sản phẩm rượu Mountain Queen được chị Oanh sản xuất từ chính những nguyên liệu truyền thống của địa phương.
Bộ sản phẩm rượu Mountain Queen được chị Oanh sản xuất từ chính những nguyên liệu truyền thống của địa phương.

Gia đình anh Giàng Sình Lồng, bản Chua Ta B, xã Tìa Dình, huyện Điện Biên Đông (Điện Biên), một trong các hộ trồng nhiều bí đao nhất của xã chia sẻ: Không nhớ từ bao giờ, bí đao đã trở thành cây trồng gắn bó với gia đình tôi và nhiều hộ khác ở Tìa Dình. Người Mông trồng bí để ăn quanh năm và đặc biệt là dự trữ vào mùa giáp hạt. Chẳng cần chăm bón nhiều nhưng bí vẫn sai quả. Có vụ gia đình anh Lồng thu hoạch được hơn 2 tấn quả. Bí nhiều ăn không hết, nên có thời gian gia đình phải chở xuống chợ huyện bán với giá 15.000 đồng/kg. Cũng vì thế mà bí đao Tìa Dình ngày càng được nhiều người biết đến.

Ông Vũ Ngọc Hoành, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ðiện Biên Ðông cho biết: Từ cuối năm 2018, theo Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) bà con đã liên kết trồng cây bí đao với Hợp tác xã Thanh Yên (huyện Ðiện Biên) theo hướng công nghệ cao, sản xuất tiêu chuẩn VietGAP tạo chuỗi khép kín từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. Nhờ đó thu nhập và đầu ra của sản phẩm khá ổn định.

Huyện cũng vận động người dân thành lập các tổ hợp tác thu mua ngay tại xã để kết nối bao tiêu sản phẩm tại Siêu thị Hoa Ba (TP. Ðiện Biên Phủ). Thời gian tới, cùng với bí đao Tìa Dình, các sản phẩm đặc trưng khác của huyện như: Khoai sọ Phì Nhừ, nếp Na Son cũng đang được quan tâm phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm. Mục tiêu của các sản phẩm địa phương, sẽ không chỉ tiêu thụ ở thị trường nội tỉnh mà sẽ hướng tới nhiều thị trường ngoại tỉnh khác.

Là 1 trong 5 sản phẩm tiêu biểu cấp tỉnh được lựa chọn tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực năm 2020, bộ sản phẩm, gồm: Rượu sơn tra mật ong, rượu ngọc cẩu, rượu hoa quả của chị Ðinh Thị Kim Oanh, tổ dân phố 18, phường Tân Thanh (TP. Ðiện Biên Phủ) được Hội đồng bình chọn sản phẩm tiêu biểu cấp tỉnh đánh giá rất cao. Bất ngờ hơn, bộ sản phẩm rượu Mountain Queen được sản xuất từ chính những nông sản truyền thống do đồng bào vùng cao làm ra. Và chị Oanh là người có công “nâng tầm” cho những mặt hàng nông sản đó.

Ngoài bộ sản phẩm rượu Mountain Queen, tỉnh Điện Biên có thêm các sản phẩm nông nghiệp khác được nâng tầm thành những mặt hàng có giá trị kinh tế và cạnh tranh trên thị trường, như: Cà phê túi lọc Smile single bag coffee của Công ty TNHH Hải An, với quy mô sản xuất 60.000 gói/năm và doanh thu sản phẩm 400 triệu đồng/năm. Hay sản phẩm Ðông trùng hạ thảo sấy khô của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Loan Nhẹ, quy mô sản xuất 1.000 sản phẩm/năm, doanh thu sản phẩm 4,5 tỷ đồng. Đây cũng là cơ sở nuôi thành công nấm đông trùng hạ thảo đầu tiên tại Điện Biên.