Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Chủ động, liên kết trong sản xuất nông nghiệp: Để nông sản đi xa hơn

Minh Triết - 15:02, 16/06/2020

Sau bao lần nếm trải tình trạng “được mùa, mất giá”, nông dân tỉnh Vĩnh Long đã chủ động nắm bắt thị trường, định hướng sản xuất, nâng cao công nghệ. Việc đổi mới tư duy, chủ động dự báo thị trường đã giúp nông dân địa phương này có thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp.

Trung ương Hội Nông dân thăm quan các mô hình chuyển đổi sản xuất của Hợp tác xã Tân Bình, huyện Bình Tân
Trung ương Hội Nông dân thăm quan các mô hình chuyển đổi sản xuất của Hợp tác xã Tân Bình, huyện Bình Tân

Hơn 10 năm trồng khoai lang, anh Đặng Hoàng Minh, ở ấp Tân Qui, xã Tân Bình (huyện Bình Tân) đã trải qua những vụ khoai “đắng”. Theo anh Minh, lúc khoai lang đang có giá thì cuốc dây - bán hom giống cho bà con người trồng đã lấy lại chi phí đầu tư, củ thì thời điểm giá rất cao, 800.000 - 1.000.000 đồng/tạ.

Nhưng “thấy người ăn khoai cũng vác mai đi đào”, hằng trăm gia đình tập trung vào trồng khoai. Thế là khoai ứ đọng, không tiêu thụ được, thương lái hạ giá chạm đáy.

Không thể cứ phụ thuộc vào một loại cây trồng, anh Minh tạm ngưng trồng khoai để chuyển sang trồng rau màu theo nhu cầu thị trường. Hiện anh Minh đang trồng 12 công (12.000m2) đu đủ Thái Lan, ớt sừng vàng và một số loại rau xanh.

“Trồng cây gì thì phải theo thị trường, chứ không như lúc trước theo hoài một giống. Tất cả đều qua tìm hiểu, nắm chắc 60 - 70% hiệu quả mới trồng”, anh Minh chia sẻ.

Cũng theo anh Minh, muốn tìm hiểu về giống cây, con chỉ cần lên mạng “gõ” là có rất nhiều. Từ các nguồn đó, anh để ý xem huyện, tỉnh mình và các tỉnh khác xuống giống cây màu gì nhiều để… né.

Cùng với linh hoạt chọn giống cây, con, anh Minh chú trọng cập nhật kiến thức, bắt nhịp xu hướng làm nông mới, hướng đến công nghệ cao. Vừa qua, anh mạnh dạn đầu tư hệ thống tưới phun tự động cho 5,4 công đất và 1 công làm nhà lưới với tổng chi phí gần 100 triệu đồng.

Cũng “bắt mạch” thị trường để chọn giống nuôi trồng, từ những năm 2000, trong khi xã Long Mỹ, huyện Mang Thít là vùng chuyên trồng lúa, màu thì nông dân Huỳnh Văn Sơn đã đào ao nuôi cá. Hằng ngày, ông liên lạc, hỏi thăm người nuôi cá ở các nơi để nắm tình hình nuôi và giá cả, học hỏi, chia sẻ kỹ thuật nuôi.

Trước khi thả nuôi loại cá nào, ông đều lên lịch, dự đoán tháng nào trong năm hút hàng, tháng nào dội chợ. Trước dịch tả lợn châu Phi gây thiệt hại cho người chăn nuôi lợn, dự báo thị trường thịt khan hiếm, ông quyết đoán mở rộng 9 ao nuôi cá trên 20 công đất. Các ao cá cho thu hoạch hàng trăm tấn, lợi nhuận thu về so với trước đây vượt hơn tỷ đồng.

“Có lần tôi thu hoạch 13 tấn cá lóc với giá chỉ 28 - 29 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, do có tìm hiểu nên tôi nuôi bồi tiếp. Nhờ vậy, thu được 35 tấn cá với giá 35.000 đồng/kg, lời hơn 400 triệu đồng”, ông Sơn chia sẻ.

Theo ông Trần Văn Trạch, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Long, nếu trước đây, nông dân sản xuất chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, thì hiện ngày càng có thêm sự đổi mới, sáng tạo do biết nắm bắt xu thế thị trường, ứng dụng khoa học - kỹ thuật để giảm sức lao động, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao. Đặc biệt, người nông dân hiện không còn sản xuất nhỏ lẻ như trước, mà ngày càng có nhiều người tham gia vào hợp tác xã.

Chia sẻ của Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Long cũng chính là kinh nghiệm mà nhiều nông dân đúc kết được. Chính anh Đặng Hoàng Minh, ở ấp Tân Qui, xã Tân Bình đã khẳng định rằng, nông dân phải vào hợp tác xã để cùng nhau nuôi trồng trên diện tích lớn, hàng hóa ổn định thì tiêu thụ ổn định hơn, có liên kết thì sản phẩm sẽ đi xa hơn.