Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Khi nhà nông mê làm du lịch cộng đồng

PV - 20:10, 24/04/2023

Thời gian qua, từ việc triển khai mô hình du lịch sinh thái cộng đồng, người dân thôn Thái Lai, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) đã có những chuyển biến tích cực trong đời sống vật chất và tinh thần. Để thúc đẩy và tạo điều kiện cho sự phát triển này, có những trở ngại cần tháo gỡ.

Người dân thôn Thái Lai (xã Hòa Nhơn) trải nghiệm tour xe đạp trong buổi học tập thực tế về làm du lịch cộng đồng tại thôn Nam Yên, xã Hòa Bắc (cùng huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng).
Người dân thôn Thái Lai (xã Hòa Nhơn) trải nghiệm tour xe đạp trong buổi học tập thực tế về làm du lịch cộng đồng tại thôn Nam Yên, xã Hòa Bắc (cùng huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng).

Nằm bên tả ngạn sông Túy Loan, thôn Thái Lai có nhiều công trình kiến trúc cổ và cảnh quan mang vẻ đẹp của một làng quê Trung Bộ xưa. Để khai thác lợi thế đó, ngày 29/5/2022, Làng du lịch sinh thái cộng đồng Thái Lai đã được đưa vào hoạt động.

Vướng mắc và đề xuất

Đến thôn Thái Lai lúc này, điều dễ nhận thấy nhất về sự đầu tư cho du lịch nơi đây là những tuyến đường bê-tông khang trang với hàng cây cảnh hai bên vệ đường. Đây là một trong những hạng mục được nhận sự đầu tư từ 625.000 USD của Quỹ toàn cầu hóa nông thôn mới Saemaul Hàn Quốc (SGF) cho dự án Làng nông thôn mới Thái Lai.

Theo thống kê của HTX Thái Lai - Saemaul, thôn Thái Lai có 30 ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp với khoảng 207 số hộ sản xuất, kinh doanh nông nghiệp. Trên cơ sở đó, Thái Lai được định hướng xây dựng theo hướng nông nghiệp sinh thái, xem phát triển nông nghiệp du lịch là kinh tế mũi nhọn. Nhờ đó, thành viên HTX và người dân trong thôn sẽ được hưởng lợi kép, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, phát triển bền vững.

Nhằm đẩy mạnh mô hình du lịch nông thôn, cuối năm 2021, Quỹ SGF tiếp tục khởi công thêm các hạng mục cho du lịch. Nổi bật trong đó là mô hình trồng rau thủy canh kết hợp phát triển du lịch (gọi tắt là mô hình Farm) với diện tích khoảng 2.500 m2 trên đất trồng lúa.

Ông Đỗ Hữu Ánh, Giám đốc HTX Thái Lai - Saemaul cho biết, đây là mô hình nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch cộng đồng, giúp cho các thành viên HTX và người dân trong thôn được hưởng lợi kép từ nông nghiệp và du lịch. Mặc dù được dự kiến triển khai trong năm 2022, nhưng đến nay, hạng mục này chưa thể khởi công xây dựng do vướng mắc trong công tác quy hoạch đất đai.

“Quỹ SGF đã thiết kế mô hình mô phỏng, bảo đảm được các vấn đề an ninh lương thực, môi trường, hệ sinh thái và cả nét đẹp của làng quê. Chúng tôi đề xuất sớm có quy hoạch hoặc đồng ý chủ trương để Quỹ SGF triển khai thực hiện, đáp ứng kỳ vọng của bà con. Nếu vướng mắc lâu dài, mô hình Farm có thể sẽ không được triển khai nữa”, ông Ánh cho hay.

Ông Hồ Văn Hiệp, Trưởng thôn Thái Lai bày tỏ: “Từ khi khai trương Làng du lịch sinh thái cộng đồng Thái Lai, bà con trong thôn thấy rất phấn khởi. Nhưng thấy một số hạng mục để đầu tư phát triển du lịch cứ vướng mắc cơ chế rồi pháp lý, bà con cũng buồn, e dè tham gia”.

Ngoài khó khăn trên, Làng du lịch sinh thái cộng đồng Thái Lai chưa thể đón khách từ đường sông, dù nằm sát bên dòng sông Túy Loan. Trong giai đoạn 2022 - 2023, tuyến đường thủy nội địa sông Hàn - Cẩm Lệ - Túy Loan - Thái Lai là một trong 6 tuyến đường thủy được UBND TP. Đà Nẵng đầu tư, phát triển.

Từ chủ trương này, sau nhiều năm trì hoãn, cầu tàu Thái Lai cũng đã hoàn thiện và đưa vào khai thác sử dụng trong năm 2022. Song, khó khăn chồng chất khó khăn, người dân thôn Thái Lai, nhất là các hộ làm du lịch, lại tiếp tục mong chờ tuyến đường thủy đi vào hoạt động, nhằm đón khách du lịch qua đường sông.

Được biết, nguyên nhân tuyến đường thủy này chưa đi vào hoạt động là do vướng đập ngăn mặn trên sông Cầu Đỏ. Ông Đỗ Hữu Minh, người tiên phong làm du lịch nơi đây, bày tỏ hy vọng: “Khi nhà máy nước Hòa Liên đã đi vào hoạt động, mà mở được cái chỗ đập ngăn mặn đó hoặc có phương án khác, tàu thuyền du lịch được cập bến nơi đây, thì mọi mặt về du lịch ở Thái Lai sẽ khác rất nhiều”.

Cần sự đồng hành của chính quyền

Từ năm 2019 đến nay, du lịch cộng đồng tại huyện Hòa Vang đã có sự phát triển nhanh chóng. Các chính sách phát triển du lịch nông thôn đã đem lại nhiều thay đổi về bộ mặt và đời sống nơi đây, mở ra nhiều cơ hội cho người làm nông khai thác du lịch, gia tăng giá trị nông nghiệp.

Đặc biệt là Nghị quyết 82/NQ-HĐND thực hiện thí điểm khai thác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông, lâm, nuôi trồng thủy sản và đề án phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện Hòa Vang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện của nhiều mô hình vẫn còn nhiều khó khăn, chưa đạt được kỳ vọng đặt ra. Thực tế cho thấy, dù cộng đồng địa phương là mấu chốt của du lịch cộng đồng, nhưng cũng cần có sự đồng hành tích cực hơn của chính quyền địa phương và các tổ chức doanh nghiệp lữ hành.

Ông Ngô Văn Đạt, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn đánh giá số lượng gia đình hộ tham gia Làng du lịch sinh thái cộng đồng Thái Lai hiện vẫn chưa đạt được như mong muốn của địa phương. Tuy nhiên, sau đợt học tập thực tế tại xã Hòa Bắc, do Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hòa Vang tổ chức cho các hộ dân cụm Túy Loan-Thái Lai có mong muốn làm du lịch, hơn 20 hộ dân đã bày tỏ nguyện vọng tham gia cung cấp dịch vụ cho du lịch cộng đồng.

Bàn về nguyện vọng của người dân, ông Đạt chia sẻ: “Thông thường các khó khăn người dân hay vướng phải là về kết nối nguồn khách, quảng bá và thiết kế tour. Chúng tôi sẽ làm việc với các phòng giáo dục để kết nối các trường học trên địa bàn cho học sinh đến học tập và trải nghiệm tại Thái Lai”.

Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hòa Vang Đỗ Thanh Tân nhận định khó khăn hiện nay trong phát triển du lịch cộng đồng tại thôn Thái Lai đấy là sự tham gia của cộng đồng địa phương chưa nhiều, dẫn đến thiếu sản phẩm du lịch.

“Thấy được điều này, chúng tôi đã tổ chức cho các hộ dân có mong muốn làm du lịch cộng đồng đi tham quan các mô hình đã thành công ở các địa phương lân cận. Nếu như người dân thôn Thái Lai hưởng ứng nhiều hơn, một chuỗi sản phẩm sẽ được hình thành. Khi có được sự đa dạng trong dịch vụ, thì lượng khách sẽ nhiều hơn”, ông chia sẻ.

Ông Đỗ Thanh Tân cũng cho biết thêm, vừa qua Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hòa Vang đã làm việc với Sở Du lịch và Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng về việc kết nối nguồn khách với các điểm du lịch trên địa bàn huyện Hòa Vang; đồng thời, xây dựng tour thử nghiệm cho thôn Thái Lai, cũng như các điểm khác. Theo đó, nguồn khách hướng đến đầu tiên sẽ là các trường học có tổ chức hoạt động trải nghiệm trên địa bàn thành phố.

“Phương hướng sắp tới của chúng tôi là sẽ mở rộng mô hình du lịch cộng đồng. Theo đó, địa phương sẽ thành lập một tổ chức kết nối các hộ với các dịch vụ khác nhau, nhằm xây dựng tính cộng đồng trong phát triển du lịch và đáp ứng nhu cầu của khách đến tham quan. Đồng thời, tổ chức này sẽ đóng vai trò bảo đảm sự bình đẳng, phòng ngừa tình trạng tranh giành khách và khai thác môi trường quá mức”, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn cho biết.