Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Khi người dân thấy được lợi ích của rừng

PV - 14:49, 18/03/2019

Năm 2017, một số hộ dân làng Quảng Xá và Hòa Bình, xã Tân Ninh, (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) trong quá trình cải tạo mặt nước để nuôi trồng thủy sản, đã đưa máy xúc vào đào ao, đắp đập làm xâm hại đến rừng bần. “Bức tường xanh” của làng bị đe dọa, xâm hại do sự quản lý lỏng lẻo của chính quyền địa phương, khiến nhiều hộ dân xót xa.

rừng bần Trước sự suy giảm nghiêm trọng của rừng bần, chính quyền địa phương đã phải lắp đặt các biển báo cấm chặt phá nhằm ngăn chặn các hành vi phá hoại rừng. ( ảnh Ngọc Hải)

Trước nguy cơ, một phần diện tích của rừng bần bị xóa sổ, Lãnh đạo xã Tân Ninh đã quyết định giao việc chăm sóc, bảo vệ rừng bần trực tiếp cho hai Chi hội Cựu chiến binh (CCB) thôn Quảng Xá và Hòa Bình. Đồng thời, tiến hành lắp đặt các biển báo cấm chặt phá rừng bần và tuyên truyền, vận động các hộ dân nuôi trồng thủy sản trong rừng bần chịu trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ những diện tích mặt nước có bần đang sinh sống.

Hộ ông Dương Quang Huỳnh (thôn Quảng Xá), được giao hơn 1,2 ha đất nuôi trồng thủy sản dưới rừng bần cho biết, Trong diện tích nuôi trồng thủy sản của gia đình ông có gần 30 cây bần đang sinh sống, do đã thấm thía bài học về việc xâm hại rừng bần xảy ra cách đây hơn 1 năm nên người dân làng Quảng Xá rất có ý thức trong công tác bảo vệ rừng bần ven sông này. Ngoài việc bảo vệ chăm sóc các cây bần, gia đình ông đã cải tạo thả nuôi cá mè, gáy, rô phi, trắm…hàng năm cho thu nhập khoảng hơn 60 triệu đồng.

Cũng như hộ ông Huỳnh, hàng chục gia đình khác ở xã Tân Ninh đang có nguồn thu nhập ổn định nhờ nuôi trồng thủy sản, thủy cầm trong hệ sinh thái rừng bần, giúp họ ổn định cuộc sống.

Ông Nguyễn Văn Hiến, Chi hội trưởng CCB thôn Quảng Xá cho biết, hiện việc chăm sóc, bảo vệ rừng bần luôn được các hội viên CCB phối hợp với chính quyền địa phương, người dân tiến hành một cách bài bản. Công việc hàng ngày của hội viên CCB là thay phiên nhau đi tuần tra, nhằm phát hiện và ngăn chặn những hành vi phá rừng bần, dùng kích điện để đánh bắt hải sản, huỷ hoại môi trường sinh thái. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền trong dân nên thời gian qua chưa có trường hợp nào vi phạm việc chặt, phá hoại rừng bần.

Với ý thức chung tay bảo vệ rừng bần, cây bần không ngừng sinh sôi và giờ đây đã thành một khu rừng phòng hộ có diện tích gần 7ha, với chiều dài lên đến hơn cây số chạy dọc ven sông Kiến Giang.

Ông Nguyễn Quang Tuyển, Bí thư Đảng ủy xã Tân Ninh cho biết: Diện tích rừng bần Tân Ninh tập trung hết ở làng Quảng Xá, Hòa Bình. Đây là khu rừng ngập mặn ven sông phát triển và có diện tích lớn bậc nhất của tỉnh Quảng Bình, với hệ thống cây bần trưởng thành hàng trăm năm tuổi, đã góp phần làm giảm cường độ của thủy triều, hạn chế sự xâm thực của những con sóng để bảo vệ đất đai và hàng chục ha nuôi trồng thủy sản của người dân.

Để người dân sinh sống hưởng lợi từ nguồn rừng bần, địa phương rất mong chờ một dự án khai thác mô hình du lịch sinh thái hình thành ở đây. Nếu dự án được triển khai thì khu rừng bần ven sông này không chỉ là một lá chắn xanh bảo vệ làng mạc, mà sẽ tạo sinh kế cho không ít người dân.

Theo ông Lưu Đức Hiến, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình, dự án “Hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển” tại tỉnh Quảng Bình đã được UBND tỉnh phê duyệt. Dự án sẽ được thực hiện tại 32 xã, phường trong tỉnh với tổng kinh phí hơn 500 tỷ đồng từ nguồn vốn của WB.

Dự án sẽ trồng mới rừng ngập mặn ven sông và trên cạn ven biển 1.458 ha; phục hồi rừng ngập mặn ven sông và trên cạn ven biển 1.625 ha; có khoảng 100 cộng đồng được hưởng lợi trực tiếp thông qua các cơ chế khuyến khích các hộ gia đình, cộng đồng tham gia bảo vệ, trồng, phục hồi để tăng thu nhập, cải thiện sinh kế; đầu tư bằng các giải pháp công trình chống sạt lở, gây bồi, tạo bãi để phục hồi rừng ven biển, ven sông. Dự án thực hiện từ năm 2019 đến năm 2023.

QUỲNH CHI