Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Khai thác tiềm năng thị trường nội địa - Lối thoát cho nông sản Việt

Thúy Hồng - 19:48, 05/07/2021

Đợt dịch Covid- 19 thứ 4 bùng phát tại Việt Nam vào đúng thời điểm nhiều địa phương thu hoạch nông sản, nhiều mặt hàng nông sản gặp khó khăn vì không thể xuất khẩu. Vì vậy, việc khai thác tối đa thị trường nội địa với sức mua gần 100 triệu dân đã mang lại tín hiệu tích cực. Đây được xem là giải pháp trọng tâm, hiệu quả giúp các doanh nghiệp và nhiều hộ dân trong việc tiêu thụ nông sản.


Nông sản, trái cây được các doanh nghiệp phân phối đẩy mạnh tiêu thụ hỗ trợ người nông dân
Nông sản được các doanh nghiệp phân phối đẩy mạnh tiêu thụ hỗ trợ người nông dân

“Mỏ vàng” tiềm năng

Từ nhiều năm qua, mỗi khi doanh nghiệp gặp khó ở thị trường xuất khẩu, việc “quay về” với thị trường trong nước luôn là hướng đi hiệu quả.

Điển hình như, mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm gà ta giữa Hợp tác xã (HTX) Nông trại 36, xã Tân Thành, huyện Thường Xuân (tỉnh Thanh Hóa), với 21 hộ chăn nuôi tại các huyện: Thường Xuân, Như Xuân, Cẩm Thủy; sản lượng tiêu thụ đạt khoảng 20.000 con/tháng. Sản phẩm được tiêu thụ chủ yếu qua kênh xuất khẩu tiểu ngạch và tại chợ đầu mối của các tỉnh, thành phố trong nước.

Tuy nhiên, từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, số lượng gà xuất khẩu bị đình trệ, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất cho người chăn nuôi. Vì vậy, để duy trì sản xuất của HTX Nông trại 36, đã đẩy mạnh tiêu thụ nội địa, trong đó chú trọng thị trường tiêu thụ nội tỉnh.

Ông Hà Văn Phong, Giám đốc HTX Nông trại 36, cho biết: Việc đẩy mạnh tiêu thụ ở thị trường nội địa, đã giúp HTX xuất bán được 80% lượng gà đến kỳ xuất bán của các hộ chăn nuôi. Đây cũng là cơ hội để HTX giới thiệu sản phẩm gà ta đến người tiêu dùng nội địa, từ đó mở rộng quy mô liên kết sản xuất và chủ động được thị trường tiêu thụ trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, hiện nay các doanh nghiệp lớn cũng đang chú trọng vào thị trường nội địa. Trong tháng 5 và tháng 6, tập đoàn Central Retail Việt Nam (Hệ thống Big C) đã thu mua khoảng 500 tấn vải thiều Lục Ngạn Thanh Hà; 150 tấn dưa hấu, 140 tấn các mặt hàng nông sản khác để phân phối bán lẻ cho người tiêu dùng trong nước. Công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam đã liên hệ với Bắc Giang, kế hoạch thu mua khoảng 300 - 500 tấn nông sản (vải, dứa, bí ngô, dưa hấu) tiêu thụ trên cả nước.

Theo thống kê của Bộ Công thương, tính chung trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 2.463,8 nghìn tỷ đồng, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó còn có các mặt hàng như xoài, thanh long, mận… cùng hàng nghìn tấn nông sản của người dân nhất là các địa phương bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 đã được kết nối tiêu thụ qua hệ thống phân phối của các doanh nghiệp trong nước tới tay người tiêu dùng.

Ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị chức năng, các doanh nghiệp phân phối bán buôn, bán lẻ, đẩy mạnh tiêu thụ các mặt hàng nông sản có tính thời vụ cao tại thị trường nội địa. Các sản phẩm được mùa như Xoài, Nhãn của Sơn La, Hưng Yên… đang được Bộ Công thương chỉ đạo các doanh nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường trong nước, tập trung vào thị trường phía Nam.

Thị trường nội địa là “mỏ vàng” để tiêu thụ các mặt hàng nông sản
Thị trường nội địa là “mỏ vàng” để tiêu thụ các mặt hàng nông sản

Cần mô hình kết nối cung - cầu

Trong khó khăn, việc khai thác mạnh thị trường nội địa đã được đẩy mạnh. Song làm thế nào để thị trường trong nước trở thành kênh tiêu thụ hiệu quả cho mặt hàng nông sản đang là vấn đề được đặt ra.

Hiện nay, vẫn có tình trạng hàng hóa đạt tiêu chuẩn chất lượng, xuất khẩu ra nước ngoài song vẫn khó vào siêu thị Việt. Nguyên nhân vẫn là do sự kết nối cung - cầu còn lỏng lẻo, người sản xuất và phân phối chưa tìm được tiếng nói chung.

Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội cho rằng, Nhà nước cần hỗ trợ để tạo ra sự kết nối chặt chẽ giữa người sản xuất và phân phối hàng hóa. Làm sao để hàng Việt Nam không phải tốn những chi phí, chiết khấu cao vô lý, phải đi vào siêu thị bằng "cửa sau".

Bên cạnh đó, để kích cầu thị trường nội địa cần phải xây dựng quy hoạch phát triển sản xuất và hệ thống phân phối quốc gia đi đôi với các trung tâm dự trữ hàng hóa, nhà máy chế biến, hạ tầng giao thông, các dịch vụ logistics... Cần sớm thiết lập hệ thống các chợ đầu mối nhằm đảm bảo cho hàng hóa sản xuất ra được giao dịch một cách công khai, minh bạch trên thị trường, đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Các doanh nghiệp cần đẩy mạnh liên kết hợp tác sản xuất kinh doanh, tiến tới hình thành các tập đoàn sản xuất kinh doanh lớn, đủ sức dẫn dắt thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài ngay ở thị trường nội địa.

Theo chuyên gia kinh tế - TS.Lê Bá Chí Nhân, ở Nhật Bản, hàng tiêu dùng nội địa luôn được ưu tiên trước mới đến hàng xuất khẩu. Chính vì vậy, nói đến hàng nội địa người Nhật rất yên tâm về hàng tiêu dùng trong nước. Trong khi đó ở Việt Nam, những "trái ngon" thì đưa đi xuất khẩu.

Nếu làm tốt việc phát triển thị trường trong nước, thì hình ảnh nông sản Việt Nam ở nước ngoài cũng được nâng cao, sản phẩm đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm để phục vụ ngay trong nước chứ không chỉ làm sạch để bán ra nước ngoài.

(Nội dung thông tin, truyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)