Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Chương trình 1719

Huyện Thuận Nam (Ninh Thuận): Bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống đồng bào DTTS

Thái Sơn Ngọc - 16:04, 22/10/2024

Thuận Nam là một trong những địa phương giàu bản sắc văn hóa truyền thống đồng bào các DTTS của tỉnh Ninh Thuận. Nhiều năm qua, cấp ủy đảng và chính quyền các cấp luôn quan tâm huy động các nguồn lực chăm lo bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của cộng đồng các DTTS sinh sống ở địa phương. Đặc biệt là từ khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (Chương trình MTQG 1719), nguồn hỗ trợ đầu tư từ Chương trình đã tạo động lực để huyện thực hiện hiệu quả việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS gắn với phát triển du lịch.

Các nghệ nhân xã Phước Hà tái hiện nghi thức lễ cúng ăn đầu lúa mới của đồng bào Raglay.
Các nghệ nhân xã Phước Hà tái hiện nghi thức Lễ cúng ăn đầu lúa mới của đồng bào Raglay

Huyện Thuận Nam hiện có 4.781 hộ với 21.203 khẩu là đồng bào DTTS, chiếm 27,8% dân số toàn huyện. Trong đó, đồng bào dân tộc Chăm có 3,820 hộ với 17.318 khẩu, sinh sống tập trung ở 2 xã Phước Nam và Phước Ninh; đồng bào dân tộc Raglay có 912 hộ với 3.772 khẩu, sinh sống tập trung ở xã Phước Hà. Đồng bào Chăm và đồng bào Raglay có nền văn hóa đặc sắc với nhiều loại nhạc cụ truyền thống, nhiều điệu múa, sử thi, dân ca và nhiều lễ hội truyền thống độc đáo được lưu truyền lâu đời trong dân gian.

Ngày 20/6/2017, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 2459/QĐ-BVHTTDL ghi danh Lễ hội Katê của người Chăm tỉnh Ninh Thuận vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Ngày 02/02/2023, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 149/QĐ-BVHTTDL đưa Lễ ăn mừng đầu lúa mới của người Raglay xã Phước Hà, huyện Thuận Nam, vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với tập quán xã hội và tín ngưỡng.

Các nghệ nhân xã Phước Hà truyền dạy kỹ năng biểu diễn mã la.
Các nghệ nhân xã Phước Hà truyền dạy kỹ năng biểu diễn mã la

Triển khai Dự án 6, Chương trình MTQG 1719, huyện Thuận Nam tập trung thực hiện nhiều nội dung bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào Chăm và đồng bào Raglay gắn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện. 

Bao gồm: Khảo sát, kiểm kê, sưu tầm tư liệu văn hóa di sản truyền thống; Chương trình nghiên cứu, phục dựng, bảo tồn, phát triển văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một; Tổ chức bảo tồn và khai thác các lễ hội truyền thống xây dựng sản phẩm du lịch; Xây dựng mô hình văn hóa truyền thống; Xây dựng các câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian; Hỗ trợ hoạt động đội văn nghệ truyền thống; Hỗ trợ đầu tư xây dựng điểm đến du lịch tiêu biểu; Hỗ trợ xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao và trang thiết bị; Hỗ trợ tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia có giá trị tiêu biểu của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, truyền dạy văn hóa phi vật thể; Xây dựng mô hình sinh thái kết hợp nhà truyền thống dân tộc gắn với phát triển khu lịch...

Nghệ nhân Ưu tú Tà Thía Banh ở xã Phước Hà truyền dạy biểu diễn kèn bầu.
Nghệ nhân Ưu tú Tà Thía Banh ở xã Phước Hà truyền dạy biểu diễn kèn bầu

Tính riêng trong năm 2024, huyện Thuận Nam được ngân sách Trung ương phân bổ 1.921 triệu đồng thực hiện Dự án 6 Chương trình MTQG 1719. Đến nay vốn sự nghiệp đã giải ngân 401,4 triệu đồng/662,9 triệu đồng, đạt 60,5%. Trong đó, hỗ trợ mua sách để trang bị tủ sách cộng đồng cho các thôn Giá, Trà Nô, Rồ Ôn, Là A, Tân Hà, Văn phòng một cửa thuộc xã Phước Hà và thôn Phước Lập Tam Lang, thuộc xã Phước Nam; Tổ chức mở một lớp truyền dạy văn hóa phi vật thể cho 30 học viên; Tổ chức một lớp truyền dạy trống ghi năng cho 50 học viên và một lớp truyền dạy sử dụng kèn saranai cho 33 học viên vùng đồng bào Chăm xã Phước Ninh; Hỗ trợ đầu tư trang thiết bị (trống baranưng, lục lạc) tại các thôn Hiếu Thiện, Vụ Bổn và Tân Bổn thuộc xã Phước Ninh; Tổ chức mở một lớp truyền dạy mã la cho 40 học viên đồng bào Raglay xã Phước Hà.

Đội mã la của đồng bào Raglay xã Phước Hà biểu diễn phục vụ các sự kiện văn hóa ở địa phương.
Đội mã la của đồng bào Raglay xã Phước Hà biểu diễn phục vụ các sự kiện văn hóa ở địa phương

Vốn đầu tư thực hiện Dự án 6 của huyện Thuận Nam đến nay đã giải ngân 1.151,6 triệu đồng, đạt 84,24% kế hoạch vốn đầu tư. Thực hiện chuyển tiếp công trình xây dựng Nhà truyền thống xã Phước Hà đã giải ngân 285,2 triệu đồng, đạt 83,9% nguồn vốn. Công trình chuyển tiếp nhà văn hóa các thôn Hiếu Thiện, Vụ Bổn thuộc xã Phước Ninh đã giải ngân 410 triệu đồng, đạt 84,5% vốn đầu tư; công trình chuyển tiếp xây nhà truyền thống thôn Văn Lâm 2 đã giải ngân 456 triệu đồng, đạt 84% vốn đầu tư...

Nghệ nhân Ưu tú Phú Bình Đồn, ở xã Phước Ninh phấn khởi chia sẻ: “Đồng bào Chăm chúng tôi vui mừng được Nhà nước quan tâm đầu tư Chương trình MTQG 1719, tạo điều kiện phát triển nâng cao toàn diện đời sống đồng bào DTTS và miền núi. Trong đó, có Dự án 6 với nhiều hạng mục đầu tư thiết thực cho việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS gắn với phát triển du lịch. Với vai trò Nghệ nhân Ưu tú, bản thân tôi tích cực tham gia truyền dạy biểu diễn các loại nhạc cụ truyền thống cho con cháu, tích cực góp phần bảo tồn văn hóa của đồng bào Chăm”.

Các nhạc công nhỏ tuổi xã Phước Ninh tập đánh trống baranưng.
Các nhạc công nhỏ tuổi xã Phước Ninh tập đánh trống baranưng

Bà Nguyễn Thị Mai Xuân, Trưởng Phòng Văn hóa -Thông tin huyện Thuận Nam cho biết, Dự án 6 thuộc Chương trình MTQG 1719 được UBND huyện Thuận Nam quan tâm chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và UBND các xã triển khai khẩn trương thực hiện bảo đảm giải ngân đúng tiến độ. Nguồn vốn sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả đầu tư, góp phần quan trọng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đồng thời tạo cơ sở vật chất, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào DTTS nhằm thu hút du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, trải nghiệm vùng đất Thuận Nam giàu tiềm năng du lịch trong thời gian tới. 

Các nhạc công thiếu nhi ở xã Phước Ninh được đào tạo biểu diễn nhạc cụ Chăm từ Dự án 6 của Chương trình MTQG 1719.
Các nhạc công thiếu nhi ở xã Phước Ninh được đào tạo biểu diễn nhạc cụ Chăm từ Dự án 6 của Chương trình MTQG 1719
Nghệ nhân Ưu tú Phú Bình Đồn luôn đồng hành, tận tâm truyền dạy biểu diễn nhạc cụ Chăm và đạo diễn múa các chương trình văn nghệ xã Phước Ninh.
Nghệ nhân Ưu tú Phú Bình Đồn luôn đồng hành, tận tâm truyền dạy biểu diễn nhạc cụ Chăm và đạo diễn múa các chương trình văn nghệ xã Phước Ninh