Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Huyện Nhà Bè (TP. Hồ Chí Minh): Người dân thấp thỏm vì nỗi lo cầu sập

Lê Vũ – Trần Linh - 21:39, 04/04/2021

Được xây dựng từ những năm 70 của thế kỷ trước, mặc dù được sửa chữa, gia cố tạm sau sự cố sập cầu cách đây 3 năm, nhưng hiện cầu Long Kiểng (huyện Nhà Bè, TP. Hồ Chí Minh) đã xuống cấp nghiêm trọng. Mỗi ngày, cây cầu này vẫn phải "gánh" hàng ngàn lượt phương tiện, trong khi dự án xây cầu Long Kiểng mới đã có từ 20 năm, nhưng nay vẫn còn dang dở.

Cầu sắt Long Kiểng đã xuống cấp nghiêm trọng
Cầu sắt Long Kiểng đã xuống cấp nghiêm trọng

Người dân thấp thỏm từng ngày

Ghi nhận thực tế của phóng viên, cây cầu sắt Long Kiểng đã quá đỗi “già cỗi” khi những thanh lan can rệu rã, nham nhở gỉ sét, nhiều khớp nối giữa các thanh lan can sắt bị bung ốc, tạo ra những mối hở lớn, khiến cây cầu rung bần bật mỗi khi có xe chạy qua. Xe lôi, xe chở hàng, xe ôtô con, xe máy..v.v.. tiếng động cơ, tiếng còi xe in ỏi và cả tiếng rung ầm ầm của các nhịp cầu… tất cả tập hợp lại, chen chúc xen kẽ trên mặt cầu rộng chừng 3m.

Cầu Long Kiểng nằm trên tuyến huyết mạch trục đường Lê Văn Lương, nối huyện Nhà Bè với quận 7 và thông suốt với tỉnh Long An. Do tốc độ đô thị hóa nhanh, huyện Nhà Bè giáp ranh quận 4 và quận 7 càng làm áp lực về giao thông ngày một lớn dần.

Anh Trần Văn Thông (43 tuổi, có nhà ở cách chân cầu vài trăm mét) cho biết, với lượng phương tiện tham gia lưu thông đông đúc như vậy, mà mỗi lần gặp xe con, xe hàng qua lại là kẹt xe ngay. Bề ngang cầu Long Kiểng rất hẹp, người và phương tiện lưu thông dày đặc nên chỉ cần một ô tô cỡ nhỏ chạy qua, là cả đoàn xe máy phía sau bị ùn lại, 2 ô tô đối đầu là xem như kẹt cứng.

“Chẳng thà kẹt xe đứng dưới đường lộ còn đỡ, chứ kẹt xe mà đứng giữa cầu, cầu thì lại rung ầm ầm thì thật bất an lắm”, anh Thông chia sẻ.

Đứng trầm ngâm nhìn cây cầu như một thói quen hàng ngày, ông Đinh Văn Hai (58 tuổi, sống tại Phước Kiểng) ngán ngẩm cho biết: “Chỉ cần xe du lịch, xe con qua lại là đủ kẹt rồi. Nhiều khi kẹt xe rồi tranh cãi, đánh nhau hoài. Tội mấy đứa nhỏ đi học qua lại kẹt xe cũng cực và nguy hiểm lắm”.

Chỉ cần 1 chiếc ô tô qua cầu là cây cầu kẹt cứng và đứng trước nguy cơ quá tải.
Chỉ cần 1 chiếc ô tô qua cầu là cây cầu kẹt cứng và đứng trước nguy cơ quá tải.

Bao giờ "nối nhịp cầu vui"?

Theo tìm hiểu của phóng viên, từ sau sự cố sập cầu năm 2018, cầu Long Kiểng được sửa chữa, gia cố lại nhịp giữa. Tuy nhiên, đây cũng là phương án tạm trong khi chờ cây cầu mới hoàn thành. 

Được biết, Dự án xây dựng cầu Long Kiểng được UBND TPHCM phê duyệt từ năm 2001 (Quyết định số 3082/QĐ-UB ngày 28/5/2001). Tuy nhiên, sau đó dự án không được triển khai do TP. Hồ Chí Minh chưa bố trí được nguồn vốn và gặp khó khăn trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.

Tới năm 2007 và 2017, UBND TP. Hồ Chí Minh có hai quyết định (Quyết định số 4126/QĐ-UBND ngày 13/9/2007 và Quyết định số 301/QĐ-UBND ngày 20/1/2017) điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng cầu Long Kiểng. Theo đó, cầu Long Kiểng được phê duyệt điều chỉnh năm 2017 có chiều dài 318 m, rộng 15 m được xây dựng bằng nguồn ngân sách thành phố, với trị giá 557 tỉ đồng; trong đó kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng dự kiến khoảng 150 tỉ đồng.

Dự án chưa được triển khai thì đầu năm 2018, xảy ra sự cố sập cầu. 8 tháng sau sự cố, Sở Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh mới gấp rút khởi công xây dựng cầu Long Kiểng mới và dự kiến hoàn thành vào tháng 11/2019. Tuy nhiên đến nay, công trình mới chỉ hoàn thành được 7 trụ cầu và phải ngưng thi công vì vướng mặt bằng.

Chỉ tay về hướng mấy cái trụ bê tông dang dở, ông Đinh Văn Hai cho biết: “Họ làm xong mấy cái trụ rồi để đó có thấy ai thi công gì nữa đâu. Lại nghe thông báo sắp khởi công tiếp. Ôi, nói vậy chứ biết chừng nào xong, nghe thông báo hoài, thông báo nhiều lần rồi”.

Cầu Long Kiểng mới chỉ làm được 7 trụ rồi ngưng thi công đến nay vì vướng mặt bằng
Cầu Long Kiểng mới chỉ làm được 7 trụ rồi ngưng thi công đến nay vì vướng mặt bằng

Trả lời báo chí, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP. Hồ Chí Minh (chủ đầu tư) cho biết, nguyên nhân dự án kéo dài là do chính quyền địa phương chậm giao mặt bằng. Sau khi khởi công cầu, các nhà thầu đã thi công trong phạm vi mặt bằng mà UBND huyện Nhà Bè bàn giao. Đến nay, nhà thầu đã hoàn thành kết cấu từ trụ T1 đến T8. Tuy nhiên, do chưa đủ mặt bằng nên từ tháng 12/2019, nhà thầu đã tạm ngưng thi công.

"Theo thông tin mới nhất, huyện Nhà Bè sẽ hoàn chỉnh hồ sơ để trình Hội đồng thẩm định giá đất Thành phố phê duyệt trong tháng 3 này. Dự kiến việc bồi thường, giải phóng mặt bằng sẽ hoàn thành trong quý 3 năm nay, và 18 tháng sau khi được giao mặt bằng, chủ đầu tư sẽ hoàn thành toàn bộ công trình",  ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án thông tin.