Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Đội sơ cấp cứu giao thông: Mô hình cần được nhân rộng

Hiếu Anh - 14:46, 24/12/2020

Nhằm góp phần giảm thiểu thiệt hại về tính mạng đối với người bị tai nạn giao thông, thời gian qua, một số y bác sĩ đã nghỉ chế độ và người dân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã thành lập các đội sơ cấp cứu giao thông. Mô hình này đã và đang giúp nhiều người được cứu sống kịp thời.

Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thái Nguyên hướng dẫn người dân cách sơ cứu khi bị TNGT
Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thái Nguyên hướng dẫn người dân cách sơ cứu khi bị TNGT

Xuất phát từ mong muốn giúp đỡ người bị tai nạn giao thông nhanh chóng được sơ cứu, hơn 10 năm nay, một số y bác sĩ về hưu trên địa bàn phường Túc Duyên, TP. Thái Nguyên đã lập các chốt sơ cứu tai nạn giao thông.

Bà Trần Thị Bắc, Chốt trưởng Chốt sơ cấp cứu phường Túc Duyên cho biết, các thành viên trong chốt mỗi khi nghe tin có người bị tai nạn giao thông là họ tức tốc tới hiện trường. Để đáp ứng việc sơ cấp cứu, các thành viên đã tự trang bị dụng cụ y tế hỗ trợ cho việc sơ cứu ban đầu như: Bông, băng, gạc, nẹp… Từ khi thành lập đến nay, chốt sơ cấp cứu này đã sơ cấp cứu cho gần 200 trường hợp bị tai nạn giao thông.

Không riêng đường bộ mà trên các tuyến đường sông cũng luôn có các câu lạc bộ (CLB) sơ cấp cứu túc trực. Ông Nguyễn Văn Diễm, Chủ nhiệm CLB Tình nguyện viên cứu hộ cứu nạn Chữ thập đỏ sông Đào, xã Đào Xá, huyện Phú Bình cho biết, trước đây, khi thấy người đuối nước, một số người dân có quan niệm lạc hậu là không được “cướp cơm của hà bá” nên họ e ngại khi cứu vớt người. Xuất phát từ mong muốn thay đổi quan niệm của người dân và cứu sống người bị tai nạn, ông Diễm đã thành lập CLB Tình nguyện viên cứu hộ cứu nạn sông Đào. 

Theo ông Diễm, nhiệm vụ của CLB là tuyên truyền phòng, tránh đuối nước; giúp đỡ các trường hợp bị TNGT; sẵn sàng tham gia phòng, chống lụt bão… CLB của ông ban đầu chỉ có vài người tham gia. Thế nhưng, khi hiểu được việc làm ý nghĩa này, hiện nay, CLB đã tăng lên gần 90 thành viên, chia thành 7 đội đóng trên địa bàn 7 xóm của xã.

Ông Diễm cho biết thêm, quá trình hoạt động, các tình nguyện viên được trang bị những kiến thức cơ bản về sơ cấp cứu, cứu hộ, cứu nạn trên sông, trang bị dụng cụ y tế hỗ trợ như bông, băng, gạc, nẹp… Từ khi thành lập đến nay, có gần 300 người được sơ cấp cứu ban đầu, hàng chục vụ TNGT từ đắm thuyền, xe ô tô, công nông đến xe đạp, xe máy rơi xuống sông đều được CLB ứng cứu kịp thời.

Anh Đỗ Văn Hùng, xóm Trại Đèo, xã Tân Lợi, huyện Đồng Hỷ, chia sẻ, vào đêm cuối năm 2019, anh có việc qua nhà bạn ở xã Xuân Phương, huyện Phú Bình. Do đêm tối nên khi về đã lao vào cột mốc nằm lịm dưới đất, tay và đầu gối chảy nhiều máu, mặt mũi xây xát. Nhận được tin báo, ông Diễm cùng các thành viên trong CLB đã ngay lập tức đến sơ cấp cứu, băng bó vết thương rồi chuyển anh vào Trạm Y tế xã. Nhờ vậy mà anh đã thoát chết.

Học sinh vừa đi xe vừa che ô tiềm ẩn TNGT
Học sinh vừa đi xe vừa che ô, dễ xảy ra tai nạn giao thông

Ông Phạm Quang Sáng, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thái Nguyên cho biết: Theo thống kê sơ bộ, hiện nay, toàn tỉnh có 48 trạm, điểm sơ cấp cứu tại cộng đồng, 1 CLB Thầy thuốc tình nguyện, 11 đội xe ôm an toàn, 9 Đội cứu hộ, cứu nạn sơ cấp cứu ban đầu, thu hút trên 1.500 tình nguyện viên tham gia. Mỗi năm, các trạm sơ cấp cứu hỗ trợ ứng cứu kịp thời cho hàng trăm lượt người. Những người trực chốt thường là những y, bác sĩ nghỉ hưu, là cán bộ, người dân trong địa bàn.

Nhận thấy đây là mô hình hay, thiết thực và hiệu qua, thời gian qua, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thái Nguyên đã cử người đến các CLB để tập huấn kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu. Ngoài ra, Hội Chữ thập thường xuyên phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh thực hiện các nội dung như: Tuyên truyền nâng cao nhận thức, từng bước thay đổi hành vi khi tham gia giao thông; thực hiện cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo và chương trình “Vòng tay nhân ái, chia sẻ nỗi đau TNGT”.