Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Huy động mọi nguồn lực giúp đồng bào giảm nghèo bền vững

Hải Khánh - 16:58, 15/05/2023

Thời gian qua, công tác giảm nghèo trên cả nước đã đạt được nhiều thành tựu, nhiều gia đình đã thoát nghèo nhờ những nỗ lực từ phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không ai bị bỏ lại phía sau”. Phong trào đã huy động nguồn lực toàn xã hội thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tạo được sự lan tỏa mạnh mẽ, có ý nghĩa xã hội sâu sắc, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no của người dân.

Các hộ nghèo tại xã bằng Thanh, huyện Pắc Nặm, tỉnh Bắc Kạn được hỗ trợ bò giống sinh sản địa phương
Các hộ nghèo tại xã bằng Thanh, huyện Pắc Nặm, tỉnh Bắc Kạn được hỗ trợ bò giống sinh sản địa phương

Ngày 2/6/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 666/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021 - 2025. Mục tiêu là tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động, ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội đối với công tác giảm nghèo bền vững... Qua đó, giảm tỷ lệ nghèo đa chiều, duy trì mức giảm 1 - 1,5%/năm; tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm trên 3%/năm...

Hưởng ứng phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, thời gian qua, các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và các địa phương đã huy động nguồn lực của toàn xã hội trợ giúp người nghèo vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo.

Như tại huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, là một trong những địa phương thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững. Để thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể các cấp huyện Vân Hồ đã huy động nhiều nguồn lực hỗ trợ người nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập…

Từ các chương trình, dự án đầu tư hỗ trợ giảm nghèo đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân huyện Vân Hồ. Diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư, từng bước đáp ứng nhu cầu sản xuất, phục vụ dân sinh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Hết năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều trên địa bàn huyện giảm từ 26% xuống còn 23,06%; tỷ lệ hộ cận nghèo còn 12,58%.

Theo ông Nguyễn Hợp Cường, Chủ tịch UBND huyện Vân Hồ, để có kết quả đó, những năm qua, huyện Vân Hồ đã tập trung huy động mọi nguồn lực, với nhiều giải pháp thiết thực, triển khai hiệu quả Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, góp phần nâng cao đời sống Nhân dân. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của Nhân dân công tác giảm nghèo đã đạt nhiều kết quả.

Thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, huyện Vân Hồ đã lồng ghép các chương trình, dự án, huy động các nguồn lực tập trung cho công tác xóa đói, giảm nghèo. Chỉ đạo các xã, đơn vị liên quan thực hiện công tác rà soát, nắm chắc tình hình hộ nghèo, cận nghèo; thực hiện tốt các chính sách, chương trình dự án hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và các chương trình, chính sách an sinh xã hội, bảo đảm đúng đối tượng, đúng mục đích và mang lại hiệu quả thiết thực, đáp ứng nhu cầu nguyện vọng của người dân.

Anh Sa Văn Bắc, bản Tin Tốc, xã Chiềng Khoa cho biết: Năm 2017 gia đình thuộc diện hộ cận nghèo, được hỗ trợ cây giống, phân bón từ Chương trình 30a và được vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi, gia đình đã đầu tư trồng 5.000 m² cây chanh leo và nuôi gia cầm. Đến hết năm 2019, gia đình anh đã có thu nhập 80 - 100 triệu đồng/năm, thoát khỏi diện hộ cận nghèo.

Từ nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo, nhiều hộ dân ở Cúc Phương, huyện Nho Quan (Ninh Bình) đã thoát nghèo nhờ mô hình nuôi hươu
Từ nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo, nhiều hộ dân ở Cúc Phương, huyện Nho Quan (Ninh Bình) đã thoát nghèo nhờ mô hình nuôi hươu

Còn tại Lâm Đồng, ngoài nguồn ngân sách Trung ương và các chương trình đầu tư để giảm nghèo bền vững, tỉnh còn huy động mọi nguồn lực để giảm nghèo. Theo thống kê, đầu năm 2023, tỷ lệ nghèo đa chiều toàn tỉnh có 5,34%, tương ứng 18.237 hộ, trong đó, tỷ lệ nghèo đa chiều đồng bào DTTS còn 14,22%, tương ứng 11.454 hộ. Để thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp, trong đó vận động mọi nguồn lực hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo nhằm thực hiện đạt chỉ tiêu giảm nghèo.

Theo đó, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành kế hoạch vận động nguồn lực hỗ trợ cho công tác giảm nghèo năm 2023 trên địa bàn nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị. Trong đó, vận động các sở, ngành, tổ chức, đơn vị, cá nhân và huy động nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ công tác giảm nghèo nhằm thực hiện đạt chỉ tiêu giảm nghèo của tỉnh trong năm 2023. Theo phân bổ chỉ tiêu vận động, các sở, ban, ngành cấp tỉnh hỗ trợ 160 hộ nghèo, cận nghèo tại các địa phương với tổng kinh phí 3,2 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Lâm Đồng, năm 2023 của UBND tỉnh, vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh hỗ trợ cho công tác giảm nghèo. Đặc biệt, vận động các sở, ngành, tổ chức chính trị cấp tỉnh hỗ trợ trực tiếp về nguồn lực tài chính và chịu trách nhiệm hướng dẫn trực tiếp về nguồn lực sinh kế cụ thể đến từng hộ nghèo, cận nghèo để thoát nghèo bền vững trong năm 2023 mà không ảnh hưởng đến Quỹ Vì người nghèo các cấp. Đây được đánh giá là một trong những cách làm đổi mới.

Từ phong trào “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” đã nâng cao nhận thức và đề cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, gắn nhiệm vụ hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo gắn với Phong trào thi đua “Chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Qua đó, góp phần tạo sự đồng thuận và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, huy động sự tham gia của toàn xã hội trong công tác giảm nghèo.