Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Tầm nhìn mới cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam

PV - 15:50, 24/12/2018

Hiện nay, Việt Nam đã thoát khỏi nhóm các nước nghèo để trở thành nhóm nước có thu nhập trung bình. Điều đó đã khẳng định, chúng ta đã tận dụng tốt nhiều tiềm năng lợi thế trong phát triển kinh tế. Tuy nhiên, trước biến đổi nhanh chóng trong kỷ nguyên mới, những lợi thế trước đây không hẳn đã là lợi thế cho hôm nay và tương lai. Do đó, chúng ta cần phải có một tầm nhìn mới trong phát triển kinh tế.

Thách thức trong kỷ nguyên mới

Mới đây, tại Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam lần thứ nhất (VRDF 2018), ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đánh giá, với nền kinh tế tăng trưởng trung bình gần 7%/năm trong suốt 30 năm qua giúp thu nhập bình quân đầu người tăng gần gấp 5 lần, Việt Nam đã trở thành một nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp. Tăng trưởng của Việt Nam cũng có tính bao trùm, với tỷ lệ nghèo đã giảm xuống dưới 7%, so với mức hơn 60% vào cuối những năm 1980.

Toàn cảnh Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam 2018. Toàn cảnh Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam 2018.

Cũng tại diễn đàn này, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh: “Trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra nhanh chóng, có tác động sâu rộng đến mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội của tất cả các quốc gia trên toàn thế giới, làm thay đổi mạnh mẽ từ tổ chức sản xuất, cung ứng dịch vụ, phương thức kinh doanh đến cách thức tiêu dùng, cách thức giao tiếp, thậm chí làm thay đổi cả con người. Chúng ta đang đứng trước yêu cầu lịch sử là phải đổi mới, để tiếp tục phát triển, đi lên. Vì nếu không thực hiện, chúng ta sẽ ngay lập tức bị tụt hậu so với thời đại”.

Cải cách để phát triển

Trong báo cáo Việt Nam đến năm 2035, Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới đã nêu ra mục tiêu của Việt Nam là: Thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ với mục tiêu Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao, đạt 10 nghìn USD/người/năm tính theo giá hiện hành.

Để đạt được mục tiêu này, chúng ta không thể mãi dựa vào các lợi thế trước đây như tài nguyên thiên nhiên ưu đãi, lao động đông, giá rẻ… Để phát triển trong kỷ nguyên mới, Việt Nam không còn con đường nào khác là phải thông qua chương trình cải cách kinh tế.

Phát biểu tại Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam lần thứ nhất 2018, Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: " Việt Nam sẽ tiếp tục tập trung giải quyết các khó khăn để chuyển hóa thành 3 đột phá chiến lược thực sự phục vụ cho yêu cầu phát triển. Chính phủ sẽ tăng tốc trong cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo kênh tương tác trực tiếp giữa người dân và chính quyền, xây dựng một cơ chế mà các chủ thể trong xã hội có thể tham gia một cách hiệu quả, trực tiếp vào quá trình lập chính sách. Tập trung chuyển đổi số, trong đó ưu tiên xây dựng khung pháp lý về số hoá và cổng dịch vụ công quốc gia. Đổi mới cơ chế tuyển dụng, đánh giá cán bộ để lựa chọn được người tài phục vụ trong hệ thống hành chính”.

Cùng với việc thực hiện các đột phá chiến lược, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: "Chính phủ sẽ bổ sung thêm 2 đột phá mới, coi đó là 2 động lực tăng trưởng quan trọng của Việt Nam trong thập niên tới, trong đó có thúc đẩy năng lực sáng tạo và phát triển kinh tế tư nhân. Đây là cơ hội để Việt Nam tăng năng suất lao động, cải thiện năng lực cạnh tranh, và nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo. Không khí khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam chưa bao giờ phát triển mạnh mẽ, rộng khắp như hiện nay. Và cũng chưa bao giờ có nhiều doanh khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành công như bây giờ. Tôi khẳng định đây không phải là một phong trào, mà đó là một tinh thần và một quyết tâm. Người dân, doanh nhân, dưới sự hỗ trợ và hợp tác của các đối tác phát triển, cùng song hành với Chính phủ để đưa kinh tế Việt Nam đột phá, bắt kịp và cùng tiến với các nước phát triển”.

HIẾU ANH