Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Hội thảo Phát huy vai trò đội ngũ cán bộ nữ và việc thực hiện chính sách đối với các nhóm phụ nữ đặc thù khu vực miền Bắc

Thúy Hồng - 13:00, 25/07/2023

Sáng 25/7, tại Yên Bái, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam tổ chức hội thảo “Phát huy vai trò đội ngũ cán bộ nữ và việc thực hiện chính sách đối với các nhóm phụ nữ đặc thù” khu vực miền Bắc. Bà Hà Thị Nga - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam chủ trì Hội thảo.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga phát biểu tại Hội thảo
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga phát biểu tại Hội thảo

Đồng chủ trì Hội thảo có Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Quang Dương; Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy.

Những năm qua, công tác phụ nữ luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, thể hiện qua các quan điểm, chủ trương, chính sách, pháp luật đã và đang được thực hiện. Qua 5 năm thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 20/01/2018 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới (Chỉ thị số 21), công tác phụ nữ đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo chuyển biến mới cả về chất lượng và số lượng phụ nữ tham gia đóng góp vào các hoạt động phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và đời sống chính trị tại các địa phương.

Ông Đỗ Đức Duy, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái phát biểu tại Hội thảo
Ông Đỗ Đức Duy - Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu khai mạc hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga cho biết: Năm 2019, Ban Dân vận Trung ương, Hội LHPN Việt Nam đã phối hợp với các tỉnh, thành ủy tổ chức đánh giá 1 năm thực hiện Chỉ thị 21-CT/TW của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới gắn với triển khai Chỉ thị 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tại 3 khu vực: Tây Nguyên, Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long.

Trong 5 năm qua, công tác phụ nữ, công tác cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người DTTS của khu vực các tỉnh miền Bắc đã có nhiều thay đổi tích cực, đáng ghi nhận. Phụ nữ ngày càng tham gia sâu rộng trên mọi lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội và khẳng định được vai trò, vị thế, đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương, đất nước. Nhiều cơ chế, chính sách về lao động, việc làm, đào tạo nghề, phúc lợi xã hội có liên quan đến phụ nữ đã được ban hành, góp phần phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh xã hội.

Theo Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, về công tác cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ nữ người DTTS, có thể thấy những mảng màu sáng - tối tương phản rõ rệt. Mảng sáng là tăng về số lượng và chất lượng, được trẻ hóa, trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ cơ bản đáp ứng yêu cầu. Ở khu vực có đông đồng bào DTTS, tỷ lệ cán bộ nữ là người DTTS trong tổng số cán bộ nữ khá cao, thậm chí cao nhất so với cả nước.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều địa phương, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực đang thiếu vắng sự tham gia của phụ nữ ở vai trò lãnh đạo chủ chốt, đặc biệt là người đứng đầu; vẫn còn huyện, xã không có cán bộ nữ trong ban thường vụ, cá biệt còn xã không có cấp ủy viên là nữ….

Ở các tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc, lực lượng lao động đã qua đào tạo trong vùng đạt xấp xỉ mức bình quân cả nước 26,1%. Đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn trong vùng là 578.951 người, trong đó đào tạo cho người DTTS là 398.765 người. Số lao động nông thôn có việc làm sau đào tạo của vùng là 248.985 người, vùng Trung du và miền núi phía Bắc có 51,5 nghìn lao động nữ, chiếm 21,62% so với tổng số lao động của khu vực và chiếm 16,44% tổng số lao động nữ của cả nước, lao động nữ chiếm tỷ lệ 47,4% trong tổng số người có việc làm của khu vực.

Nhiều tỉnh cũng đạt được kết quả tích cực trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội như Yên Bái, giai đoạn 2016 - 2021, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm bình quân 4,58%/năm, riêng tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS giảm bình quân 7,01%/năm; tỉnh Hòa Bình năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 12,99%, giảm 2,5% so với năm 2021.

Toàn cảnh Hội thảo
Toàn cảnh Hội thảo

Bên cạnh những kết quả nổi bật, công tác phụ nữ ở các tỉnh miền Bắc trong thời gian qua còn tồn tại một số hạn chế. Trình độ phát triển kinh tế - xã hội chưa đồng đều giữa các vùng miền, mặt trái của kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế; diễn biến phức tạp của các tệ nạn xã hội, tội phạm, bạo lực gia đình… đã tác động trực tiếp đến đời sống, lối sống của một bộ phận phụ nữ, ảnh hưởng đến khả năng huy động, vận động phụ nữ và chất lượng hoạt động của phong trào phụ nữ. Nguồn lực tài chính cho mục tiêu bình đẳng giới và hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới còn hạn hẹp; chưa có sự quan tâm đúng mức đối với công tác tham mưu, đề xuất các cơ chế, chính sách cụ thể đối với nhóm phụ nữ đặc thù, chủ yếu lồng ghép và thực hiện chung nên tính hiệu quả chưa cao.

Các vấn đề xã hội tồn tại dai dẳng và các vấn đề mới phức tạp nảy sinh đã và đang tác động lớn đến công tác phụ nữ như: Mù chữ, tảo hôn, thiếu việc làm tại địa phương, dịch bệnh, phụ nữ vắng nhà đi làm ăn xa ảnh hưởng đến sự ổn định và giữ gìn hạnh phúc gia đình, các vụ việc xâm hại, bạo lực với phụ nữ, trẻ em còn xảy ra, có vụ việc rất nghiêm trọng gây bức xúc dư luận...

Đội ngũ lao động nữ trong cơ quan hành chính, cơ quan của Đảng, tổ chức chính trị - xã hội chưa cao, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy và lãnh đạo còn thấp; tỷ lệ phụ nữ dân tộc thiểu số là lãnh đạo chủ chốt chưa tương xứng với lực lượng cán bộ công chức nữ.

Khoảng cách giới lớn nhất trong tỷ lệ biết đọc, biết viết thuộc về khu vực Trung du và miền núi phía Bắc, nhất là ở các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lai Châu, Sơn La. Tỷ lệ biết đọc của dân số từ 15 tuổi trở lên là 89,9% (so với 95,8% cả nước), một số DTTS tỷ lệ biết chữ khá thấp: Những khó khăn trong tiếp cận giáo dục cũng khiến phụ nữ DTTS khó tiếp cận các cơ hội về việc làm trả lương. Theo khảo sát, chỉ có 17% phụ nữ DTTS có việc làm được trả lương nhưng thu nhập từ các công việc được trả lương bình quân chỉ 3,5 triệu đồng, thấp hơn nhiều so với nam giới DTTS và phụ nữ tại các vùng đồng bằng.

Vấn đề tảo hôn, hôn nhân cận huyết vẫn đang tồn tại dai dẳng ở vùng DTTS và miền núi. Theo số liệu điều tra thực trạng kinh tế - xã hội 53 DTTS năm 2019 của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ tảo hôn trong vùng là 24,6%. Tỷ lệ phụ nữ và trẻ em DTTS được tiếp cận các dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe của còn khoảng cách lớn, vẫn còn trên 30% phụ nữ DTTS sinh con ở nhà, thậm chí có một số dân tộc, tỷ lệ sinh con tại nhà lên tới 90% như dân tộc La Ha, La Hủ, Si La, Lự, Mảng.

Để các chính sách toàn diện, bao phủ các nhóm đối tượng, thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển của đất nước, Đảng và Nhà nước đã triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, trong đó có Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 với việc tích hợp nhiều chính sách dân tộc để tập trung nguồn lực, đầu tư trọng tâm, trọng điểm. Đặc biệt trong Chương trình MTQG DTTS và miền núi có Dự án thành phần số 8 Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em giao cho Hội LHPN Việt Nam chủ trì tổ chức thực hiện, trong đó 4 gói chính sách đặc thù hỗ trợ phụ nữ DTTS sinh đẻ an toàn và chăm sóc trẻ em đã được xây dựng và triển khai thực hiện.

Hiện nay, các cấp Hội phụ nữ từ Trung ương đến địa phương đang tích cực phối hợp với các ban, ngành liên quan triển khai thực hiện Dự án 8 và đạt được một số kết quả được cơ quan chủ trì, các bộ, ngành liên quan ghi nhận, đánh giá cao và tích cực tham gia phối hợp thực hiện. Điều đó khẳng định khả năng và vai trò của tổ chức Hội tham gia xây dựng chính sách và chỉ đạo triển khai thực hiện chính sách, thực hiện hiệu quả chức năng tham gia quản lý Nhà nước theo quy định của pháp luật.

Tại Hội thảo các đại biểu tham dự Hội thảo đã có nhiều ý kiến trao đổi, tham luận của các đại biểu về việc triển khai, thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW, phân tích, làm rõ những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, tìm ra những nguyên nhân, rút ra các bài học kinh nghiệm. Đặc biệt là phân tích những vấn đề đặt ra trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện công tác phụ nữ, việc thực hiện chính sách đối với các nhóm phụ nữ đặc thù ở địa phương, đặc biệt là phụ nữ ở vùng cao, vùng sâu, biên giới, hải đảo, phụ nữ là người DTTS, phụ nữ khuyết tật, đơn thân, cao tuổi, phụ nữ mang thai và nuôi con nhỏ, lao động nữ di cư, chuyển đổi nghề…