Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Hồi sinh vùng “rốn lũ”: Nơi đầu nguồn cơn lũ (Bài 1)

Nguyễn Thanh - CĐ - 15:54, 17/05/2021

LTS: Ở nơi ấy, năm nào cũng bị dòng nước dữ nhấn chìm nhiều bản làng, nương rẫy khiến nhà trôi, người mất… Nhưng, bây giờ, tất cả đã lùi xa để nhường chỗ cho màu xanh ngút ngát với nương sắn, đồi keo; với nếp nhà sàn bình yên... Từ trong lũ dữ, người dân đã nắm chặt tay nhau hơn để vượt qua hoạn nạn bằng tình người, bằng những bài học được đánh đổi qua năm tháng chống chọi với thiên tai… để hồi sinh.

Thông đường đến xã Trường Sơn huyện Quảng Ninh (Quảng Binh)
Thông đường đến xã Trường Sơn huyện Quảng Ninh (Quảng Binh)

Những ngày cuối năm 2020 là thời khắc ám ảnh với những cư dân “rốn lũ” Trung Bộ. Nước từ trên trời xuống, nước từ khe suối chảy ra,… Nước nhấn chìm tất cả. Khúc ruột miền Trung nơi đầu nguồn cơn lũ dường như “sạch trơn” khi lũ rút; để lại những ánh mắt thẫn thờ, rũ rượi…

Những ngày đường tắc, lũ vây…

Đợt lũ quái ác cuối năm 2020 mãi mãi sẽ còn được khắc ghi trong trí nhớ của những cư dân nơi miền sơn cước huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa (Quảng Bình). Nhưng có lẽ đậm sâu nhất là hình ảnh mưa lũ ở những xã vùng sâu, vùng xa như Dân Hóa, Trọng Hóa, Ngư Hóa… Nước dữ đã chia cắt nhiều ngày liền, biến bản làng thành ốc đảo trong khi lực lượng chức năng dường như không thể tiếp cận.

Lũ năm 2020 cũng đã là kí ức không quên với người dân Hướng Việt, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) khi xã này thành địa bàn “sáu không”: không đường, không điện, không nước sạch, không trạm y tế, không trường học, không trụ sở. Đến nỗi, các lực lượng chức năng muốn tiếp cận rốn lũ Hướng Việt, thì đã phải đi vòng ra Quảng Bình rồi ngoặt trở lại do đường tắc.

Đến nỗi, Phó Chủ tịch UBND xã Hướng Việt huyện Hướng Hóa Hồ Thị Sáu đã phải giật mình khi thuật lại: "Quá khủng khiếp!. Nước giăng tứ bề, nước từ đâu chảy đến cuốn theo đất đá, cây cối vùi lấp nhiều thứ. Nhiều bản làng đã bị cô lập nhiều ngày và không thể tiếp cận".

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, đợt mưa lũ cuối tháng 10, đầu tháng 11 năm 2020 được xác định là vượt mốc lũ lịch sử năm 1983, khiến cả vùng “rốn lũ” Trung Bộ chìm trong biển nước mênh mông. Phương tiện đi lại trong nhiều ngày liền là xuồng máy, thuyền bè; bữa ăn nhiều ngày với cư dân vùng lũ là nước lọc, mỳ gói… trong điều kiện “màn trời chiếu đất”. Cuộc sống thường ngày của người dân đã bị đảo lộn hoàn toàn vì lũ.

 Lực lượng quân đội hỗ trợ dọn dẹp bùn đất tại trường mầm non Hướng Việt huyện Hướng Hóa (Quảng Trị)
Lực lượng quân đội hỗ trợ dọn dẹp bùn đất tại trường mầm non Hướng Việt huyện Hướng Hóa (Quảng Trị)

Ông Bùi Anh Tuấn, Bí thư Huyện ủy Minh Hóa (Quảng Bình) kể lại: Có những địa bàn phải mất mấy ngày mới tiếp cận được để cứu hộ cứu nạn bởi tất cả các tuyến đường giao thông chính đã bị sạt lở nặng hoặc còn bị ngâm sâu trong nước, không thể đi lại được. Chúng tôi đã rất cố gắng, nỗ lực nhưng có những thời điểm cảm thấy “bất lực” trước sự tàn phá của thiên nhiên.

Hàng nghìn tỉ đồng trôi theo dòng nước

Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn (Nghệ An) Vi Hòe kể vanh vách với tôi những nơi nào từng chịu ảnh hưởng lũ lụt, nhưng khi nói đến những mất mát, đau thương của người dân, ông lại thảng thốt: Có những xã như Na Ngoi, Mỹ Lý, Keng Đu… năm nào cũng chịu lũ và năm nào cũng bị thiệt hại nặng.

Sinh ra và lớn lên ở vùng đất ấy hết đời này sang đời khác, đồng bào không thể bỏ mà đi được. Nhưng biết đi đâu khi cả huyện này gần như là dốc núi cao, dễ sạt trượt.

“Rốn lũ” miền Trung đã hứng chịu nhiều thiệt hại do mưa lũ gây ra. Hàng chục ngàn hộ dân phải di dời, hàng trăm bản, làng bị ngập và chia cắt; nhiều tuyến đường huyết mạch bị ngập sâu hoặc sạt lở, hàng ngàn ha cây trồng bị ngâm trong nước gây hư hỏng; đau buồn hơn, nhiều số phận kém may mắn đã bị nước dữ cuốn trôi…

Lũ lụt đi qua để lại những bản làng trống hoác, tiêu điều; để lại những ruộng đồng trơ cằn sỏi đá, ngổn ngang cây đổ… Hàng nghìn tỉ đồng từ “rốn lũ” Trung Bộ phút chốc trôi theo dòng nước bạc.

Nước lũ gây ngập sâu tại xã Thanh Mỹ huyện Thanh Chương (Nghệ An) vào những ngày cuối năm 2020
Nước lũ gây ngập sâu tại xã Thanh Mỹ huyện Thanh Chương (Nghệ An) vào những ngày cuối năm 2020

Chỉ tính riêng Quảng Bình, đợt lũ từ ngày 16 - 21/10 đã vượt lũ lịch sử 1979 và khiến tỉnh này thiệt hại 3.500 tỷ đồng. Tại Hà Tĩnh, mưa lũ đã cuốn trôi 5.500 tỉ đồng theo dòng nước. Còn Quảng Trị, địa phương này cũng đã mất 2.000 tỉ đồng do lũ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sĩ Đồng khẳng định: Thiệt hai mưa lũ là rất lớn. Điều quan trọng hơn, chính quyền địa phương và người dân đã phải mất rất nhiều thời gian, công sức để khắc phục nhưng cũng chẳng ăn thua. Cho đến nay, những nỗ lực khắc phục hậu quả mưa lũ cuối năm 2020 vẫn đang còn tiếp diễn.

Khúc ruột miền Trung nơi đầu nguồn cơn lũ dường như “sạch trơn” khi lũ rút, chỉ còn lại những ánh mắt thẫn thờ, rũ rượi… Ngồi kể lại những tháng ngày chống chọi với lũ, bà Hoàng Thị Tuân, thôn Ngọc Bội, xã Hương Trạch thuộc huyện “rốn lũ” Hương Khê (Hà Tĩnh) vẫn chưa hết bàng hoàng: Lũ khiếp quá. Tất cả nhà cửa, ruộng vườn bị nhấn chìm sạch. Cả thôn không hộ nào không bị thiệt hại.

Sau lũ, đã có nhiều đoàn thiện nguyện, nhiều tổ chức cùng các cấp chính quyền đã về vùng “rốn lũ” Trung Bộ hỗ trợ, xắn tay cùng Nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai. Chẳng thể lấy lại hàng ngàn tỉ đồng đã mất vì nước lũ, chẳng thể ngày một ngày hai khắc phục ngay những thiệt hại của thiên tai nhưng đó là tình người, là động lực, là niềm tin để người dân vùng lũ vươn lên, tái thiết cuộc sống.

Bài 2: Kì tích hồi sinh