Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Hồi sinh chữ nôm Dao ở xứ Thanh: Học chữ để giữ gìn văn hóa dân tộc (Bài 2)

Quỳnh Trâm - 09:42, 16/10/2022

Đồng bào Dao, là một trong số ít DTTS có chữ viết riêng. Đồng bào dùng văn tự để ghi lại vạn vật và sự thay đổi, biến chuyển của cuộc sống và con người. Trước thực trạng chữ nôm Dao có nguy cơ mai một, các cấp, các ngành, đặc biệt là các địa phương có đông đồng bào Dao sinh sống, đã và đang triển khai nhiều giải pháp hữu hiệu để "hồi sinh" và phát huy giá trị chữ nôm Dao trong đời sống hiện đại.

Nhiều lớp học chữ nôm Dao được triển khai trên địa bàn Thanh Hóa. Trong ảnh: Lễ bế giảng lớp học nôm Dao huyện Cẩm Thủy năm 2021
Nhiều lớp học chữ nôm Dao được triển khai trên địa bàn Thanh Hóa. Trong ảnh: Lễ bế giảng lớp học nôm Dao huyện Cẩm Thủy năm 2021

Bộ chữ nôm Dao truyền thống là di sản quý giá, đại diện cho văn hóa cội nguồn dân tộc mà không gì thay thế được. Vậy nên, những người nặng lòng với văn hóa dân tộc Dao ở Thanh Hóa, đã và đang không ngừng nỗ lực để “hồi sinh” chữ nôm Dao, đưa bộ chữ truyền thống này truyền lại cho thế hệ trẻ ngày nay.

Trước đây, đồng bào Dao ở Thanh Hóa sống du canh, du cư trên núi cao, sản xuất lương thực chủ yếu bằng nương rẫy, tưới tiêu phụ thuộc vào thiên nhiên nên năng suất thấp, hàng năm bà con còn thiếu lương thực. Từ năm 1968 đến nay, thực hiện cuộc vận động định canh, định cư kết hợp với hợp tác hóa của Đảng, Nhà nước và của tỉnh Thanh Hóa; người Dao ở đây đã sống tập trung thành thôn bản.

Hiện đồng bào Dao ngoài trồng lúa, bà con đã trồng ngô, khoai, sắn, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng rừng và nhận chăm sóc và bảo vệ rừng… Từ đó, đời sống vật chất và tinh thần Nhân dân được cải thiện, ngày càng nâng cao. Theo đó, đồng bào ý thức được việc giữ gìn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống.

Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là, giới trẻ đồng bào Dao hiện nay, dù được học tiếng phổ thông, học ngoại ngữ, nhưng không học, không nói tiếng dân tộc mình nên chữ nôm Dao đang bị mai một. Bên cạnh đó, với xu thế hội nhập và phát triển khiến tiếng nói và chữ viết của dân tộc Dao đang có nguy cơ thất truyền.

Trước thực trạng trên, tỉnh Thanh Hóa đã giao nhiệm vụ cho Hội Dân tộc học, tỉnh Thanh Hóa đã giao nhiệm vụ cho Hội Dân tộc học và Nhân học, phối hợp với các nghệ nhân dân tộc Dao, sưu tầm và biên soạn giáo trình bộ tài liệu hướng dẫn dạy và học chữ nôm Dao. Đồng thời, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị với các sở, ban, ngành liên quan để đóng góp hoàn thiện bộ chữ và chương trình dạy chữ nôm Dao. Năm 2015, UBND tỉnh có quyết định phê chuẩn Bộ chữ nôm Dao Thanh Hóa.

Theo đó, trên cơ sở chương trình, bộ chữ được phê chuẩn, các cấp, các ngành, đặc biệt là các địa phương có người Dao sinh sống ở Thanh Hóa, đã triển khai nhiều giải pháp hữu hiệu nhằm đưa chữ nôm Dao "hồi sinh", bước đầu đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Đồng bào dân tộc Dao xứ Thanh
Đồng bào dân tộc Dao xứ Thanh

Đơn cử như ở thôn Sơn Lập, xã Cẩm Châu, huyện Cẩm Thủy. Thôn có 160 hộ là đồng bào dân tộc Dao, nhưng trước đây số người biết đọc, biết viết chữ Dao rất ít, nhất là lớp trẻ.

 Ông Phạm Hải Lăng, Chủ tịch UBND xã Cẩm Châu cho biết: Những năm qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, địa phương đã mở nhiều lớp truyền dạy ngôn ngữ, chữ viết nôm Dao. Từ khi có lớp học chữ nôm Dao, phong trào học chữ nôm Dao trong cộng đồng người Dao ở Cẩm Châu có bước phát triển mạnh mẽ. Nhiều học viên tham gia học còn có mong muốn, là khi học được chữ nôm Dao rồi, sau này sẽ truyền dạy lại cho thế hệ sau.

Tại xã Pù Nhi, huyện Mường Lát, từ tháng 4 - 6/2022, vào các buổi tối tại Nhà văn hóa bản Hạ Sơn, nhiều người dân trong bản đã hăng hái theo học chữ Hán nôm Dao. Lớp học duy trì khoảng 30 học viên, người trẻ nhất 10 tuổi, người lớn tuổi nhất 53 tuổi. Hầu hết các học viên có chung một suy nghĩ, là người Dao phải biết đọc, biết viết chữ của dân tộc mình để hiểu thêm về văn hóa dân tộc, từ đó bảo tồn, gìn giữ và phát huy cho các thế hệ mai sau.

Các học viên trẻ tham gia lớp học chữ Hán nôm Dao tại huyện Mường Lát
Các học viên trẻ tham gia lớp học chữ Hán nôm Dao tại huyện Mường Lát

Cháu Tặng Việt Quân, 10 tuổi, ở bản Hạ Sơn, học viên trẻ tuổi nhất của lớp học cho biết: Khi cháu 4 - 5 tuổi, được nghe bà nội đọc cho nghe những vần thơ, câu chuyện và hát những làn điệu dân ca của dân tộc Dao, cháu rất thích. Vì vậy, khi biết tin có lớp dạy chữ tại nhà văn hóa của bản, bố mẹ đã cho cháu theo học. Hiện nay cháu đã biết đọc, biết viết chữ của người Dao, bố mẹ rất vui mừng và luôn động viên cháu thường xuyên ôn luyện để không bị lãng quên...

Bà Nguyễn Thị Thu, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Mường Lát, chia sẻ:  Việc mở lớp không chỉ để mọi người hiểu về ngôn ngữ, chữ viết, văn hóa người Dao, góp phần giữ gìn, bảo tồn nét đẹp văn hóa của dân tộc, mà còn giúp mọi người hiểu về nhân nghĩa, gìn giữ nếp sống, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc mình. 

"Với giá trị to lớn như vậy, cấp ủy, chính quyền địa phương, luôn tạo mọi điều kiện để người DTTS nói chung và người dân tộc Dao nói riêng, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống.Từ năm 2019 đến nay, huyện đã mở 8 lớp, với 246 học viên. Sau khi học xong, các học viên đã tích cực truyền dạy lại cho các thành viên trong gia đình, hàng xóm và những người trong bản", bà Thu cho biết.

Theo ông Nguyễn Văn Lộc, Phó Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học tỉnh Thanh Hóa, từ năm 2017 đến nay, Hội đã phối hợp với các huyện Ngọc Lặc, Cẩm Thủy, Mường Lát mở được 27 lớp cho 975 học viên. Theo kế hoạch, năm 2023, Hội sẽ mở 05 lớp/200 học viên tại 05 thôn bản dân tộc Dao huyện Ngọc Lặc và huyện Cẩm Thủy.

"Chữ nôm Dao là một di sản văn hóa quý báu, gắn liền với các sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Dao. Vì vậy, chính quyền, các cơ quan hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa, cần tiếp tục quan tâm hỗ trợ thỏa đáng để việc nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn sách cổ, dạy chữ của người Dao đạt hiệu quả cao, làm cơ sở cho việc lưu giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của cha ông, góp phần làm giàu thêm bản sắc văn hóa xứ Thanh", ông Lộc mong muốn.