Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Học nghề để có nhiều lựa chọn việc làm

Trung Dũng - 14:29, 11/02/2020

Trong những năm gần đây, học nghề đã và đang được lao động nông thôn trên địa bàn huyện Cư M’gar (tỉnh Đăk Lăk) lựa chọn. Từ học nghề, đã tạo cơ hội cho nhiều lao động tìm được việc làm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.


Anh Y Phô Niê (bìa phải) đang giám sát thi công nhà ở tại buôn Sah A. Ảnh T.Dũng
Anh Y Phô Niê (bìa phải) đang giám sát thi công nhà ở tại buôn Sah A. Ảnh T.Dũng

Được tham gia lớp đào tạo nghề dệt thổ cẩm do địa phương tổ chức và được Hội LHPN huyện tạo điều kiện cho vay 35 triệu đồng từ nguồn quỹ khởi nghiệp để mua nguyên vật liệu, 08/2018, 11 hội viên phụ nữ ở xã Ea Tul đã mạnh dạn thành lập Tổ liên kết sản phẩm thổ cẩm, với các sản phẩm thêu, dệt truyền thống của đồng bào dân tộc Ê-đê như: Áo váy nam, nữ, túi xách, ví, khăn,…

Dù được thành lập và đưa vào hoạt động không lâu, nhưng tổ hợp tác đã đem lại hiệu quả rõ rệt, số lượng sản phẩm ngày càng tăng và được khách hàng nhiều nơi đến đặt mua hàng. Từ khi thành lập đến nay, Tổ hợp tác liên kết sản phẩm thổ cẩm Ea Tul đã xuất bán ra thị trường hàng trăm sản phẩm các loại, sau khi trừ chi phí mua nguyên vật liệu bình quân mỗi thành viên cũng có nguồn thu nhập ổn định từ 3 - 4 triệu đồng/tháng, đặc biệt có thành viên thu nhập lên đến gần 8 triệu đồng/tháng...

Chị H’Hương Niê, Tổ trưởng tổ hợp tác dệt thổ cẩm Ea Tul chia sẻ: Chị em chỉ tranh thủ dệt vào buổi tối, hoặc những lúc nông nhàn. Được làm bằng tay, cộng với bảo đảm về chất lượng nên sản phẩm của Tổ làm ra rất được thị trường ưa chuộng, khách hàng tìm đến mua ngày càng nhiều. Năm 2019, sản phẩm làm ra không đủ để bán... Bình quân, mỗi sản phẩm có giá bán từ 400.000 – 1.400.000 đồng, trong đó chi phí chỉ chiếm khoảng 40%. Số tiền lãi thu được, các chị đã đầu tư vào sản xuất, kinh doanh của gia đình, nhiều chị em đã thoát được nghèo, có thu nhập ổn định…

Không chỉ chị em phụ nữ, cũng nhờ được đào tạo nghề mà anh Y Phô Niê ở buôn Tria, (xã Ea Tul) có được công việc ổn định, với thu nhập khá từ nghề nhận thầu xây dựng. Nhờ thi công có tinh thần trách nhiệm và bảo đảm chất lượng, giá cả phải chăng nên đội xây dựng của anh ngày càng nhận được nhiều hợp đồng và lời đề nghị, không chỉ trong buôn, trong xã mà còn ở những địa phương khác trong huyện. Bình quân, mỗi năm Đội xây dựng của anh đảm nhận thi công 7 – 8 công trình nhà ở lớn, nhỏ, sau khi trừ hết chi phí đầu tư vẫn có thu lãi được hơn 100 triệu đồng, và thu nhập của các thành viên trong đội đạt 6 – 7 triệu đồng/tháng.

Anh Y Phô chia sẻ: Tham gia lớp học nghề, kiến thức của anh được nâng lên, tự tin hơn trong thực hiện các công trình xây dựng. Nhờ đó, khách hàng tìm đến ngày càng nhiều, cũng như tin tưởng giao cho mình những công trình lớn, có công trình tổng giá trị lên đến hơn 1,4 tỷ đồng... “Từ số tiền lãi dành dụm được, mình đã mua thêm được gần 1ha đất canh tác, nâng tổng diện tích trồng cà phê của gia đình lên 1,5ha, thu nhập được nâng lên đạt hơn 180 triệu đồng mỗi năm….”

Theo thống kê của huyện Cư M’gar, từ năm 2010 đến nay, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện đã phối hợp tổ chức được 59 lớp nghề cho lao động nông thôn, có 1.947 học viên tham gia, trong đó có 1.510 học viên là người đồng bào DTTS. Hầu hết các lớp nghề được mở tại nhà sinh hoạt cộng đồng ở các xã, thị trấn. Nhìn chung, sau khi hoàn thành các lớp học nghề các học viên đều có việc làm, kiếm sống được với nghề…