Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Nhìn từ Nậm Pồ

PV - 10:14, 10/05/2019

Đối với các địa phương miền núi, vùng DTTS, đào tạo nghề được kỳ vọng là giải pháp quan trọng giúp người dân tạo công ăn việc làm, đẩy lùi đói nghèo. Tuy nhiên, ở huyện vùng cao Nậm Pồ, địa phương nghèo nhất, khó khăn nhất của tỉnh Điện Biên, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn lại đang bộc lộ nhiều bất cập. Lao động chưa sống được bằng nghề đào tạo, thiếu việc làm, người dân bất chấp nguy hiểm xuất cảnh chui ra nước ngoài để làm thuê… Đây là bài toán khó mà chính quyền huyện Nậm Pồ chưa tìm ra lời giải thoả đáng.

Chị Quàng Thị Hiên đã học nghề làm nấm nhưng không phát huy được, nghèo vẫn hoàn nghèo. Chị Quàng Thị Hiên đã học nghề làm nấm nhưng không phát huy được, nghèo vẫn hoàn nghèo.

Chưa sống được bằng nghề

Năm 2015, sau khi kết thúc khóa học nghề trồng nấm kéo dài 3 tháng, bà Lò Thị Yêu ở bản Nà Hỳ 1, xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên đầu tư hơn 10 triệu đồng về sản xuất 500 bịch lứa nấm sò đầu tiên. Bước đầu thành công, nấm sinh trưởng tốt nhưng sản phẩm làm ra không bán được.

Không nản chí sau lần thất bại đầu, gia đình bà Yêu tiếp tục đầu tư thêm 1.000 bịch với giống nấm chất lượng hơn thuê chở mang về từ huyện Mường Chà và TP. Điện Biên Phủ để bán. Thế nhưng cục diện vẫn không thay đổi, nấm tiêu thụ nhỏ giọt, số tiền bán nấm thương phẩm không đủ trả tiền vốn giống nấm nguyên vật liệu và công cước thuê chở. Sau 2 năm cầm cự, 2 lần đầu tư thất bại với cả nghìn bịch nấm không bán được, giờ gia đình bà Yêu cũng đành bỏ dở chuyển sang kinh doanh nhỏ lẻ khác. Còn những bịch nấm đã đầu tư tốn cả chục triệu đồng thì nay đành vứt chỏng chơ dưới nhà kho.

Còn trường hợp của chị Quàng Thị Hiên, ở bản Phiêng Ngúa, xã Nậm Chua, huyện Nậm Pồ thì lại là một câu chuyện buồn khác. Khi cầm được chứng chỉ chứng nhận đào tạo nghề trồng nấm vào cuối tháng 12 năm 2017, những tưởng sẽ có trong tay một chiếc “cần câu” để phát triển kinh tế nuôi sống gia đình. Thế nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn, thiếu vốn đầu tư cộng với tâm lý e dè nên chị đành quay trở lại với nghề truyền thống là làm ruộng. Tấm bằng chứng nhận đào tạo nghề hơn 1 năm qua không phát huy tác dụng mà chỉ cất trong tủ làm kỷ niệm.

Trên đây chỉ là 2 trong số rất nhiều những trường hợp bỏ nghề hoặc không phát huy hiệu quả. Tính riêng trong năm 2018 cả huyện Nậm Pồ có 199 trường hợp được đào tạo thì chỉ duy nhất có 1 trường hợp triển khai được ngành nghề đào tạo. Hiệu quả từ đào tạo nghề lao động nông thôn cho người dân trên địa bàn huyện thời gian qua được đánh giá gần như con số không.

Nhiều bất cập

Trao đổi về vấn đề hiệu quả công tác dạy nghề trên địa bàn, ông Nguyễn Văn Thái, Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên cho biết: Khó khăn lớn nhất chính là các ngành nghề ở địa phương chưa có nhiều và rất manh mún. Người dân trên địa bàn đa số là đồng bào DTTS vẫn quen phong tục tập quán sản xuất cũ, lạc hậu. Do đó, đào tạo nghề cho lao động nông thôn một cách hiệu quả hiện đang trở thành bài toán rất khó. Hiện nay, trên địa bàn hiện chỉ tồn tại được một số nghề cơ bản: chăn nuôi gà, lợn, trâu, bò, phòng chống dịch bệnh… thế còn những nghề khác gần như chưa phát triển được.

Ông Lò Văn Nọi, Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên thì chia sẻ: Để đào tạo một ngành nghề, chúng tôi luôn cố gắng tuyên truyền cho người dân. Tuy nhiên, khó nhất là việc đơn vị không đăng ký được nghề liên kết đào tạo với các cơ quan theo nhu cầu của người dân.

Không đăng ký được nghề liên kết đào tạo theo nhu cầu của người dân, nên trong năm 2018 dù dự kiến mở 17 lớp đào tạo với khoảng 540 học viên nhưng Trung tâm dạy nghề huyện Nậm Pồ chỉ đạt được 37% kế hoạch với 6 lớp, 199 học viên. Các ngành nghề đào tạo cũng mới chỉ dừng lại ở kỹ thuật trồng, bảo quản, sơ chế biến nấm và kỹ thuật xây dựng, vốn là những nghề được cho là không đem lại hiệu quả trên địa bàn trong thời gian qua...

Phát huy hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn đang là bài toán khó ở Nậm Pồ (Điện Biên). Phát huy hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn đang là bài toán khó ở Nậm Pồ (Điện Biên).

Gia tăng lao động chui

Thiếu việc làm tại chỗ, những năm trở lại đây tỉnh Điện Biên luôn có số người đi lao động chui kiếm việc làm ở nước ngoài tăng đáng kể, năm sau cao hơn năm trước. Trong đó huyện Nậm Pồ là địa phương có tình trạng xuất cảnh lao động trái phép phức tạp nhất với mỗi năm trung bình đều có khoảng từ 800 đến 1.000 lượt người thường xuyên vắng mặt tại địa bàn.

Nậm Pồ là địa bàn vùng biên giáp ranh với cả Trung Quốc và Lào. Trong khi đó, vùng giáp biên Trung Quốc là một thị trường có nhu cầu lao động tự do rất lớn. Lao động sang đó làm việc vào những thời gian nông nhàn theo thời vụ, không theo hợp đồng, không cần hợp đồng cam kết... tiền công từ 200-350.000 đồng/ngày. Đây là một trong những yếu tố thúc đẩy người lao động trong nước xuất cảnh trái phép đặc biệt là khi không có việc làm ổn định tại địa phương.

Được biết, thời gian qua, chính quyền, các ngành chức năng huyện Nậm Pồ cũng đã tập trung chỉ đạo quyết liệt nhằm ngăn chặn tình trạng vượt biên lao động trái phép. Tuy nhiên, về cơ bản giải pháp vẫn chỉ loay hoay ở việc tuyên truyền nâng cao nhận thức, nắm tình hình các đối tượng xấu vào địa bàn để tuyên truyền lôi kéo người dân đi xuất cảnh trái phép. Hoặc vận động người dân trong trường hợp đi xuất khẩu phải đăng ký làm các thủ tục thông hành… cố gắng hạn chế tối đa những rủi ro mà lao động có thể gặp phải.

Đào tạo nghề kém hiệu quả, thiếu việc làm cho lao động nông thôn và khó khăn trong quản lý lao động vượt biên trái phép… Có thể nói, đây là bài toán nan giải mà không chỉ tỉnh Điện Biên mà nhiều tỉnh của khu vực Tây Bắc đều đang mắc phải. Với những bất cập này, đã đến lúc các ngành chức năng có liên quan cần phải nhìn nhận lại cách làm trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại các tỉnh miền núi khó khăn để có giải pháp điều chỉnh.

VŨ LỢI