Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Hoàn thiện cơ chế, chính sách về công tác phòng chống tội phạm

Minh Thu - 11:16, 24/10/2021

Công tác phòng, chống tội phạm (PCTP) và vi phạm pháp luật có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Vì vậy cần tập trung nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó có hoàn thiện cơ chế, chính sách...Đó là những vấn đề đặt ra tại phiên thảo luận trực tuyến về báo cáo Công tác phòng, chống tội phạm (PCTP) và vi phạm pháp luật năm 2021 do Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày trong khuôn khổ kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV.


Các đại biểu Quốc hội trong phiên làm việc tại hội trường trong khuôn khổ Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV
Các đại biểu Quốc hội trong phiên làm việc tại hội trường trong khuôn khổ Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV

Số vụ phạm tội về tham nhũng tăng 22,44%

Theo Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm: Thời gian qua, về cơ bản, các vụ án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đều được khẩn trương điều tra làm rõ, đạt 87,05%; trong đó, án rất nghiêm trọng đạt 95%, án đặc biệt nghiêm trọng đạt gần 96,6%, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao; tội phạm về trật tự xã hội tiếp tục giảm 8,06%.

“Số vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế phát hiện tăng 1,87%, số vụ phạm tội về tham nhũng phát hiện tăng 22,44%. Tuy nhiên, tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu diễn ra rất phức tạp; nhất là các vi phạm trong hoạt động đấu thầu, đấu giá, xã hội hóa y tế và chỉ định thầu mua trang thiết bị y tế phòng, chống dịch bệnh Covid-19” – Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh.

Nêu quan điểm của cơ quan thẩm tra về Báo cáo về Công tác PCTP và vi phạm pháp luật năm 2021, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng: Tình hình tội phạm tiếp tục có những diễn biến phức tạp, một số loại tội phạm về kinh tế, tham nhũng có chiều hướng gia tăng, tiềm ẩn nguy cơ “lợi ích nhóm”, “sân sau”, tập trung vào một số lĩnh vực như đấu thầu, đấu giá, cổ phẩn hóa, tín dụng, ngân hàng, y tế, giáo dục. Đặc biệt, trong năm 2021 đã phát sinh một số tội phạm tham nhũng liên quan đến công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, như: Hiện tượng thu tiền để được tiêm vắc xin tại một số cơ sở tiêm chủng; một số đối tượng yêu cầu người dân trả phí để được ưu tiên. Tình trạng làm giả giấy nhận diện QR code để vào “luồng xanh vận tải”; lợi dụng “luồng xanh” để vận chuyển người, hàng hóa trái phép… xảy ra ở một số địa phương.

Đại biểu Quốc hội đóng góp ý kiến về công tác PCTP và vi phạm pháp luật năm 2021
Đại biểu Quốc hội đóng góp ý kiến về công tác PCTP và vi phạm pháp luật năm 2021

Nêu cao vai trò của người đứng đầu

Thảo luận về vấn đề này, từ điểm cầu Thanh Hóa, đại biểu Cầm Thị Mẫn cho rằng: Công tác xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật phòng ngừa, đấu tranh PCTP và vi phạm pháp luật còn chưa đồng bộ, còn kẽ hở để các đối tượng phạm tội lợi dụng hành vi phạm tội, nhất là đối với tội phạm về kinh tế, tham nhũng, tội phạm sử dụng công nghệ cao. Mức hình phạt đối với một số hành vi như: Chống người thi hành công vụ; xâm phạm sức khỏe, nhân phẩm, xâm phạm môi trường… còn thấp, chưa đủ sức răn đe. Một số quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự chưa phù hợp thực tiễn hiện nay.

Đại biểu Cầm Thị Mẫn đề nghị Quốc hội cần tiếp tục chỉ đạo, tăng cường công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện hành lang pháp lý cho công tác đấu tranh, PCTP, vi phạm pháp luật. Chính phủ, các Bộ ngành chức năng tăng cường công tác phối hợp, phát hiện, đấu tranh phòng chống các loại tội phạm trên không gian mạng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội phạm tín dụng đen, tội phạm xâm phạm trật tự xã hội, buôn bán hàng giả, các loại vật tư y tế, thuốc chữa bệnh không đảm bảo chất lượng; tội phạm không tuân thủ các quy định về phòng chống dịch làm lây lan dịch bệnh gây hậu quả nghiêm trọng.

Khẳng định vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong công tác PCTP, vi phạm pháp luật, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng: Năm 2022, Chính phủ cần quan tâm chỉ đạo giáo dục, nâng cao ý thức pháp luật để thượng tôn pháp luật, từ đó phòng ngừa sai phạm, nhất là trong trong thanh thiếu niên, tội phạm gây rối trật tự công cộng, không tuân thủ các quy định phòng chống dịch. Cần chấn chỉnh, làm rõ việc đấu tranh với các hành vi làm hàng giả, hàng nhái, hoạt động chỉ định thầu, đấu giá… Trong tổ chức thực hiện công tác PCTP, vi phạm pháp luật, cần chú trọng nêu cao tinh thần trách nhiệm cá nhân, người đứng đầu. Đặc biệt, khi trở lại trạng thái bình thường mới, sẽ phát sinh nhiều loại tội phạm, cần đặc biệt quan tâm chỉ đạo, điều hành công tác PCTP, vi phạm pháp luật.

Còn theo đại biểu Nguyễn Văn Thuận (Ninh Thuận): Tội phạm ma túy đang có dấu hiệu gia tăng, là nguyên nhân dẫn đến các loại tội phạm khác, gây mất trật tự an toàn xã hội. Đại biểu đề đề nghị lực lượng Công an, Bộ đội biên phòng cần chủ động ngăn chặn nguồn cung ma túy từ các hướng hàng không, biên giới; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tác hại của ma túy, đến từng khu dân cư, xóm bản. Có biện pháp cụ thể, căn cơ ở cộng đồng để công tác cai nghiện đạt hiệu quả; có cơ chế khuyến khích cộng đồng, doanh nghiệp để tạo việc làm, giúp đỡ người sau cai nghiện.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm báo cáo trước Quốc hội về công tác PCTP và vi phạm pháp luật năm 2021
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm báo cáo trước Quốc hội về công tác PCTP và vi phạm pháp luật năm 2021

Hoàn thiện cơ chế, chính sách

Để nâng cao hiệu quả công tác PCTP và vi phạm pháp luật, theo Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, năm 2022, Chính phủ tập trung chỉ đạo, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm: Tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội. Đẩy mạnh việc xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật liên quan đến công tác PCTP, vi phạm pháp luật. Chủ động nắm, phân tích, dự báo tình hình thế giới, khu vực từ sớm, từ xa; kịp thời tham mưu, đề xuất các chủ trương, đối sách phù hợp nhằm giữ vững chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia.

“Kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ; thực hiện đồng bộ các giải pháp kiềm chế, kéo giảm tội phạm. Tăng cường đấu tranh trấn áp, xử lý các loại tội phạm và vi phạm pháp luật. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh trật tự; khai thác tối đa hiệu quả của hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, căn cước công dân phục vụ công tác PCTP và các yêu cầu quản lý xã hội. Tăng cường các nguồn lực cho công tác đấu tranh PCTP và vi phạm pháp luật...” – Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết.