Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Hoàn thiện cơ chế, chính sách: Để triển khai hiệu quả chiến lược phòng, chống thiên tai

Hoàng Thanh - 21:36, 09/07/2020

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai (PCTT) đã được Quốc hội thông qua trong tháng 6/2020. Việc cần làm ngay lúc này là xây dựng cơ chế, chính sách cũng như chiến lược quy hoạch chiến lược quốc gia PCTT là cơ sở cho việc triển khai các kế hoạch PCTT sau này.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, tình hình thiên tai trên cả nước diễn biến phức tạp, gây thiệt hại ước khoảng 3,5 nghìn tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, tình hình thiên tai trên cả nước diễn biến phức tạp, gây thiệt hại ước khoảng 3,5 nghìn tỷ đồng.

Ngày 17/6, Quốc hội khóa XIV đã chính thức bấm nút thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCTT. Luật bổ sung quy định ưu tiên bố trí nguồn lực nghiên cứu, điều tra cơ bản, xây dựng và triển khai các chương trình khoa học và công nghệ trong PCTT; tăng cường các giải pháp khắc phục hậu quả thiên tai; ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, huấn luyện nâng cao năng lực cho người làm công tác PCTT;... Về ngân sách Nhà nước cho PCTT, Luật quy định: ngân sách Nhà nước bảo đảm cho PCTT bao gồm ngân sách hằng năm, dự phòng ngân sách Nhà nước, quỹ dự trữ tài chính.

Trước đó, ngày 24/3/2020, Ban Bí thư đã có Chỉ thị số 42-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm được Ban Bí thư yêu cầu trong Chỉ thị là phải hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

Thực tế, việc phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai là vô cùng cấp bách. Biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến khó lường đã gây thiệt hại nặng nề về tính mạng, tài sản của Nhân dân, ảnh hưởng đến chiến lược phát triển bền vững của đất nước.

Theo báo cáo của Tổng cục PCTT (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong 6 tháng đầu năm 2020, cả nước đã xảy ra 16 loại hình thiên tai, trong đó có 186 trận dông, lốc, mưa lớn ở 43 tỉnh, thành phố; mưa đá và dông; hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng; 31 vụ sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đê biển tại Đồng bằng sông Cửu Long, miền núi phía Bắc bắt đầu có mưa lũ cục bộ...

Thiên tai đã làm 47 người chết, 130 người bị thương; ước tính thiệt hại về kinh tế là 3.383 tỷ đồng. Cụ thể, thiên tai đã làm 1.765 ngôi nhà sập, 59.961 nhà bị hư hại, tốc mái; 108.458 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại; 9.210 con gia súc, gia cầm chết. Tổng thiệt hại do thiên tai trong 6 tháng đầu năm ước khoảng 3,5 nghìn tỷ đồng.

Trước đó, trong năm 2019, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, thiên tai đã làm 132 người chết, mất tích và 207 người bị thương; hơn 98,1 nghìn ha lúa và hoa màu bị hư hỏng; 1,7 nghìn ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi và hơn 68,5 nghìn ngôi nhà sạt lở, tốc mái, ngập nước. Tổng giá trị thiệt hại do thiên tai năm 2019 ước tính 6,2 nghìn tỷ đồng.

Tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2020 của Tổng cục PCTT, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp nhận định, 6 tháng cuối năm 2020 là giai đoạn trọng điểm của thiên tai. Vì vậy, Tổng cục PCTT phải theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, tham mưu kịp thời để ứng phó.

Tuy nhiên, ông Hiệp cũng cho rằng, thiên tai là sự vụ, nhưng để phòng ngừa thì cần tính đến tương lai, bảo đảm phòng ngừa, ứng phó và khắc phục phải đồng bộ. Do đó, Tổng cục PCTT phải chủ động, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, địa phương sớm xây dựng, sửa đổi, bổ sung các nghị định, thông tư, hướng dẫn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCTT. Việc hoàn thiện thể chế, chính sách là cơ sở để triển khai chiến lược PCTT, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.