Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Hoạch định chính sách từ kết quả điều tra thực trạng kinh tế hộ DTTS: Ổn định dân cư lâu dài (Bài 3)

Sỹ Hào - 08:23, 20/08/2024

Du canh du cư là một tập quán, một thói quen tồn tại từ lâu đời, ăn sâu vào tiềm thức của một bộ phận đồng bào DTTS; là một trong những nguyên nhân khiến rất khó chấm dứt tình trạng di cư tự phát. Vì vậy, những dữ liệu về thực trạng du canh du cư được thu thập từ cuộc điều tra thông tin kinh tế - xã hội của 53 DTTS năm 2024 có ý nghĩa quan trọng để hoạch định chính sách ổn định dân cư lâu dài.

Hoạch định chính sách từ kết quả điều tra thực trạng kinh tế hộ DTTS: Ổn định dân cư lâu dài (Bài 3)
Tập quán du canh du cư để lại hậu quả rất nặng nề, đời sống của người dân không ổn định, rừng bị chặt phá, đất bị thoái hoá không còn khả năng canh tác, ô nhiễm môi trường, mất cân bằng hệ sinh thái, tác hại không chỉ với người dân du canh du cư mà còn ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế, xã hội chung của cả nước. (Ảnh minh họa)

Gian nan định canh định cư

Cách đây 25 năm (tại Quyết định số 140/1999/QĐ-BNN-ĐCĐC ngày 14/10/1999 quy định về nội dung, tiêu chí định canh định cư), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định, du canh du cư là hình thức canh tác và cư trú không ổn định, nguồn sống chủ yếu dựa vào phá rừng làm rẫy sản xuất lương thực.

Những năm gần đây, trong các văn bản quy phạm pháp luật cũng như trên các phương tiện thông tin đại chúng chủ yếu nhắc đến tình trạng di cư tự phát mà ít nhắc tới du canh du cư. Trên bình diện chung thì đây là hai hiện tượng tương đồng nhau, nhưng lại khác về bản chất.

Với di cư tự do, xét ở góc độ quản lý nhà nước thì đó là hiện tượng dịch chuyển không nằm trong chương trình di dân của Chính phủ, do người di cư tự quyết định từ việc lựa chọn địa bàn nhập cư, đến trang trải mọi phí tổn di chuyển, tìm việc làm…. Di cư tự do là một hiện tượng kinh tế - xã hội tất yếu diễn ra đặc biệt ngày càng mạnh mẽ trong nền kinh tế thị trường thời kỳ công nghiệp hoá, đô thị hoá đất nước.

Còn du canh du cư là một tập quán canh tác và sinh hoạt không cố định ở một nơi của một bộ phận đồng bào DTTS. Có thể hiểu đơn giản là, sau khi sử dụng hết độ phì nhiêu của một đám rẫy, người dân lại phải bỏ đi tìm đất mới (du canh); khi nơi ở quá xa sản xuất quá xa thì lại chuyển đến vùng đất mới để ở (du cư). Cứ như vậy, cả sản xuất và cư trú đều không ổn định lâu dài, từ du canh dẫn đến du cư.

“Hiện nay, mặc dù có nhiều chính sách định canh, định cư cho đồng bào DTTS ở khu vực miền núi đã được thực hiện rất lâu nhưng vẫn còn một bộ phận người dân chủ yếu vẫn du canh du cư từ nơi này sang nơi khác để phát nương, làm rẫy”.
ĐBQH Khang Thị Mào
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái (chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV tháng 6/2023)

Những năm qua, hàng trăm nghìn hộ đồng bào di cư tự phát đã được sắp xếp, bố trí “an cư” ở những điểm định canh, định cư, đươc bố trí đất sản xuất để phát triển kinh tế, được thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội,... 

Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 12.976 hộ di cư tự phát chưa được sắp xếp ổn định. Đây là số liệu trong Tờ trình số 473/TTr-CP /10/2019 của Chính phủ trình Quốc hội khóa XIV về Đề án Tổng thế phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, ngày 11/10/2019.

Trong khi đó, mặc dù đã giảm, nhưng tình hình di cư tự do vẫn chưa chấm dứt. Chỉ tính riêng số hộ từ các tỉnh phía Bắc di cư vào các tỉnh Tây Nguyên, trong Nghị quyết số 22/NQ-CP ngày 01/3/2020 của Chính phủ có đưa ra số liệu: Năm 2005 có 2.690 hộ, năm 2017 có 318 hộ, năm 2018 có 238 hộ,...

Tình trạng di cư tự phát được dự báo sẽ rất khó chấm dứt trong ngắn hạn. Bởi thực tế, tập quán du canh du cư vốn đã “bắt rễ” trong tiềm thức, một bộ phận đồng bào DTTS, dù đã được bố trí định canh, định cư, nhưng sẽ vẫn sẵn sàng di cư.

Hoạch định chính sách từ kết quả điều tra thực trạng kinh tế hộ DTTS: Ổn định dân cư lâu dài (Bài 3) 2
Tập quán du canh du cư vốn đã “bắt rễ” trong tiềm thức, một bộ phận đồng bào DTTS dù đã được bố trí định canh, định cư, nhưng sẽ vẫn di cư khi nơi ở cũ có điều kiện kinh tế - xã hội quá khó khăn. (Trong ảnh: Khu tái định cư buôn Ea Kal, xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắc, Đắk Lắk hiện chỉ còn lác đác một số hộ dân sinh sống - Ảnh: Lê Hường)

Đơn cử tại xã Vụ Bổn (huyện Krông Pắc, Đắk Lắk), khu tái định cư buôn Ea Kal (đầu năm 2022 nhập vào thôn Phú Quý) được đầu tư từ nguồn vốn Chương trình 134 từ năm 2012, nhằm ổn định cuộc sống cho 66 hộ. Nhưng đến nay, khu tái định cư còn có 18 hộ bám trụ, số còn lại đã rời đi nơi khác.

Hay tại xã Krong, huyện KBang (Gia Lai), theo báo cáo từ UBND xã, trên địa bàn không còn tình trạng du canh du cư. Nhưng tại khu tái định cư của làng Tun và Làng Gút, chỉ cách UBND xã chưa đầy 4km, một nửa số hộ tại những khu định cư này đã trở lại rừng từ những tháng đầu năm 2020.

Can thiệp từ “gốc”

Trong Nghị quyết số 22/NQ-CP ngày 01/3/2020 về ổn định di cư tự do và quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc nông, lâm trường, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2025 cơ bản chấm dứt tình trạng dư cư tự do; hoàn thành công tác bố trí toàn bộ số hộ dân đã di cư tự do (khoảng 24.800 hộ) vào các điểm dân cư theo quy hoạch... Chính phủ cũng đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 đảm bảo ổn định cuộc sống và phát triển sản xuất bền vững cho các hộ dân đã di cư tự do.

Để đạt được mục tiêu này, việc thực hiện hiệu quả các chính sách định canh, định cư (đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ đất sản xuất, tạo sinh kế bền vững,...) là rất cần thiết. Nhưng quan trọng không kém là phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, làm thay đổi tập quán, thói quen du canh du cư trong một bộ phận đồng bào DTTS.

Hoạch định chính sách từ kết quả điều tra thực trạng kinh tế hộ DTTS: Ổn định dân cư lâu dài (Bài 3) 3
Huy động cả hệ thống chính trị, phát huy vai trò của đội ngũ già làng, trưởng bản, Người có uy tín để tăng cường tuyên truyền, vận động làm thay đổi thói quen du canh du cư đã “bám rễ”trong tiềm thức của một bộ phận đồng bào DTTS là giải pháp then chốt để chấm dứt tình trạng di cư tự do. (Ảnh minh họa)

Bên cạnh số liệu về di cư tự do được các bộ ngành, địa phương tổng hợp, báo cáo Chính phủ, cách đây 05 năm (năm 2019), kết quả cuộc điều tra, thu thập thông tin thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS do Tổng cục Thống kê và Ủy ban Dân tộc đã cho thấy, vùng DTTS và miền núi còn 1.296 hộ, với 5.032 khẩu người DTTS còn du canh du cư. Đây là số liệu tách riêng hộ du canh du cư với số hộ di cư tự do khá hiếm hoi trong các văn bản thống kê của các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện.

Theo thống kê từ cuộc điều tra, thu thập thông tin thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS năm 2019, Tây Nguyên là vùng có số lượng hộ  DTTS du canh du cư lớn nhất cả nước, với 568 hộ/ 2.233 nhân khẩu; kế đó là Đông Nam Bộ có 251 hộ/845 nhân khẩu; Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung có 249 hộ/799 nhân khẩu; Trung du và miền núi phía Bắc có 137 hộ/753 nhân khẩu; đồng bằng sông Cửu Long có 91 hộ/379 nhân khẩu. Riêng vùng đồng đồng bằng sông Hồng không có hộ người DTTS nào du canh du cư.

Cũng cần nhắc lại rằng, du canh du cư là một tập quán canh tác và sinh hoạt không cố định ở một nơi của một bộ phận đồng bào DTTS; là một trong những nguyên nhân khiến hiện tượng di cư tự do trong vùng DTTS chưa thể chấm dứt trong một sớm một chiều. Cuộc điều tra, thu thập thông tin kinh tế - xã hội của 53 DTTS năm 2019 đã đưa ra một con số cụ thể về số hộ du canh du cư, nhưng đó chỉ mới là “phần nổi của tảng băng chìm”.

Chính vì vậy, công tác tuyên truyền, vận động làm thay đổi thói quen du canh du cư đã “bám rễ” trong tiềm thức của một bộ phận đồng bào DTTS là giải pháp then chốt để chấm dứt tình trạng di cư tự do. 

Trong Nghị quyết số 22/NQ-CP ngày 01/3/2020, Chính phủ đã thống nhất quyết nghị giải pháp đầu tiên, có ý nghĩa quyết định là phải đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức; kế đến mới là giải pháp rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách; phát triển sản xuất, nâng cao đời sống và thực hiện an sinh xã hội.

Trong lần thứ ba tổ chức điều tra, thu thập thông tin thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS (từ ngày 01/7 đến 15/8/2024), các địa phương sẽ tiến hành điều tra, thu thập thông tin cụ thể về tình hình du canh du cư cũng như thực trạng di cư. Việc thu thập thông tin sẽ được thực hiện ở cả hộ gia đình và UBND xã thuộc địa bàn điều tra; từ đó đối chiếu để đưa ra những dữ liệu chính xác về số hộ du canh du cư.

Dự kiến đến cuối năm 2025, kết quả điều tra, thu thập thông tin thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS lần thứ 3 - năm 2024 mới được tổng hợp, hoàn thiện để công bố. Dữ liệu về tình trạng di cư tự do và du canh du cư ở các địa bàn vùng DTTS và miền núi sau khi được điều tra, phân tích được kỳ vọng sẽ là cơ sở để xây dựng các giải pháp can thiệp làm thay đổi tập quán du canh du cư của một bộ phận người dân, từ đó giải quyết triệt để tình trạng di cư tự phát trong đồng bào DTTS, góp phần thực hiện sắp xếp, ổn định dân cư lâu dài ở vùng DTTS và miền núi.

Nối tiếp các chính sách hỗ trợ định canh, định cư của các giai đoạn trước, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: 2021 - 2025 theo Quyết định số 1719 (Chương trình MTQG 1719) thiết kế Dự án 2: “Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết”. Dự kiến tổng nguồn vốn thực hiện Dự án 2 là 6.219,860 tỷ đồng; trong đó, ngân sách Trung ương 5.974,5 tỷ đồng. 

Triển khai Dự án 2 thuộc Chương trình MTQG 1719, đến nay, nhiều địa phương đã đầu tư các điểm định canh định cư tập trung cho các hộ là người DTTS còn du canh du cư. Việc sắp xếp, bổ trí, ổn định dân cư đã góp phần giải quyết sinh kế, tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo, bảo vệ môi trường và củng cố an ninh, quốc phòng ở địa bàn miền núi, vùng DTTS.