Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Hòa Bình: Mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục nghề nghiệp

Việt Hà - 08:10, 20/10/2022

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã đặt mục tiêu, phát triển nguồn nhân lực gắn với giải quyết việc làm, tăng năng suất lao động. Trong đó, đẩy mạnh giải quyết việc làm và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giáo dục nghề nghiệp gắn với nhu cầu của thị trường lao động và xu hướng sử dụng lao động của doanh nghiệp. Hiện, tỉnh Hoà Bình đang nỗ lực cụ thể hoá các mục tiêu này.

Đào tạo theo chiều sâu giúp sinh viên trường nghề đáp ứng yêu cầu công việc tại doanh nghiệp.
Đào tạo theo chiều sâu giúp sinh viên trường nghề đáp ứng yêu cầu công việc tại doanh nghiệp.

Gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng lao động

Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, XIII của Đảng, Đảng bộ tỉnh Hòa Bình xác định, quan tâm phát triển nguồn nhân lực, trọng tâm là nâng cao chất lượng nhân lực khu vực nông nghiệp, nông thôn, nhân lực DTTS là một trong ba đột phá chiến lược. Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết chuyên đề với nhiều chính sách ưu tiên phát triển nguồn nhân lực. Cùng với đó, hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp được đầu tư nâng cấp và hoạt động hiệu quả.

Nhằm hỗ trợ, giúp đỡ các hộ dân khu vực lòng hồ hồ Hòa Bình có kiến thức, kỹ năng làm du lịch, thời gian qua, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (Sở VHTT&DL) tỉnh Hoà Bình đã mở nhiều lớp đào tạo, tập huấn ở các xã Ngòi Hoa, huyện Tân Lạc, xã Thung Nai, huyện Cao Phong. Đồng thời, tổ chức lớp tập huấn, đào tạo hướng dẫn viên du lịch lòng hồ cho 31 học viên. 

Ngoài ra, Sở VHTT&DL còn phối hợp với các huyện: Mai Châu, Cao Phong, Đà Bắc, Tân Lạc mở các lớp tập huấn kỹ năng làm du lịch nông thôn cho các hộ làm du lịch trong Khu du lịch Quốc gia hồ Hòa Bình. 

“Nguồn nhân lực làm việc tại các điểm du lịch trong khu vực hồ Hòa Bình đa số là những người nông dân quen với công việc thuần nông, chưa có kiến thức, kỹ năng về du lịch. Vì vậy, việc đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch thực sự cần thiết và quan trọng để đáp ứng sự hài lòng, tạo ấn tượng tốt đẹp về mảnh đất, con người vùng hồ sông Đà”, chị Bùi Thị Phương, xóm Săng Bờ, xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc chia sẻ.

  Toàn tỉnh Hòa Bình hiện có 14 nghề trọng điểm cấp độ quốc gia và các nghề đạt cấp độ khu vực ASEAN như, điện công nghiệp, vận hành máy thi công nền và thanh nhạc. Hiện, hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp đều được đầu tư nâng cấp và hoạt động hiệu quả; các ngành nghề trọng điểm được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cơ bản theo yêu cầu đào tạo; gắn với nhu cầu sử dụng lao động nên đã thu hút được số lượng học viên ngày càng nhiều, giúp chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm vượt kế hoạch đề ra. Nhờ vậy, đánh giá kết quả Chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh hàng năm, chỉ số đào tạo lao động của tỉnh luôn cao hơn trung bình cả nước.

“Tuy nhiên, một số dự án đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục nghề nghiệp chậm tiến độ; một số cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là đối với một số ngành, nghề yêu cầu trang thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến; kinh phí đầu tư mua sắm trang thiết bị đào tạo lớn...”, bà Quách Thị Kiều, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hoà Bình cho biết.

 Tỉnh Hoà Bình sẽ thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề cho 63.068 người trong giai đoạn 2021-2025 theo Chương trình MTQG
Tỉnh Hoà Bình sẽ thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề cho 63.068 người trong giai đoạn 2021-2025 theo Chương trình MTQG

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đặt mục tiêu phát triển nguồn nhân lực gắn với giải quyết việc làm, tăng năng suất lao động. Trong đó, đẩy mạnh giải quyết việc làm và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giáo dục nghề nghiệp gắn với nhu cầu của thị trường lao động và xu hướng sử dụng lao động của doanh nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp, khuyến khích phát triển các cơ sở giáo dục đào tạo ngoài công lập; tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp khoảng 15.000 lao động/năm; tạo việc làm mới cho 16.000 lao động/năm.

Với những thành tựu đang có, kể từ nay đến năm 2025, Hoà Bình xác định mục tiêu cụ thể là, tạo sự chuyển biến căn bản, toàn diện chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, vùng Thủ đô và hội nhập quốc tế.

Ông Lưu Tùng Lâm, Trưởng Phòng Quản lý doanh nghiệp, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hòa Bình cho rằng: “Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác xã hội hóa đào tạo nghề. Quan trọng hơn, cần định hướng cho các trường mở rộng thêm ngành nghề mới, mở rộng hình thức đào tạo nghề, có thể khuyến khích nhân rộng mô hình doanh nghiệp thành lập trung tâm đào tạo tại chỗ, nhận sinh viên về đào tạo và thực tập. Đồng thời, tổ chức tốt mạng lưới cung ứng dịch vụ lao động, xây dựng ngân hàng dữ liệu và cung cầu lao động”.

Theo ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hoà Bình: Đến nay, Hòa Bình đã xây dựng đội ngũ nhân lực khoa học và công nghệ, đặc biệt là đội ngũ chuyên gia đầu ngành có khả năng tư vấn hoạch định, triển khai thực hiện các chiến lược, quy hoạch, chương trình phát triển ở các ngành, lĩnh vực trọng yếu. Đến nay, nguồn lao động tại tỉnh cơ bản đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Tỷ lệ lao động qua đào tạo không chỉ tăng từng năm, mà còn bảo đảm chất lượng tay nghề”.     

Để nâng cao hơn nữa chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, tỉnh Hòa Bình xác định, tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác xã hội hóa đào tạo nghề, định hướng cho các trường mở rộng thêm ngành nghề mới, cũng như hình thức đào tạo. Đồng thời, tổ chức tốt mạng lưới cung ứng dịch vụ lao động, xây dựng ngân hàng dữ liệu và cung cầu lao động.

Phụ nữ Cao Phong phân loại cam đặc sản.
Phụ nữ Cao Phong phân loại cam đặc sản.

Đặc biệt, với Chương trình Mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030; (giai đoạn I; từ năm 2021-2025), tỉnh Hòa Bình chú trọng triển khai Tiểu dự án 3: Dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng DTTS và miền núi, tỉnh Hoà Bình đã đề ra mục tiêu: Mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục nghề nghiệp góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế; phấn đấu đến năm 2025 đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh lên khoảng 63%, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Hỗ trợ lao động là người DTTS tiếp cận thuận lợi với thông tin thị trường lao động, dịch vụ hỗ trợ tìm kiếm, kết nối việc làm; Hỗ trợ thanh niên DTTS sau khi tốt nghiệp các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp tìm kiếm được việc làm phù hợp với khả năng, nguyện vọng.

Theo đó, tỉnh sẽ xây dựng các mô hình đào tạo nghề, đặt hàng đào tạo nghề phù hợp với điều kiện tự nhiên và tập quán của vùng đồng bào DTTS và miền núi gắn với giải quyết việc làm và hiệu quả việc làm sau đào tạo; thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề cho 63.068 người; Chuẩn hóa kỹ năng lao động và kết nối hiệu quả đào tạo và giải quyết việc làm. Cung cấp thông tin thị trường lao động, dịch vụ hỗ trợ tìm kiếm, kết nối việc làm cho lao động là người DTTS.

Tỉnh Hoà Bình đề tra mục tiêu tiếp tục hỗ trợ thanh niên DTTS tìm được việc làm.
Tỉnh Hoà Bình đề tra mục tiêu tiếp tục hỗ trợ thanh niên DTTS tìm được việc làm.