Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Hoà Bình: Mở rộng cửa đón sóng đầu tư

Phúc Hà (CĐ) - 10:20, 15/10/2021

Tận dụng lợi thế “nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ”, Hoà Bình đang mở cửa đón làn sóng đầu tư. Với sự cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, những năm gần đây, nhiều nhà đầu tư (NĐT) tiềm năng đã đến với Hoà Bình, tạo ra diện mạo mới cho nền kinh tế tỉnh.

Cơ sở hạ tầng thành phố Hòa Bình được quan tâm đầu tư khang trang, hiện đại.
Cơ sở hạ tầng thành phố Hòa Bình được quan tâm đầu tư khang trang, hiện đại.

Tạo sức bật cho nền kinh tế

Hòa Bình được đánh giá có hạ tầng phát triển ở mức khá so với toàn quốc, đứng thứ 5 so với các tỉnh trong cùng vùng miền núi phía Bắc. Điều này được thể hiện qua chất lượng một số hạ tầng cơ bản như: Điểm số khu, cụm công nghiệp đạt 11,5 điểm (trung bình cả nước 12,63), đường bộ 18,85 (trung bình cả nước 19), điện/điện thoại 17,34 (trung bình cả nước 16,23), mạng internet 21,88 (trung bình cả nước 20,98). Cơ cấu kinh tế của tỉnh khá cân đối giữa các ngành công nghiệp - xây dựng, dịch vụ và nông, lâm nghiệp.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá: “Tỉnh Hoà Bình có tiềm năng rất lớn về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ với các đặc sản có tiếng, cùng với đó là không gian phát triển du lịch, dịch vụ lý tưởng. Hòa Bình có cơ hội rất lớn đón nhận làn sóng đầu tư mới, để trở thành trung tâm phát triển trong khu vực, có thể trở thành cơ sở nghỉ dưỡng quan trọng đối với phát triển kinh tế".

Với sự cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, những năm gần đây, nhiều NĐT đã tin tưởng đến với tỉnh, trong đó có những NĐT lớn, tiềm năng. Có thể kể đến như: Tập đoàn FLC đầu tư khu du lịch nghỉ dưỡng, khu đô thị sinh thái, thể thao và vui chơi giải trí; Tập đoàn Xuân Thành đầu tư dự án Nhà máy sản xuất thiết bị điện năng lượng mặt trời, Dự án nhà máy sản xuất xi măng, sản xuất vôi và bột nhẹ; Tập đoàn Hanbek-Hàn Quốc nghiên cứu đầu tư vào khu du lịch quốc gia Hồ Hòa Bình; Tập đoàn Meiko Nhật Bản nghiên cứu đầu tư Dự án Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử....

Hiện trên địa bàn tỉnh Hoà Bình có 624 dự án đầu tư còn hiệu lực hoạt động, trong đó có 40 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 593,806 triệu USD và 584 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 105.894 tỷ đồng.

Trong đó, tỉnh có 463 dự án đầu tư ngoài khu, cụm công nghiệp; 101 dự án đầu tư trong các khu công nghiệp; 27 dự án đầu tư trong nước trong các cụm công nghiệp và 33 dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại. Tỉnh có 345 dự án đầu tư đã hoàn thành đầu tư xây dựng, đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh; 279 dự án đầu tư đang trong giai đoạn thực hiện các thủ tục về đất đai, đầu tư xây dựng và các thủ tục pháp lý khác. Năm 2020, Chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hoà Bình tăng 4 bậc so với năm trước. Đây là minh chứng ghi nhận cho những nỗ lực của tỉnh.

Nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định: Hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư, là 1 trong 4 đột phá chiến lược; trong đó đề ra mục tiêu phấn đấu trong 5 năm thu hút các dự án trong nước, với tổng số vốn đăng ký đầu tư khoảng 80.000 tỷ đồng và khoảng 1 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Dự án Lvory villas & resort, xã Lâm Sơn, huyện Lương Sơn.
Dự án Lvory villas & resort, xã Lâm Sơn, huyện Lương Sơn.

Vì vậy, ngay từ những tháng đầu năm 2021, UBND tỉnh, Tổ công tác đôn đốc triển khai các dự án trọng điểm của tỉnh, đã tổ chức 3 hội nghị đối thoại với các NĐT dự án để nắm bắt tình hình triển khai thực hiện và tổ chức các buổi làm việc, kiểm tra thực địa các dự án; Đồng thời, giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục hành chính, tập trung gỡ khó cho NĐT. 

Cùng với đó, tỉnh Hoà Bình đã tích cực làm việc với các cơ quan Trung ương, các đối tác, NĐT thực hiện những dự án hạ tầng quan trọng như: Mở rộng gấp đôi tuyến đường Hòa Lạc - TP. Hòa Bình; mở tuyến đường từ đầu TP. Hòa Bình đi huyện Kim Bôi để khai thác tiềm năng du lịch Kim Bôi. Đặc biệt, tỉnh cùng với tỉnh Sơn La quyết tâm thực hiện tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, hạ tầng phát triển công nghiệp, du lịch để thu hút đầu tư…

Theo ông Bùi Văn Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hoà Bình, tỉnh đang khẩn trương hoàn thành, công khai quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, trong đó xác định rõ các vị trí có lợi thế để kêu gọi, thu hút đầu tư.

Với việc mở cửa đón làn sóng đầu tư, nhất là vốn đầu tư nước ngoài đã tạo sức bật cho nền kinh tế. Giai đoạn 2016-2020, kim ngạch xuất, nhập khẩu của tỉnh Hoà Bình tăng trưởng trung bình 28,5%/năm. Nếu như năm 2016, kim ngạch xuất khẩu mới đạt 340 triệu USD thì đến năm 2020 đã tăng lên 1.032 triệu USD và 8 tháng năm 2021 ước đạt 716,363 triệu USD, tăng 12,85% so với cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 618,917 triệu USD, tăng 8,48% so với cùng kỳ năm 2020.

Để đạt được những kết quả trên, tỉnh Hoà Bình đã ban hành quy chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương để hỗ trợ NĐT một số thủ tục hành chính đối với các dự án đầu tư theo hình thức thỏa thuận, nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất (QSDĐ), nhận góp vốn bằng QSDĐ trên địa bàn tỉnh; ban hành văn bản hướng dẫn một số thủ tục về đấu giá QSDĐ; nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, cho thuê QSDĐ nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư phi nông nghiệp và hướng dẫn thực hiện các thủ tục đấu giá QSDĐ gắn với tài sản trên đất theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh xây dựng quy định, trình tự thực hiện các thủ tục hành chính đối với dự án có sử dụng đất, đầu tư bằng vốn ngoài ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh; Chỉ đạo xây dựng tiêu chí áp dụng lựa chọn hình thức đấu giá QSDĐ, đấu thầu lựa chọn NĐT để thực hiện dự án đầu tư sử dụng đất trên địa bàn tỉnh; Chỉ đạo UBND các huyện, thành phố tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ NĐT thực hiện công tác giải phóng mặt bằng để sớm có mặt bằng thực hiện dự án.

Để cải thiện mạnh môi trường đầu tư, nâng cao điểm số và cải thiện thứ hạng PCI, UBND tỉnh Hoà Bình yêu cầu, bên cạnh việc tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra thì các cấp, ngành, địa phương cần gắn trách nhiệm trong cải thiện chỉ số, đưa nội dung này vào kiểm điểm, đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ và thi đua khen thưởng hằng năm của cơ quan, đơn vị nói chung và cán bộ, công chức, viên chức nói riêng.