Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Hoà Bình: Chú trọng cải cách hành chính, đồng hành với người dân và doanh nghiệp

Phúc Hà - CĐ - 15:27, 01/10/2021

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2021-2026) xác định cải cách hành chính là một trong bốn khâu đột phá chiến lược của tỉnh, hướng đến xây dựng hệ thống chính trị minh bạch, năng động, luôn đồng hành với người dân và doanh nghiệp.

Hoà Bình xác định cải cách hành chính là 1 trong 4 khâu đột phá chiến lược của tỉnh.
Hoà Bình xác định cải cách hành chính là 1 trong 4 khâu đột phá chiến lược của tỉnh.

Cải cách hành chính đồng bộ

Tỉnh ủy Hoà Bình quán triệt tinh thần cải cách hành chính (CCHC), cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, là nhiệm vụ xuyên suốt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của các cơ quan, đơn vị.

Với tinh thần đó, ngay từ đầu năm 2021, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hòa Bình đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ các nội dung CCHC, trọng tâm là: Đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết các TTHC; tiếp tục nâng cao nhận thức và hành động thực hiện chủ trương chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp; xây dựng nền hành chính dân chủ, minh bạch, trong sạch, chuyên nghiệp, hiện đại; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh hướng đến phục vụ người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Theo đó, các cơ quan hành chính Nhà nước đã duy trì thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC. Quý I/2021, UBND tỉnh Hoà Bình đã ban hành 16 quyết định công bố 271 thủ tục hành chính; trong đó, công bố mới 182 TTHC, sửa đổi, bổ sung 39 TTHC, bãi bỏ, hủy bỏ 50 TTHC không cần thiết. Văn phòng UBND tỉnh đã thực hiện nhập, đăng tải công khai toàn bộ những nội dung trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC. 

Ngoài ra, các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp của tỉnh Hoà Bình đã được phê duyệt bản mô tả công việc theo vị trí việc làm. Trên cơ sở đó, các cơ quan, đơn vị bố trí, sắp xếp, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý bảo đảm theo khung năng lực của từng vị trí việc làm. Công tác tuyển dụng, sử dụng, quy hoạch, bổ nhiệm, tiếp nhận, điều động, đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức được các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc, đúng quy định.

Đặc biệt, để nâng cao chức trách công vụ, Tỉnh ủy cũng triển khai các giải pháp tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính, đạo đức công vụ; tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền, địa phương trong tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân. Tập trung kiểm tra, thanh tra các lĩnh vực dễ xảy ra sai phạm; kiểm tra, thanh tra đột xuất những nội dung được dư luận quan tâm.

Nhiều chuyển biến tích cực

Nỗ lực triển khai khâu đột phá, các cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh Hoà Bình đã tập trung cải tiến lề lối làm việc; thực hiện niêm yết công khai quy trình thủ tục giải quyết công việc tại trụ sở, duy trì hòm thư góp ý, công khai số điện thoại nóng để kịp thời tiếp nhận, giải quyết những phản ánh, kiến nghị và các ý kiến của doanh nghiệp và người dân. Sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành trong thực hiện nhiệm vụ CCHC, nỗ lực xây dựng hệ thống chính trị minh bạch đã đạt được những kết quả tích cực.

Các cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh Hoà Bình đã tập trung cải tiến lề lối làm việc. (Trong ảnh: Người dân xã Kim Bôi, huyện Kim Bôi đang làm thủ tục hành chính)
Các cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh Hoà Bình đã tập trung cải tiến lề lối làm việc. (Trong ảnh: Người dân xã Kim Bôi, huyện Kim Bôi đang làm thủ tục hành chính)

Tính đến hết quý I/2021, tỷ lệ TTHC được giải quyết đúng hạn của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh đạt 99,8%; UBND cấp huyện đạt 99%, UBND cấp xã đạt 99,5%. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của các cơ quan Nhà nước được đẩy mạnh. Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước được triển khai tại 63 điểm. Hệ thống văn bản điều hành của tỉnh đã kết nối từ tỉnh đến xã để thực hiện việc gửi, nhận văn bản điện tử và kết nối với trục liên thông quốc gia; tỷ lệ văn bản đi được gửi dưới dạng điện tử so với tổng số văn bản đi của tỉnh đạt trên 90%.

Tính liên thông trong giải quyết TTHC được tăng cường, đảm bảo TTHC được giải quyết nhanh gọn, công khai, minh bạch; ngăn chặn, xoá bỏ khâu trung gian; rút ngắn thời gian giải quyết so với quy định, giảm tối đa chi phí thực hiện TTHC. Cán bộ, công chức, viên chức thi hành công vụ với tinh thần “Làm hết việc chứ không làm hết giờ”, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo hiệu quả công việc; do đó, được người dân tin tưởng và đánh giá cao.

Sau 5 năm triển khai khâu đột phá, năm 2018, chỉ số CCHC của tỉnh tăng 9 bậc so với năm 2017, xếp thứ 46/63 tỉnh, thành phố; năm 2019, chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh đạt 63,84 điểm, xếp thứ 48; trong đó, điểm tác động CCHC với phát triển kinh tế, xã hội khá cao, đạt trên 3,5 điểm. Hiện nay, công tác CCHC tiếp tục được các cấp ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo, xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. 

Nhiệm kỳ 2020-2025, Tỉnh ủy đề ra mục tiêu phấn đấu mỗi năm cải thiện tối thiểu 3 bậc  để lọt vào Tốp 30 chỉ số năng lực cạnh tranh. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tiếp tục nâng cao nhận thức và hành động thực hiện chủ trương chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp, xây dựng nền hành chính dân chủ, minh bạch, trong sạch, chuyên nghiệp, hiện đại. Đồng thời, thực hiện cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh hướng đến phục vụ người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.