Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Hòa Bình: Linh hoạt các hình thức tuyên truyền giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Ngọc Ánh - 07:52, 31/08/2021

Đa dạng hóa các hình thức truyền thông, tuyên truyền về tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (TH&HNCHT) tại vùng đồng bào các DTTS của tỉnh Hòa Bình là cách làm đang được Ban Dân tộc tỉnh phối hợp cùng các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương triển khai, thực hiện có hiệu quả.

Cán bộ Trung tâm Dân số Kế hoạch hóa gia đình huyện Mai Châu, tỉnh Hoà Bình phối hợp với cán bộ Trạm y tế xã Pà Cò tuyên truyền về tác hại của tảo hôn. Ảnh: Thu Thủy chụp trước thời điểm đợt dịch Covid -19 lần thứ thứ 4 bùng phát
Cán bộ Trung tâm Dân số Kế hoạch hóa gia đình huyện Mai Châu, tỉnh Hoà Bình phối hợp với cán bộ Trạm y tế xã Pà Cò tuyên truyền về tác hại của tảo hôn. Ảnh: Thu Thủy chụp trước thời điểm đợt dịch Covid -19 lần thứ thứ 4 bùng phát

Bức tranh tảo hôn ở vùng cao

Theo thống kê của Ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình, giai đoạn 2015-2020, toàn tỉnh có 1.881 trường hợp tảo hôn, 18 trường hợp HNCHT. So với giai đoạn trước (2010-2015), tỉnh đã giảm được gần 7,6% số cặp tảo hôn, giảm cơ bản tình trạng HNCHT. Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn còn cao so với toàn quốc. Phần lớn các trường hợp TH&HNCHT đều tập trung vào bộ phận dân cư là đồng bào DTTS sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, xảy ra khắp các địa bàn trong tỉnh. Một số huyện có tỷ lệ cao như: Mai Châu, Kim Bôi, Tân Lạc, Lạc Sơn, Lương Sơn...

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này được Ban Dân tộc xác định là do công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tại một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức. Nhận thức về xã hội của một số bậc phụ huynh người DTTS và con em của đồng bào về TH&HNCHT còn có những hạn chế nhất định. Bên cạnh đó, một số phong tục, tập quán lạc hậu vẫn tồn tại ở các bản làng vùng cao đã làm gia tăng tình trạng tảo hôn. Công tác phối hợp quản lý học sinh giữa nhà trường và gia đình tại một số địa phương chưa chặt chẽ nên xảy ra một số trường hợp học sinh THPT mang thai ngoài ý muốn, phải nghỉ học để lấy chồng, dẫn đến tảo hôn.

Đơn cử như trường hợp đôi vợ chồng trẻ Giàng A S. và Khà Thị M. (dân tộc Mông) ở bản Thung Mặn, xã Hang Kia (huyện Mai Châu). S và M để ý, thích nhau từ khi đang ở độ tuổi vị thành niên. Khi M. mới 13 tuổi đã thuận tình để S “bắt” về làm vợ. Theo phong tục “bắt vợ” của người Mông, khi M đã được S “bắt” về nhà mình nghĩa là M đã trở thành người nhà của S. Vì vậy, gia đình M phải thuận tình cho con gái mình sang làm dâu nhà người ta khi con còn chưa đủ tuổi kết hôn. M. trở thành mẹ khi mới 15 tuổi. Do cơ thể chưa trưởng thành cộng với chưa có kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, kiến thức nuôi con nên đứa trẻ sinh ra bị còi cọc, suy dinh dưỡng. Còn người "mẹ nhí" thì ốm dặt dẹo và phải gánh vác rất nhiều công việc nặng nhọc của người phụ nữ làm dâu trong khi đang ở độ tuổi trăng tròn...

Nhiều giải pháp tuyên truyền

Thực hiện Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 Thủ tướng Chính phủ về triển khai Đề án "Giảm thiểu tình trạng TH&HNCHT trong vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2015-2020", tỉnh Hòa Bình đã chú trọng các hoạt động truyền thông, vận động, nâng cao nhận thức cho người dân tại các xã có đông đồng bào DTTS sinh sống. Lựa chọn đối tượng chính để tác động làm hạt nhân tuyên truyền là cán bộ người DTTS; tuyên truyền viên các xã, xóm; già làng, trưởng thôn, các tổ chức đoàn thể; Người có uy tín, học sinh…

Ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện: Tân Lạc, Kim Bôi, Lạc Sơn, Mai Châu khảo sát, lựa chọn địa điểm tại các vùng xảy ra tình trạng TH&HNCHT để xây dựng mô hình triển khai thực hiện. Từ năm 2019, đã có 11 mô hình “Giảm thiểu tình trạng TH&HNCHT được triển khai trên địa các xã: Thượng Cốc, huyện Lạc Sơn; xã Phú Cường, huyện Tân Lạc; xã Yên Lập, huyện Cao Phong; xã Cuối Hạ, huyện Kim Bôi; xã Hợp Thanh huyện Lương Sơn; xã Độc Lập, huyện Kỳ Sơn; xã Tân Minh, huyện Đà Bắc; xã Lạc Lương, huyện Yên Thủy; xã An Lạc huyện Lạc Thủy; xã Pà Cò, huyện Mai Châu và Trường PT Dân tộc Nội trú THCS và THPT B huyện Mai Châu.

Đồng thời, Ban Dân tộc tỉnh cũng phối hợp với các sở, ngành liên quan biên soạn, cung cấp và tái xuất bản các sản phẩm truyền thông là tài liệu tuyên truyền về Luật Hôn nhân và Gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản và bình đẳng giới; xây dựng các pa nô, tờ rơi, tài liệu hướng dẫn sinh hoạt nhóm nòng cốt, tuyên truyền tại các xã có tình trạng TH&HNCHT và một số trường phổ thông dân tộc nội trú. Các sản phẩm truyền thông trực quan với thông điệp truyền tải đơn giản, ngắn gọn, dễ hiểu đã phát huy tác dụng rõ nét đối với nhận thức của người dân, học sinh về nạn tảo hôn.

Đưa hoạt động truyền thông giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vào trường học. Ảnh Đ. Hà
Đưa hoạt động truyền thông giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vào trường học. Ảnh Đ. Hà

Trước thời điểm bùng phát dịch Covid-19, những hoạt động hội thảo trao đổi, nói chuyện chuyên đề, hội thi sân khấu hóa về chủ đề TH&HNCHT thường xuyên được các cơ quan, ban ngành, chính quyền địa phương phối hợp tổ chức tại nhiều bản làng, trường học vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh. Đơn cử, tháng 10/2020, Ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình phối hợp với Sở Tư pháp và Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề về TH&HNCHT tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh. Buổi nói chuyện thu hút 230 em học sinh khối lớp 11 của trường tham gia.

Hay như tại Trường PT Dân tộc Nội trú THCS và THPT B huyện Mai Châu, năm 2020, nhà trường đã tổ chức Cuộc thi “Tìm hiểu Pháp luật về TH&HNCHT” cho 230 học sinh Trường PT Dân tộc Nội trú THCS và THPT B huyện Mai Châu. Ở cả 2 phần thi thi trắc nghiệm và sân khấu hóa, các em đều thể hiện rất tốt kiến thức về luật Hôn nhân và Gia đình; hệ lụy của việc TH&HNCHT, liên hệ thực tế và đưa ra nhiều giải pháp thiết thực, hữu ích.

6 tháng đầu năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên Ban Dân tộc tỉnh đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng TH&HNCHT bằng việc lắp đặt 11 pa nô; cấp phát gần 3.300 cuốn Hỏi đáp pháp luật, 3.290 tờ rơi tuyên truyền tại các trường PTDTNT trên địa bàn 9 huyện; Phối hợp với các đơn vị Báo Hòa Bình, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh tuyên truyền bằng hình thức trực tuyến ...

Để việc triển khai, thực hiện “Đề án Giảm thiểu tình trạng TH&HNCHT trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025” đạt hiệu quả cao nhất, Ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình đề ra mục tiêu: Giảm ít nhất 2 - 3%/năm trường hợp tảo hôn, đến năm 2025 cơ bản xoá bỏ tình trạng TH&HNCHT tại các địa bàn vùng đồng bào DTTS ở vùng cao.