Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Hiệu quả từ mô hình trồng cây ăn quả ở vùng khó

Hồng Minh - 15:46, 16/12/2020

Để khai thác được tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên trong phát triển kinh tế ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, việc phát triển những mô hình trồng cây ăn quả đang được xem là hướng đi mang lại hiệu quả ở những địa bàn vùng khó tỉnh Sơn La.


Cây xoài đang trở thành một trong những cây ăn quả chủ lực ở Sơn La. Ảnh: Tư liệu
Cây xoài đang trở thành một trong những cây ăn quả chủ lực ở Sơn La. Ảnh: Tư liệu

Nhiều năm trước đây, tại tỉnh Sơn La cây ngô, cây sắn được coi là cây chủ lực, giúp người dân thoát nghèo. Nhưng vào thời điểm này, những đồi ngô, sắn đã được thay bằng những vườn cây ăn quả trải dài dọc quốc lộ 6.

Là người đầu tiên mang cây xoài về lai ghép trên bản Noong Xôm, xã Hát Lót, huyện Mai Sơn, ông Nguyễn Bá Tân, Tiểu khu 10 kể lại “Vùng đất này trước đây trồng ngô, bao công sức đổ xuống trên từng mảnh nương nắng gắt, nhưng người dân vẫn không thoát khỏi cái nghèo, cái đói. Vì vậy, gia đình đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng xoài. Sau 3 năm vườn xoài 20 ha lai ghép trên gốc cũ, đã cho thu hoạch mỗi năm trên 200 tấn quả giúp gia đình có lợi nhuận cao. Tùy giá từng năm, nguồn lợi từ cây xoài cao hơn rất nhiều so với các loại cây khác”.

Hay tại tỉnh Đắk Nông, nếu trước đây cây cà phê, cao su, hồ tiêu vốn là cây trồng chủ lực của người dân, thì giờ đây diện tích cây ăn quả như sầu riêng, bơ… đang dần được phủ xanh.

Điển hình trong mô hình chuyển đổi sang trồng cây ăn quả, là gia đình ông Nguyễn Quốc Khánh ở thôn 8, xã Nhân Cơ, huyện Đắk R'lấp. Theo ông Khánh, vào năm 2000, giá cà phê xuống thấp, người nông dân tại các tỉnh Tây Nguyên nói chung và gia đình ông nói riêng gặp rất nhiều khó khăn, thu không đủ chi, nên ông quyết định chuyển một phần đất trồng cà phê sang trồng sầu riêng. Năm đầu tiên, ông chỉ trồng thử nghiệm 30 cây sầu riêng hạt lép giống Ri6 và Moonthong. Sau 5 năm trồng, cây sầu riêng bắt đầu cho trái. Nhận thấy khí hậu thổ nhưỡng tại địa phương phù hợp với cây sầu riêng, ông bắt đầu mở rộng diện tích trồng thêm 120 cây sầu riêng, đồng thời trồng thêm thêm 600 gốc mít Thái hoàn toàn theo hướng hữu cơ.

Đến nay, diện tích vườn cây ăn quả của gia đình ông trên 2,6 ha, sản lượng sầu riêng đạt trên 20 tấn quả/năm, mít đạt trên 10 tấn quả/năm, tổng thu nhập mỗi năm của gia đình hiện đạt trên 800 triệu đồng, trừ chi phí lãi khoảng 500 triệu đồng.

Được biết, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, tính đến tháng 6/2020 tổng diện tích cây ăn quả ước khoảng 10.903 ha, sản lượng khoảng 47.491 tấn (gồm: sầu riêng 2.416 ha, xoài 1.146 ha, bơ 2.155 ha, cam 115 ha, chuối 560 ha, nhãn 104 ha. Ngoài ra, nhiều loại cây ăn quả được trồng xen trong các vườn cây công nghiệp lâu năm để cải thiện thu nhập cho người dân trong giai đoạn giá một số cây công nghiệp đang ở mức thấp trong thời gian gần đây. Những loại cây ăn quả này, hiện nay đang dần trở thành những loại cây trồng chủ lực, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân nông thôn trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

Sầu riêng là cây ăn quả có diện tích lớn nhất ở tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Tư liệu
Sầu riêng là cây ăn quả có diện tích lớn nhất ở tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Tư liệu

Theo thông tin từ Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước hiện có khoảng 1,05 triệu ha cây ăn quả, sản lượng hơn 12,6 triệu tấn. Con số này đã và đang mang lại những kết quả ấn tượng cho mô hình chuyển đổi trồng cây ăn quả có giá trị cao, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn. 

Trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục rà soát chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu từng vùng, miền; đồng thời, khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ.