Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Hiệu quả từ chương trình cấp phát cồng chiêng: Cồng chiêng trở lại thôn làng (Bài 1)

Lê Phương - 05:47, 27/07/2022

Biểu diễn cồng chiêng là nét văn hóa đặc sắc, luôn giữ vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của đồng bào DTTS. Tuy nhiên, ở các vùng đồng bào DTTS tại Bình Định, hoạt động văn hóa này ngày càng thưa dần. Nguyên nhân là do nhiều làng không có cồng chiêng, nên vào những dịp lễ hội phải đi đến các làng khác để mượn. Điều này không chỉ làm cho các lễ hội của đồng bào kém bản sắc, mà đây còn là nguy cơ mất đi loại nhạc cụ truyền thống độc đáo này.

Năm 2017, Ban Dân tộc tỉnh Bình Định bắt đầu triển khai chương trình hỗ trợ cồng chiêng cho đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh. Sau gần 5 năm thực hiện, chương trình đã mang lại nhiều hiệu quả ngoài mong đợi.

Lãnh đạo tỉnh Bình Định trao cồng chiêng cho các làng đồng bào DTTS
Lãnh đạo tỉnh Bình Định trao cồng chiêng cho các làng đồng bào DTTS

Một chương trình, nhiều ý nghĩa

Tỉnh Bình Đình có 3 DTTS chính là Ba Na, H’rê, Chăm H’roi sống ở các huyện: Vĩnh Thạnh, Vân Canh, An Lão, Tây Sơn, Phù Cát, Hoài Ân. Mỗi dân tộc có cách chế tác và biểu diễn cồng chiêng riêng. 

Ông Đinh Văn Lung, Trưởng ban Dân tộc Bình Định cho biết: Cồng chiêng là kiệt tác của nhân loại, là một di sản văn hóa quý giá số một của tổ tiên để lại. Cồng chiêng thôi thúc đoàn kết gắn bó keo sơn nên bà con ai cũng quý cồng chiêng.Tuy nhiên, qua thời gian, những bộ cồng chiêng ở các làng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh phần lớn bị thất lạc, hư hỏng không thể sử dụng. Nhằm thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đến đời sống tinh thần của bà con, UBND tỉnh Bình Định đã thực hiện chương trình cấp phát cồng chiêng cho các làng đồng bào DTTS và các trường nội trú trong tỉnh, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của dân tộc.

Trước khi thực hiện chương trình này, Ban Dân tộc tỉnh Bình Định đã khảo sát thực tế từng địa phương vùng đồng bào DTTS, nắm tình hình cụ thể về số lượng cồng chiêng còn thiếu và trình lên UBND tỉnh để thực hiện. Theo đó, 119 bộ cồng chiêng đã được trao cho 119 làng, thôn của vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh, với tổng kinh phí đầu tư gần 4,5 tỷ đồng.

“Để có những bộ cồng chiêng phù hợp, chúng tôi chọn lọc rất kỹ, phối hợp với các đơn vị có liên quan khảo sát nhiều cơ sở sản xuất cồng chiêng ở một số tỉnh còn giữ được nghề sản xuất cồng chiêng như Gia Lai, Quảng Nam... để tìm nhà sản xuất tốt nhất. Sau đó, tổ chức thực hiện nghiệm thu bộ mẫu tại địa phương để người dân, đặc biệt là các già làng, Người có uy tín góp ý trực tiếp vào sản phẩm văn hóa mà đồng bào sẽ sử dụng”, ông Lung cho hay.

Già làng Lê Văn Ru, ở làng Hiệp Hội, thị trấn Vân Canh vui mừng cho hay: Trước đây, trên địa bàn huyện chỉ có vài làng còn cồng chiêng, nhưng cũng không đủ bộ, mỗi khi làng nào tổ chức lễ hội thì phải đi mượn từ nhiều làng khác gộp lại. Cũng chính vì phải gom góp cho đủ bộ để đánh tạm nên tiếng cồng chiêng lạc nhịp và không còn giữ được cái hồn. Từ khi được Nhà nước trao tặng cồng chiêng, làng nào cũng có đủ bộ nên mỗi dịp lễ hội đều mang ra sử dụng, không khí vui lắm.

Người dân háo hức được nhận cồng chiêng
Người dân háo hức được nhận cồng chiêng

Cho niềm vui vươn xa hơn

Sau khi hoàn thành việc trao tặng cồng chiêng, tỉnh Bình Định đã tổ chức Lễ hội mừng cồng chiêng mới. Điều này nhằm tạo động lực sử dụng, bảo tồn cồng chiêng cho bà con, bởi khi có cồng chiêng rồi cất trong kho cũng không phát huy được bản sắc văn hóa. Với chương trình này, những tiếng cồng, tiếng chiêng của đồng bào DTTS Bình Định không còn lạc nhịp, hay chỉ lắng lại ở những buổi sinh hoạt văn hóa, hội hè ở làng mà sẽ vang xa hơn.

Theo lãnh đạo Sở Văn hoá-Thể thao (VHTT) Bình Định, để góp phần bảo tồn và phát huy giá trị cồng chiêng, cũng như bản sắc văn hóa các dân tộc, địa phương luôn duy trì ngày hội VHTT các DTTS miền núi, định kỳ 2 năm một lần, luân phiên địa điểm tổ chức ở các huyện miền núi, vùng có đồng bào đông đúc sinh sống. Đây là dịp để ba dân tộc anh em Ba Na, H'rê, Chăm H'roi có dịp mang về ngày hội các làn điệu cồng chiêng khi đằm thắm, nồng nàn, khi thúc giục, sôi động… Vào dịp này, thế hệ trẻ các DTTS có dịp trao đổi học tập, khám phá nét đẹp tiềm ẩn trong không gian văn hóa cồng chiêng của các dân tộc anh em.

Ông Tạ Xuân Chánh, Giám đốc Sở VHTT Bình Định cho biết, trong những năm qua, chương trình sưu tầm, gìn giữ, phát huy các di sản văn hóa phi vật thể ở Bình Định đã quan tâm đến một số lễ hội dân gian có nguy cơ mai một, trong đó có không gian văn hóa cồng chiêng tại các lễ hội như: Lễ cầu mưa, lễ đổ đầu của người Chăm H'roi; Lễ ăn mừng lúa mới, lễ ăn trâu tạ ơn của người Ba Na; sinh hoạt âm nhạc của người H'rê.

“Thông qua các chương trình, dự án văn hóa phi vật thể, các làn điệu cồng chiêng đã được ghi hình, phát sóng trong các dịp liên hoan, hội diễn, giao lưu văn hóa trên cả nước. Lễ hội dân gian của bà con miền núi, vùng cao được các cấp chính quyền rất quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để phục dựng, diễn ra đúng theo định kỳ. Đây là cơ hội cho cồng chiêng hoạt động đúng không gian thiêng mà chủ nhân di sản đã định đoạt” ông Chánh cho biết thêm.

Ở góc độ nghiên cứu, nghệ nhân Yang Danh nhìn nhận, âm vang không gian cồng chiêng ngân lên như giữ được “hồn cốt” văn hóa cộng đồng của đồng bào các DTTS. Chương trình cấp phát cồng chiêng rất có ý nghĩa, là một động lực to lớn để bà con gìn giữ nét đặc sắc của dân tộc mình. Bởi, giữ được không gian văn hóa cồng chiêng thì sẽ giữ được điệu múa, lời hát, trang phục… của đồng bào nơi núi rừng.