Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Hiệu quả công tác bảo tồn trang phục các DTTS ở Quảng Ninh: Lan tỏa vẻ đẹp truyền thống (Bài 2)

Thiên An - Mỹ Dung - 17:03, 03/08/2022

Hiện nay, việc mặc trang phục truyền thống thay đồng phục không chỉ diễn ra ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số mà ngay tại các hoạt động văn hóa cộng đồng, trang phục dân tộc cũng được sử dụng rất rộng rãi. Điều này không chỉ lan tỏa, tôn vinh vẻ đẹp trang phục của đồng bào DTTS, mà còn góp phần giữ gìn văn hóa truyền thống các dân tộc thúc đẩy phát triển du lịch tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Cán bộ, công chức, viên chức huyện Bình Liêu đồng loạt mặc trang phục truyền thống trong các Hội nghị, chương trình, hoạt động
Cán bộ, công chức, viên chức huyện Bình Liêu mặc trang phục truyền thống trong các Hội nghị, chương trình, hoạt động

Đại Dực là một xã miền núi, vùng cao của huyện Tiên Yên với 100% là đồng bào DTTS (Sán Chỉ chiếm 84%, Dao chiếm 15%). Thực hiện Nghị quyết số 06 - NQ/ĐU ngày 12/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ xã về việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa dân tộc giai đoạn 2021 - 2025, 100% cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách xã, thôn mặc trang phục dân tộc mình ít nhất 01 ngày làm việc /tuần và mặc vào các sự kiện quan trọng trên địa bàn xã. Từ năm 2022, ít nhất 50% người trong xã mặc trang phục dân tộc mình vào các ngày lễ, tết, đám cưới…

Chia sẻ về điều này, ông Nguyễn Thế Anh, Bí thư, Chủ tịch UBND xã Đại Dực, huyện Tiên Yên khẳng định: “Việc mặc trang phục truyền thống thay cho đồng phục là một cách làm hay, hiệu quả nhằm góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Chính vì vậy, trong thời gian tới chúng tôi tiếp tục mở rộng phạm vi phổ biến trang phục truyền thống để lan tỏa nét đẹp cộng đồng này”.

Cán bộ xã Đại Dực, huyện Tiên Yên mặc trang phục truyền thống trong Lễ kết nạp Đảng viên
Cán bộ xã Đại Dực, huyện Tiên Yên mặc trang phục truyền thống trong Lễ kết nạp đảng viên

Hiệu quả việc mặc trang phục truyền thống thay đồng phục tại các huyện miền núi cũng dần mở rộng ra các địa phương trên toàn tỉnh. Tại xã Đồng Lâm, huyện Hoành Bồ trong mấy năm trở lại đây đang tích cực vận động học sinh, cán bộ công chức mặc trang phục truyền thống.

Ông Vũ Ngọc Tuấn, Chủ tịch xã Đồng Lâm, cho biết: “Việc mặc trang phục truyền thống cũng là việc làm cần thiết trên con đường bảo tồn, giữ gìn văn hóa dân tộc. Xã Đồng Lâm với 96% là đồng bào DTTS thì tôi thấy việc làm này rất ý nghĩa”.

Các trường học trên địa bàn huyện Bình Liêu đã đi vào nề nếp trong việc mặc trang phục truyền thống
Học sinh các trường học trên địa bàn huyện Bình Liêu đã đi vào nền nếp trong việc mặc trang phục truyền thống đến lớp

Tại xã Bằng Cả (huyện Hoành Bồ), ông Nguyễn Văn Quảng, Chủ tịch UBND xã cho biết: Nhằm bảo tồn trang phục của đồng bào dân tộc thiểu số sống trên địa bàn, xã đều lồng ghép cuộc thi thêu may trang phục dân tộc vào các kỳ hội làng của xã; vận động người dân mặc trang phục khi tham dự hội làng. Từ năm 2011, mỗi năm xã tổ chức 2 lớp học thêu may miễn phí cho bà con, học sinh trong xã. Đồng thời, phối hợp với các nhà trường tổ chức cho học sinh mặc đồng phục là trang phục truyền thống vào các ngày thứ 2 hằng tuần. Tới đây, xã tiếp tục vận động người dân may thêm trang phục truyền thống cho con em mặc đến trường; khuyến khích nhân dân tham gia học thêu may để tiến tới sản xuất các sản phẩm thổ cẩm phục vụ khách du lịch đến địa phương.

Đặc biệt, từ việc mặc trang phục truyền thống thay đồng phục tại một số địa phương miền núi, thì thời gian gần đây, việc mặc trang phục truyền thống được diễn ra phổ biến trong các hoạt động văn hóa trên địa bàn tỉnh.

Một số địa phương tổ chức biểu diễn trang phục truyền thống các dân tộc trong những ngày hội xuân, lễ, Tết. Có nơi khuyến khích, hỗ trợ làng, xã có người dân tộc thiểu số cư trú thành lập các CLB văn nghệ của từng dân tộc, sử dụng trang phục truyền thống trong các nghi lễ, như: Vân Đồn, Bình Liêu, Ba Chẽ, Hải Hà, Hoành Bồ, Đầm Hà, Tiên Yên.

Bên cạnh gìn giữ, bảo tồn các trang phục truyền thống, các CLB còn tổ chức giao lưu văn hóa, biểu diễn trang phục truyền thống tại các tỉnh lân cận: Bắc Giang, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn… Chính quyền các địa phương hỗ trợ may thêu trang phục truyền thống cho học sinh ở các bậc học. Ngoài ra, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương  phục dựng một số sinh hoạt văn hoá dân gian truyền thống; trong đó có phục dựng lại trang phục của từng tộc người. 

Lễ hội Carnaval Hạ Long hằng năm, tỉnh đều triệu tập các diễn viên, nghệ nhân đại diện các dân tộc thiểu số mặc trang phục truyền thống, trình diễn trích đoạn sinh hoạt văn hoá dân gian của dân tộc mình. Trung tâm Văn hóa, thể thao vùng Đông Bắc huyện Tiên Yên, Bảo tàng Quảng Ninh đã tiến hành nghiên cứu, sưu tầm và trưng bày các trang phục truyền thống của các dân tộc trên địa bàn để giới thiệu với quần chúng nhân dân, du khách.

 Theo ông Vi Ngọc Nhất, Phó Trưởng phòng Văn hóa và Truyền thông huyện Bình Liêu cho biết: Đây sẽ là bước đi không ngừng lan tỏa ý thức, hành động gìn giữ, phát huy nét đẹp văn hóa sâu rộng trong cộng đồng. “Thời gian tới, cùng với đẩy mạnh việc mặc trang phục truyền thống nơi trường học, công sở, huyện Bình Liêu tuyên truyền, phát động mặc trong cộng đồng dân cư, góp phần quảng bá du lịch địa phương”, ông Nhất cho hay.

       

Cán bộ, công chức huyện Ba Chẽ mặc trang phục truyền thống trong Ngày hội văn hóa dân tộc Sán Chay năm 2022
Cán bộ, công chức huyện Ba Chẽ mặc trang phục truyền thống trong Ngày hội văn hóa dân tộc Sán Chay năm 2022

Thực hiện Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh nhiệm kỳ 2020- 2025, trong đó có nhiệm vụ: “Xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền trong tỉnh,” trong thời gian tới, Quảng Ninh sẽ tập trung vào một số giải pháp, trong đó hực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn văn hóa nói chung và văn hóa truyền thống, văn hóa vật thể và phi vật thể nói riêng. Giữ gìn và phát huy đặc trưng tốt đẹp của các dân tộc thiểu số; khắc sâu, nhân rộng những truyền thống văn hóa tốt đẹp của các dân tộc.

Trên thực tế, việc giữ gìn phát huy giá trị văn hóa trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số là hành trình dài lâu, không hề dễ dàng, song việc giữ gìn và bảo tồn nét văn hóa này là vô cùng cần thiết. Mong rằng, với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, địa phương sẽ tiếp tục đưa ra nhiều giải pháp, cách làm hay, sáng tạo, thiết thực và hiệu quả, góp phần đưa nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh phát huy đúng giá trị vốn có, đáp ứng yêu cầu “di sản văn hóa vừa là động lực, vừa là mục tiêu” của sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.