Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Bảo tồn, gìn giữ trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số

PV - 11:06, 13/08/2021

Thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”, 2 năm qua ngành Văn hóa Lâm Đồng đã có nhiều việc làm thiết thực nhằm gìn giữ, bảo tồn trang phục truyền thống các dân tộc Mạ, Cơ Ho, Chu Ru; kịp thời ngăn chặn thực trạng trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số đang ngày bị mai một, biến dạng, xa rời nguyên gốc.

Nghề dệt truyền thống B’Nớ C góp phần gìn giữ trang phục truyền thống của người Cơ Ho
Nghề dệt truyền thống B’Nớ C góp phần gìn giữ trang phục truyền thống của người Cơ Ho

Tạo môi trường cho trang phục truyền thống phô diễn vẻ đẹp

Trang phục không chỉ đáp ứng một trong ba nhu cầu vật chất của con người (ăn, mặc, ở) mà còn là văn hóa, phản ánh quá trình sáng tạo, óc thẩm mỹ của một cộng đồng dân tộc. Trang phục truyền thống được xem là “thẻ căn cước” của một dân tộc bởi nó thể hiện bản sắc văn hóa, nét đẹp, đặc trưng riêng để chỉ cần nhìn vào bộ trang phục là có thể nhận diện các dân tộc khác nhau. 

Trong các dân tộc thiểu số ở Lâm Đồng, bản thân đồng bào Chu Ru không có nghề dệt, nhưng trang phục truyền thống của người Chu Ru rất đặt trưng, vì từ hàng trăm năm trước họ sử dụng chất liệu, các loại vải là sản phẩm dệt của người Chăm, của người  Cơ Ho, tự biến tấu theo kiểu dáng truyền thống ăn mặc của dân tộc mình. 

Với người Mạ và Cơ Ho thì nghề dệt thổ cẩm đã có từ rất lâu đời, nhưng do sự phát triển kinh tế - xã hội, những ngành nghề thủ công truyền thống trong đó có nghề dệt thổ cẩm bị mai một dần. Đồng bào dần xa rời trang phục truyền thống mà tìm đến những loại trang phục chất liệu tiện dụng hơn phù hợp với cuộc sống hàng ngày; nhu cầu sử dụng sản phẩm dệt truyền thống không còn nhiều, cho nên nghề dệt không còn đủ sức để nuôi sống bản thân và gia đình, nhiều nghệ nhân không còn mặn mà với nghề.

Trước thực trạng đó, ngành Văn hóa Lâm Đồng đã chủ động tạo ra nhiều môi trường, điều kiện, không gian để cho đồng bào các dân tộc có dịp giới thiệu nghề dệt truyền thống và những bộ trang phục truyền thống của mình. 

Ông Hoàng Mạnh Tiến, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lâm Đồng, thời gian qua, tất cả những hoạt động của Trung tâm liên quan đến công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đều có bảo tồn trang phục dân tộc đi đôi với bảo tồn nghề dệt thổ cẩm, trong đó có cả chất liệu, màu sắc, kiểu dáng, hoa văn. 

Trong các ngày hội văn hóa cồng chiêng, ngày hội văn hóa thể thao vùng đồng bào dân tộc thiểu số, liên hoan bảo tồn di sản văn hóa toàn tỉnh được tổ chức hàng năm, bao giờ cũng có hoạt động trình diễn, hội thi trang phục truyền thống giới thiệu trang phục truyền thống trong lễ hội và trong sinh hoạt đời thường. Trong các tiết mục văn nghệ dân gian, hát ru, hát dân ca, diễn tấu cồng chiêng thì một yếu tố bắt buộc là phải mặc những bộ trang phục truyền thống. Đó chính là môi trường, là điều kiện, là không gian để trang phục truyền thống phô diễn vẻ đẹp, từ đó nâng cao nhận thức của đồng bào về giá trị đích thực của nghề dệt thổ cẩm, của trang phục dân tộc, để đồng bào cảm thấy trang phục truyền thống của dân tộc mình là rất đẹp, rất quý, nếu để mất đi thì không thể làm lại, không thể lấy lại được nữa.

Khôi phục, bảo tồn nghề dệt thổ cẩm

Bảo tồn trang phục truyền thống phải đi đôi với nghề dệt truyền thống, nghề dệt thổ cẩm truyền thống còn thì trang phục dân tộc còn. Không chỉ là cách thức dệt, mà để có những hoa văn, họa tiết, kiểu dáng của các loại trang phục váy áo thổ cẩm, đồng bào các dân tộc Mạ, Cơ Ho, Chu Ru đã mất hàng ngàn năm, trải qua bao nhiêu thế hệ tích lũy, chọn lọc, tích tụ kinh nghiệm, sáng tạo. Những năm qua, nghề dệt được quan tâm khôi phục, phát triển trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đã có 5 làng nghề dệt thổ cẩm được UBND tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống như làng nghề B’Nớ C (Lạc Dương), làng nghề Đạ Nghịt (Lộc Châu - Bảo Lộc), làng nghề K’Long (Hiệp An - Đức Trọng), làng nghề Buôn Go (thị trấn Đồng Nai - Cát Tiên)...

Nghệ nhân Rơ Ông Ka Ương nhiều năm đã dành tâm sức khôi phục làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm B’Nớ C cho biết: Trong quan niệm thẩm mỹ của người Cơ Ho dưới chân núi Lang Biang, vẻ đẹp của người phụ nữ xưa được phản ánh một phần qua trang phục. Một người phụ nữ được xem là đẹp trước hết phải là người khéo tay, biết dệt thổ cẩm, phối sắc màu, tạo hình hoa văn độc đáo. 

Thế hệ trẻ người DTTS ở Lâm Đồng trong ngày hội
Thế hệ trẻ người DTTS ở Lâm Đồng trong ngày hội

Thổ cẩm của người Cơ Ho có màu chủ đạo là màu xanh đen, màu của núi rừng đại ngàn Tây Nguyên, nhưng nét đẹp ở chính tạo hình hoa văn muôn điệu như hình chữ nhật, hình vuông, hình chữ thập, hình thoi, hình xoáy, cách điệu hoa lá, chim muông... từ đôi bàn tay khéo léo, óc sáng tạo, trí tưởng tượng của các nghệ nhân. Các làng nghề dệt được khôi phục đã truyền dạy cho nhiều người trẻ tuổi, xây dựng nên ý thức trong cộng đồng để các em không phải tìm vẻ đẹp đâu xa, không phải theo mô đen Tây - Tàu, mà tìm vẻ đẹp trong chính trang phục truyền thống của mình. Muốn bảo tồn được nghề dệt thì ngoài việc sản xuất, chế tác để phục vụ cho cộng đồng, thì cần tạo đầu ra cho sản phẩm, quảng bá giới thiệu những nét đẹp, sự độc đáo của trang phục truyền thống các dân tộc để mọi người ứng dụng nó trong đời sống hiện đại. 

Hiện nay, việc tái sáng tạo, thay đổi kiểu dáng váy áo thổ cẩm đã được rất nhiều các nhà tạo mẫu quan tâm làm nên những đầm công sở, bộ váy cưới thổ cẩm kết hợp hài hòa giữa dân tộc và hiện đại, cách tân nhưng không xa rời truyền thống, không làm mất đi vẻ đẹp truyền thống; nhiều cặp đôi đã chọn váy áo thổ cẩm cách điệu trong ngày trọng đại của đời mình. Cùng với việc tất cả các trường dân tộc nội trú trong tỉnh quy định học sinh mặc trang phục truyền thống ít nhất 1 ngày/tuần... đã góp phần làm lan tỏa vẻ đẹp của trang phục truyền thống. Qua đó, đồng bào các dân tộc bản địa thấy được giá trị của bộ trang phục mình đang mặc, thêm yêu quý, trân trọng, ra sức gìn giữ, bảo tồn, làm cho trang phục truyền thống ngày càng phổ biến hơn trong cuộc sống thường ngày.

Có thể nói cùng với các phong tục tập quán, nét văn hóa truyền thống đặc trưng, việc nỗ lực gìn giữ, bảo tồn trang phục dân tộc, nghề dệt truyền thống các đồng bào các dân tộc bản địa Lâm Đồng đang góp phần làm cho văn hóa truyền thống của các dân tộc được phong phú hơn, trọn vẹn hơn, làm cho vườn hoa các dân tộc Việt Nam đa hương, đa sắc.