Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Hiệu quả các chính sách đầu tư cho nhóm dân tộc có khó khăn đặc thù

Thúy Hồng - 05:20, 30/11/2023

Trong những năm qua Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người thông qua các dự án đầu tư, hỗ trợ riêng biệt đã từng bước nâng cao đời sống của đồng bào. Báo Dân tộc và Phát triển ghi nhận một số ý kiến của chính quyền địa phương và người dân xung quanh vấn đề này.

Theo Quyết định số 1227/QĐ-TTg ngày 14/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù giai đoạn 2021 - 2025, cả nước có 14 DTTS có khó khăn đặc thù bao gồm: Si La, Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm, Pu Péo, Cống, Mảng, Bố Y, Lô Lô, Cờ Lao, Lự, Pà Thẻn, Chứt, La Ha. Đây là nhóm các dân tộc có khó khăn đặc thù, được thụ hưởng các chính sách của Tiểu dự án 1, Dự án 9 chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. 

Ông Hù Chà Thái, Người có uy tín của bản Nậm Sin, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên: Nhiều lĩnh vực đời sống của đồng bào Si La đã phát triển  

(Chuyên đề dân tộc ít người) Ghi nhận từ cơ sở về hiệu quả các chính sách đầu tư cho nhóm dân tộc có khó khăn đặc thù

Bản Nậm Sin là nơi cư trú duy nhất của 50 hộ, với 223 nhân khẩu đồng bào dân tộc Si La. Trước đây, người Si La ở Nậm Sin sống gần như tách biệt với thế giới bên ngoài, bà con dân bản chủ yếu sống trong những ngôi nhà tạm bợ.kinh tế mang tính tự cung tự cấp với phương thức canh tác lạc hậu, phụ thuộc vào tự nhiên nên cái đói, cái nghèo cứ đeo bám dân bản quanh năm.

Những năm gần đây, được sự hỗ trợ về cơ sở vật chất, hỗ trợ phát triển sản xuất những năm qua đời sống người dân cơ bản không còn thiếu đói. Không còn tình trạng di cư tự phát, phá rừng, người dân đã từng bước ổn định sản xuất, mỗi năm trồng được hai vụ lúa nước, bà con biết chăn nuôi gia súc, gia cầm để phát triển sản xuất. Con em dân tộc được đến trường đầy đủ theo học con chữ. 

Từ năm 2022, bản được đầu tư xây dựng tuyến đường giao thông nông thôn từ xã Chung Chải vào bản Nậm Sin dài trên 9,3km đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho Nhân dân phát triển kinh tế.

Người dân có điện thắp sáng, có máy xát lúa gạo thay giã gạo thủ công, được xem Tivi để nắm bắt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Đời sống của bà con đã thay đổi rất nhiều, không còn khổ như trước đây nữa. Bản Nậm Sin được đầu tư công trình nước sinh hoạt bảo đảm vệ sinh với hệ thống 7 bể chứa có tổng dung tích 10m3/bể; công trình thủy lợi có năng lực tưới tiêu cho hơn 10ha với hệ thống kênh mương khép kín...

Đặc biệt, người dân còn được tập huấn nâng cao năng lực sản xuất, tiếp thu khoa học - kỹ thuật và chăm sóc sức khỏe nên nhận thức của người dân đã được nâng cao. Con em trong bản được đến trường học hành đầy đủ. Nhiều tập tục lạc hậu đã được xóa bỏ. Hiện nay, bản Nậm Sin đã không còn tình trạng hôn nhân cận huyết thống. Con em dân tộc Si La đã kết hôn với các dân tộc khác ở trong vùng. Tỷ lệ dân số của người Si La đã được cải thiện đáng kể. Hiện nay dân số của bản đã tăng lên 50 hộ với 223 nhân khẩu.

Trong năm 2023 bà con trong bản được đi tham quan, học tập mô hình chăn nuôi trâu bò tại thành phố Điện Biên Phủ, huyện Điện Biên và huyện Tuần Giáo; chăn nuôi dê sinh sản tại huyện Điện Biên, Tuần Giáo, Tủa Chùa và huyện Mường Chà…giúp bà con biết cách làm ăn, phát triển kinh tế.

Thời gian tới mong muốn Đảng và Nhà nước tiếp tục quan tâm đến chính sách đào tạo nguồn nhân lực cho đồng bào dân tộc Si La, giúp con em đồng bào Si La có công ăn việc làm, ổn định cuộc sống.

Ông Na Văn Chương, Trưởng xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng: Người Lô Lô làm du lịch cộng đồng và kinh doanh các sản phẩm dệt thổ cẩm truyền thống rất hiệu quả

(CĐỀ RẤT ÍT NGƯỜI) Ghi nhận từ cơ sở về hiệu quả các chính sách đầu tư cho nhóm dân tộc có khó khăn đặc thù 1

Trước đây đời sống của bà con rất khó khăn, thiếu thốn do diện tích đất canh tác nông, lâm nghiệp ít, bà con chủ yếu là làm nương rẫy nên thường xuyên thiếu cái ăn, cái mặc.

Những năm qua, được Đảng Nhà nước đầu tư hỗ trợ bà con nhân dân đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng, hỗ trợ phát triển sản xuất, đời sống người dân Lô Lô đen ở Khuổi Khon đã từng bước ổn định.

Từ năm 2017, được Nhà nước đầu tư các chính sách ưu tiên phát triển kinh tế-xã hội cho đồng bào Lô Lô đã hướng dẫn người dân phát triển kinh tế rừng, chăn nuôi, mở rộng diện tích đất để trồng lúa nước…

Đặc biệt xóm được hỗ trợ xây dựng nhà sàn sinh hoạt cộng đồng, người dân trong thôn được tập huấn về kỹ năng làm du lịch, phát triển các nghề truyền thống, bảo tồn văn hóa để phát triển du lịch cộng đồng...

Nhờ đó bà còn trong thôn đã biết tu sửa nhà cửa sạch đẹp làm dịch vụ homstay, kinh doanh các sản phẩm từ nghề thủ công truyền thống như dệt vải, đan lát…giúp người dân có việc làm và thu nhập, qua đó từng bước cải thiện đời sống của bà con trong thôn. Hiện nay cả xóm có 62 hộ, thì chỉ còn 8 hộ nghèo. 

Thu nhập của người dân được nâng lên nhờ dịch vụ du lịch cộng đồng và kinh doanh các sản phẩm dệt thổ truyền thống của người Lô Lô. Hiện nay, cả bản hiện có 5 hộ làm dịch vụ homstay, mỗi tháng bản đón được 50-60 khách du lịch đến thăm quan, trải nghiệm.

Trong năm 2023, mỗi hộ dân Lô Lô được Nhà nước hỗ trợ hai con bò và cây 500 cây quế để chăn nuôi và phát triển kinh tế rừng. Đây là động lực lớn để bà con vươn lên phát triển kinh tễ, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Ông Giàng A Ly, Chủ tịch UBND xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên: Cuộc sống của đồng bào Cống nay đã thay đổi rất nhiều 

Ông Giàng A Ly, Chủ tịch UBND xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên (bìa trái) đang trao đổi về những đổi thay của đồng bào dân tộc Cống
Ông Giàng A Ly, Chủ tịch UBND xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên (bìa trái) đang trao đổi về những đổi thay của đồng bào dân tộc Cống

Bản Nậm Kè, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé nằm cách trung tâm xã chỉ chừng 1km. Cả bản có 54 hộ gia đình, với 320 nhân khẩu là dân tộc Cống. Những năm gần đây, cuộc sống của bà con trong bản khấm khá hơn trước, nên năm nào cũng có gia đình dựng nhà mới hoặc sửa lại nhà. Kinh tế của bản phát triển vững hơn so với trước.

 Cả bản hiện đang canh tác trên diện tích gần 30ha lúa nước và đất nương. Người dân tích cực chăn nuôi đại gia súc trâu, bò. Ngoài ra, bà con dân tộc Cống trong bản còn nhận khoanh nuôi bảo vệ 30ha rừng, một số người dân còn tham gia trồng cây cao su… Nhờ vậy mỗi năm, tỷ lệ hộ nghèo trong bản giảm từ 3-5%. 100% hộ gia đình có nhà ở vững chãi, không còn hộ nào phải sống trong nhà tranh tre dột nát. Điện đã về bản, lớp học được xây dựng, 100% trẻ em được đến trường. Cuộc sống của người dân đã ổn định.

Giai đoạn 2016-2021, triển khai thực hiện Đề án "Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Cống tỉnh Điện Biên" nhiều nội dung, nhiều hạng mục công trình dự kiến được đầu tư xây dựng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Triển khai thực hiện Tiểu Dự án 1, Dự án 9, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, xã Nậm Kè đang được dự kiến triển khai thực hiện các dự án duy tu, sửa chữa công cơ sở hạ tầng bản, hỗ trợ sản xuất xây dựng mô hình cây trồng, vật nuôi; sự nghiệp văn hóa, hỗ trợ trang thiết bị nhà văn hóa, trang phục cho đội văn nghệ; sự nghiệp y tế, hỗ trợ bà mẹ mang thai, sinh đẻ có kế hoạch và trẻ em dưới 5 tuổi. Dự kiến sẽ hoàn thành các nội dung trong quý IV năm 2023, giải ngân thanh toán khoảng 5 tỷ 200 triệu đồng.