Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Hãy đến Vi Rơ Ngheo một lần để thấy

PV - 20:47, 01/06/2023

Lâu nay khi nhắc đến Khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen, huyện Kon Plông (Kon Tum) du khách thường nghĩ đến các địa điểm du lịch nổi tiếng, nhưng ít ai biết rằng, ở giữa “đại ngàn Măng Đen” có một ngôi làng của đồng bào DTTS độc đáo, bình yên mang đậm bản sắc của người Xơ Đăng.

Làng du lịch cộng đồng Vi Rơ Ngheo được bao bọc bởi những cánh rừng nguyên sinh và cánh đồng lúa
Làng du lịch cộng đồng Vi Rơ Ngheo được bao bọc bởi những cánh rừng nguyên sinh và cánh đồng lúa

Đó là làng Vi Rơ Ngheo ở xã Đăk Tăng, vừa được UBND tỉnh Kon Tum công nhận là làng du lịch cộng đồng. Vi Rơ Ngheo hiện là ngôi làng duy nhất còn giữ được nguyên bản đặc trưng của dân tộc Xơ Đăng.

Trồng “hoa lan” khắp làng

Từ thị trấn Măng Đen chỉ mất khoảng một giờ đi ô tô dọc theo tuyến Tỉnh lộ 676 là gặp con đường bê tông dẫn vào làng Vi Rơ Ngheo. Ngôi làng có 63 hộ dân với hơn 300 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Xơ Đăng. Những con đường bê tông mới phẳng lì, xóm làng sạch sẽ, cổng vào làng độc lạ, xung quanh làng đâu đâu cũng nhìn thấy hoa lan rừng…, là cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi lần đầu đặt chân đến Vi Rơ Ngheo.

Dẫn chúng tôi dạo quanh ngôi làng trồng đầy hoa lan, anh A Hiền (42 tuổi), Giám đốc HTX Du lịch Vi Rơ Ngheo cho biết, để có được ngôi làng “đặc trưng” toàn hoa lan như hiện tại, anh và bà con trong làng phải mất vài năm ươm trồng. Mỗi khi đi làm nương rẫy, anh cùng bà con trong làng nhìn thấy hoa lan đẹp là “tỉa” mang về nhà trồng. Tiếp đó, tìm những cây gỗ dưới lòng hồ mang về nhà, cây lớn thì dựng làm cổng, phần nhỏ sẽ cắt ra làm chậu lan. Cứ như vậy, hiện giờ nhà nào cũng có từ vài chục cho đến hàng trăm chậu lan.

“Bản thân mình phải mất ngủ nhiều đêm để suy nghĩ làm sao thay đổi được suy nghĩ của bà con, bởi vì cuộc sống của bà con lâu nay chỉ quẩn quanh với nương rẫy, nếu cứ tiếp tục như vậy cuộc sống sẽ không khá lên được. Mình nghĩ chỗ mình trồng cà phê không lên tốt, trồng các cây hoa màu cũng không lên tốt, chỉ có trồng lúa thôi mà tính toán chi phí cả năm chẳng được là bao. Do vậy bây giờ mình nghĩ chỉ có làm du lịch cộng đồng thôi. Trồng các loại hoa vì cái làng này thời tiết rất phù hợp với ho và mình nghĩ chỉ có hoa mới thu hút được khách đến nhà mình để tham quan, chụp ảnh, ngủ lại nhà mình để kinh doanh Homestay. Mỗi gia đình nếu làm như vậy thì sẽ có thu nhập ổn định”, anh A Hiền chia sẻ.

Theo A Hiền, hoa lan được trồng trong thôn chủ yếu là địa lan. Hiện toàn thôn trồng được khoảng 1.000 chậu. Hoa lan được người dân trồng thành hàng rào bao quanh nhà và trang trí trước cổng. Những giống hoa lan này thường nở vào cuối năm trước kéo dài đến tháng 5 của năm sau, vì vậy khi vào mùa hoa nở là hàng nghìn chậu hoa lan trong thôn đua nhau khoe sắc, rất là đẹp. Giám đốc HTX Du lịch Vi Rơ Ngheo cho biết thêm, bên cạnh trồng, gieo ươm địa lan tại nhà, dân làng cũng đang nhân giống địa lan ở 5 ngọn đồi xung quanh làng. Địa lan được người dân sưu tầm về trồng tự nhiên dưới tán rừng, hoa trồng dọc lối đi lên núi. Khoe sắc ở các cánh rừng nơi đây, ngoài địa lan, còn có thêm nhiều hoa rừng khác như đỗ quyên, hoa mua, hoa sim…

“Những đồi hoa, rừng hoa này được người dân bảo vệ nghiêm lắm không một ai được nhổ trộm, hoặc bán hoa ra bên ngoài. Hoa phát triển tự nhiên trong rừng. Chỉ địa lan là người dân trồng dọc lối lên. Sau này, chúng sẽ tự sinh để hình thành cả vùng hoa khoa sắc. Và chắc chắn khi du khách đến du lịch Măng Đen sẽ tìm về làng hoa Vi Rơ Ngheo để trải nghiệm. Những cái tiếp theo mình sẽ làm đó là tiếp tục trồng hoa để tạo cảnh quan xung quanh làng và cái quan trọng nữa là làm nhà vệ sinh, đây là cái cơ bản mình phải làm trước”, anh A Hiền kỳ vọng.

Anh A Hiên đang giới thiệu hoa địa lan của gia đình
Anh A Hiên đang giới thiệu hoa địa lan của gia đình

Vi Rơ Ngheo - làng du lịch “nguyên bản” của người Xơ Đăng

Mới đây, UBND huyện Kon Plông tổ chức lễ công bố quyết định của UBND tỉnh Kon Tum về việc công nhận Vi Rơ Ngheo là làng du lịch cộng đồng. Đây là ngôi làng DTTS thứ 2 của huyện Kon Plông được công nhận là điểm du lịch, sau làng Kon Pring (thị trấn Măng Đen). Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc định hướng phát triển các sản phẩm du lịch của huyện Kon Plông, tạo ra các làng du lịch “vệ tinh” cho thị trấn Măng Đen. Qua đó, đa dạng hóa các hình thức trải nghiệm cho du khách, tạo không gian kết nối giữa các làng du lịch cộng đồng.

Theo ông Phạm Văn Thắng - Phó chủ tịch UBND huyện Kon Plông, làng Vi Rơ Ngheo hội tụ rất nhiều yếu tố để phát triển du lịch cộng đồng, đó là cảnh quan không gian, địa thế rất là đẹp. Ở đây có hồ, thác, rừng và có những đồi hoa lan đang còn nguyên sơ… để du khách có thể trải nghiệm. Từ những tiềm năng đó thì từ năm 2019 huyện đã xác định quy hoạch làng Vi Rơ Ngheo vào Nghị quyết HĐND huyện để xây dựng làng du lịch cộng đồng. Trên cơ sở chủ trương, kế hoạch của Huyện ủy, HĐND huyện, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch rất chi tiết.

"Chúng tôi xác định du khách khi đến đây ngoài trải nghiệm và cảm nhận về phong cảnh, về những nét độc đáo của làng Vi Rơ Ngheo, thì về ẩm thực phục vụ du khách phải là những đặc sản do chính người dân nơi đây làm. Chính vì vậy, chúng tôi xây dựng từng nhóm hộ nhỏ để làm du lịch, ví dụ như nhóm trồng rau, nhóm hộ nuôi gà, vịt, heo để cung cấp phục vụ du khách, nhóm chuyên lấy cá suối, cá song ở lòng hồ thủy điện, rồi nhóm tổ chức nấu ăn…".



Ông Phạm Văn ThắngPhó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông

Cụ thể, chỉnh trang lại ngôi làng này, nhà cửa phải sắp xếp lại, đường sá được đầu tư bê tông hóa. Tổ chức vận động bà con làm từng ngôi nhà, từng cái ngõ, từng cái cổng và từng vườn lan… để bố trí được cái không gian như ngày hôm nay. Phục dựng lại toàn bộ giá trị văn hóa như cồng chiêng, những vật dụng sinh hoạt của bà con, rồi bảo tồn những kho lúa, những cánh đồng…, tất cả những gì đã mai một đi thì tiến hành phục dựng, khôi phục lại.

Ngoài ra, huyện cũng cho dân làng, đặc biệt là người đứng đầu ở thôn này đi học tập kinh nghiệp ở những mô hình làm du lịch cộng đồng đã thành công ở các tỉnh như Mai Châu (Hòa Bình), Cò Gõ (Quảng Ngãi)… để họ trải nghiệm cách làm du lịch. Để rồi từ những mô hình đó, họ sẽ về triển khai phù hợp với ngôi làng của mình.

“Chúng tôi xác định du khách khi đến đây ngoài trải nghiệm và cảm nhận về phong cảnh, về những nét độc đáo của làng Vi Rơ Ngheo, thì về ẩm thực phục vụ du khách phải là những đặc sản do chính người dân nơi đây làm. Chính vì vậy, chúng tôi xây dựng từng nhóm hộ nhỏ để làm du lịch, ví dụ như nhóm trồng rau, nhóm hộ nuôi gà, vịt, heo để cung cấp phục vụ du khách, nhóm chuyên lấy cá suối, cá song ở lòng hồ thủy điện, rồi nhóm tổ chức nấu ăn… Sắp tới chúng tôi sẽ đưa vào quy chế để làm sao tất cả bà con ở trong làng biết làm du lịch, và họ được hưởng lợi từ việc làm du lịch”, Phó Chủ tịch UBND huyện nhấn mạnh. Ông Thắng cho biết thêm, huyện Kon Plông sẽ xây dựng làng Vi Rơ Ngheo thành một ngôi làng du lịch cộng đồng “nguyên bản”, giữ nguyên những giá trị văn hóa của người Xơ Đăng, không lai tạp các văn hóa khác.

Vì vậy chính quyền địa phương cũng ra quy chế vận động bà con không được bán đất và cũng đề xuất Huyện ủy sẽ không đưa các doanh nghiệp vào đây làm du lịch để hạn chế tình trạng các doanh nghiệp ăn theo phá vỡ quy hoạch của làng du lịch cộng đồng Vi Rơ Ngheo.