Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Khai thác tiềm lực du lịch biển, đảo

PV - 09:00, 29/05/2023

Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã xác định du lịch biển, đảo là 1 trong 4 dòng sản phẩm du lịch chủ đạo của nước ta cần được ưu tiên phát triển. Trên thực tế, đây cũng là “thỏi nam châm” thu hút tới 70% tổng lượng khách du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, để khai thác, phát huy mạnh mẽ hơn nữa tiềm lực dồi dào của du lịch biển, đảo, vẫn còn nhiều thách thức cần giải quyết.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Với đường bờ biển dài hơn 3.260 km cùng khoảng 3.000 hòn đảo lớn nhỏ, hàng trăm bãi biển đẹp, bờ cát trắng, vịnh biển hoang sơ... Việt Nam sở hữu nguồn tài nguyên vô cùng dồi dào để phát triển du lịch biển, đảo.

Trong 156 quốc gia có biển trên thế giới, Việt Nam đứng thứ 27 và là nước có diện tích ven biển lớn trong khu vực Đông Nam Á. Sở hữu Vịnh Hạ Long và Vịnh Nha Trang, Việt Nam là 1 trong 12 quốc gia có vịnh biển đẹp nhất thế giới. Một số bãi tắm của Việt Nam cũng đã lọt vào danh sách những điểm đến quyến rũ nhất hành tinh. Đó là chưa kể, gắn liền hệ thống biển, đảo còn là không gian văn hóa đặc sắc đã được cộng đồng người Việt phát triển qua nhiều thế hệ, với những di tích lịch sử - văn hóa, những phong tục tập quán, lễ hội dân gian, văn hóa ẩm thực… đậm sắc màu miền biển.

Đây chính là “mỏ vàng” lớn để phát triển bền vững du lịch biển, đảo; tạo lợi thế cạnh tranh cho du lịch Việt Nam trên bản đồ du lịch quốc tế. Vì thế, Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định ngành Du lịch và dịch vụ biển là ngành kinh tế biển được ưu tiên hàng đầu để phát triển.

Thời gian qua, với thế mạnh về tài nguyên tự nhiên và nhân văn, du lịch biển, đảo Việt Nam đã có những bước tiến dài, trở thành một trong những loại hình du lịch phát triển mạnh nhất, góp phần nâng tầm thương hiệu du lịch Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Theo thống kê từ Tổng cục Du lịch, giai đoạn 2010 - 2019 (trước đại dịch Covid-19), lượng khách đến các địa phương ven biển luôn tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng bình quân của cả nước, đạt mức tăng 13,6%/năm với khách quốc tế và 12,3%/năm với khách nội địa. Đơn cử, trong năm 2019, lượng khách quốc tế đến các tỉnh ven biển chiếm 71,9% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam; lượng khách nội địa đến các tỉnh ven biển chiếm 59% tổng lượng khách nội địa; tổng thu từ khách du lịch của 28 tỉnh, thành phố ven biển chiếm 67% tổng thu từ khách du lịch cả nước. Số buồng lưu trú ở các tỉnh ven biển cũng chiếm tới 2/3 tổng số buồng lưu trú cả nước; phần lớn các khách sạn 4 - 5 sao cũng tập trung ở các tỉnh, thành phố ven biển. Nhiều khu nghỉ dưỡng ven biển đã giành được những giải thưởng danh giá của các tổ chức du lịch uy tín thế giới...

Có thể khẳng định, du lịch biển, đảo đã đóng góp đáng kể cho kinh tế-xã hội các địa phương, và tạo động lực mạnh mẽ cho kinh tế xanh của đất nước.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, những kết quả tăng trưởng kể trên vẫn chưa tương xứng với tiềm năng vốn có của du lịch biển, đảo Việt Nam. Trao đổi tại Hội thảo “Phát triển du lịch biển, đảo Việt Nam - Thời cơ, thách thức và giải pháp”, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt cho rằng, việc phát huy, khai thác giá trị tài nguyên cho các hoạt động du lịch biển, đảo ở nước ta mới chỉ dừng ở khai thác ven bờ; các hoạt động du lịch bổ sung, bổ trợ cho nghỉ dưỡng, tham quan, tắm biển chưa nhiều.

Bên cạnh đó, những bất cập về môi trường, quy hoạch... vẫn tồn tại. Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cũng cho biết: Thời gian lưu trú trung bình của khách du lịch biển, đảo ở nước ta còn thấp; tính mùa vụ của du lịch biển, đảo còn cao, nhất là ở khu vực miền bắc; các sản phẩm du lịch cao cấp gắn với biển, đảo chưa nhiều;...

Từ thực tế khai thác hoạt động du lịch biển, đảo, ông Phạm Hà, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Lux Group chia sẻ: Hậu Covid-19, du khách có xu hướng tìm về với thiên nhiên, biển, đảo để bồi dưỡng sức khỏe thể chất, tinh thần. Vì thế, các sản phẩm du lịch biển, đảo càng cần đa dạng, hấp dẫn để đáp ứng nhu cầu du khách.

Tuy nhiên, các chính sách hiện nay chưa thật sự tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư phát triển dịch vụ du lịch biển, đảo. Chỉ riêng việc xin giấy phép đầu tư du thuyền cũng phải qua rất nhiều cơ quan, tốn kém thời gian, công sức. Điều này khiến doanh nghiệp gặp khó trong việc sớm tạo ra những trải nghiệm mới, giàu cảm xúc cho khách hàng. Ông Hà cũng cho hay, hiện nay, dư địa để khai thác khách du lịch bằng đường tàu biển của Việt Nam còn rất lớn, song chúng ta lại chưa có những tàu du lịch lớn (sức chứa vài nghìn du khách) để phục vụ.

Ngay như ba vịnh: Lan Hạ, Hạ Long, Bái Tử Long liền kề nhau nhưng lại chưa thể liên thông do thuộc sự quản lý địa giới hành chính của hai tỉnh, thành phố khác nhau, dẫn tới khó khăn trong khai thác tour, tuyến... Vì thế, theo Chủ tịch Lux Group, ở góc độ quản lý vĩ mô, cần có chiến lược khai thác và phát triển du lịch biển, đảo theo hướng bền vững, hài hòa hơn. Chính sách cho kinh tế du lịch cần được thay đổi để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho tour biển, đảo và tour trải nghiệm trên vịnh.

Bên cạnh đó, du khách hiện đại ngày càng quan tâm đến du lịch có trách nhiệm, nên du lịch biển, đảo càng cần quan tâm đến vấn đề môi trường, đặc biệt là việc hạn chế và xử lý rác thải nhựa trong hoạt động du lịch. Ông Phạm Hà cho rằng, để làm được điều này, rất cần phát huy vai trò quản lý điểm đến của chính quyền địa phương, có thể học tập kinh nghiệm từ Cù Lao Chàm (Hội An, Quảng Nam) để giữ môi trường biển, đảo luôn xanh, sạch, đẹp.

Với kinh nghiệm khai thác thị trường khách du lịch tàu biển quốc tế, ông Vũ Duy Vũ, đại diện Hãng lữ hành Saigontourist cho biết: Ở một số thành phố cảng vốn đang là điểm đến phổ biến của tàu khách quốc tế vẫn chưa có cảng tàu khách chuyên dụng. Sử dụng chung với cảng hàng hóa gây nhiều bất tiện cho việc di chuyển cũng như bảo đảm an toàn cho du khách.

Vì thế, Việt Nam cần đầu tư để có những cảng tàu khách chuyên dụng, đủ khả năng đón các tàu biển du lịch siêu lớn cập cảng mà không phải chuyển tải du khách bằng tàu nhỏ như hiện nay. Cũng cần sự liên kết hợp tác với một số nước để biến Việt Nam trở thành điểm đến và là thành viên chính thức trên thị trường du lịch tàu biển của khu vực.

Ông Duy Vũ cho hay, hiện nay, một số hãng tàu du lịch quốc tế đang có ý định liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp du lịch Việt Nam thí điểm bố trí tàu của hãng thường trú tại Việt Nam theo mùa hoặc quanh năm để phục vụ du khách quốc tế du lịch Việt Nam bằng đường biển.

Để thu hút du khách, phát triển du lịch biển, đảo, các địa phương cần có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện hợp tác, khuyến khích các hãng tàu lập hành trình tới Việt Nam; tăng cường đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông các tuyến điểm tham quan du lịch, tạo điều kiện cho liên kết vùng.

Về tổng thể, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn nhận định: Muốn phát triển du lịch biển, đảo bền vững, cần có sự phân vùng phát triển phù hợp với đặc điểm tài nguyên, định hướng thị trường ở cấp độ quốc gia, vùng, địa phương và điểm đến, trong đó chú trọng vấn đề phân kỳ phát triển để tập trung nguồn lực và điều tiết thị trường, bảo đảm không phát triển ồ ạt.

Bên cạnh đó, cần tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng, đặc biệt là cảng biển du lịch; phát triển các sản phẩm đa dạng cả về loại hình và chất lượng nhằm đáp ứng nhu cầu của các thị trường khác nhau. “Đặc biệt, cần chú trọng vấn đề bảo vệ môi trường và dành ngân sách thỏa đáng cho bảo vệ môi trường, bảo tồn tôn tạo tài nguyên, quan tâm đúng mức tới vấn đề đánh giá sức chứa và quản lý sức chứa du lịch”, ông Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh.