Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

“Hành trình tri” ân của cựu chiến binh Nguyễn Văn Tính

Hoàng Thùy - 3 giờ trước

“Lễ Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước là cuộc hội ngộ lớn. Có thể đây là chuyến đi cuối cùng trong đời mà tôi còn đủ sức để thắp nén nhang cho đồng đội đã hy sinh vì Tổ quốc. Với tôi, chuyến đi này không đơn thuần dự đại lễ mà còn là hành trình tri ân” - Đó là tâm sự cựu chiến binh Nguyễn Văn Tính (75 tuổi) ở phường Khánh Xuân, TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Tính chia sẻ về những đồng đội
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Tính chia sẻ về những đồng đội

Hồi ức bi tráng, hào hùng

Chở túi hành lý và lá cờ Tổ quốc cột chặt phía sau, cựu chiến binh Nguyễn Văn Tính lái chiếc xe máy cũ vượt hơn 330 km xuống TP.HCM dự lễ Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Bởi ông muốn được dừng lại ở bất cứ nghĩa trang nào, nơi có đồng đội của ông nằm lại, để thắp nén nhang tưởng nhớ.

Thời kháng chiến, ông Tính từng là trung đội trưởng, mũi trưởng của một đơn vị hỏa lực thuộc Trung đoàn 28, Sư đoàn 10, Quân đoàn 3, đóng quân tại Kon Tum và tham gia nhiều trận chiến khốc liệt từ Chiến dịch Tây Nguyên đến Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Ông Tính kể: Cuối năm 1974, đơn vị ông nhận lệnh lên kế hoạch chuẩn bị cho Chiến dịch Tây Nguyên và hành quân từ Kon Tum vào Buôn Ma Thuột. 27 ngày băng rừng, lội suối, ăn nắng, nằm sương, nhiều người bị sốt rét rừng hành hạ, nhưng không một ai nản chí, tất cả cùng một ý chí quyết tâm chiến đấu. 

Rạng sáng ngày 9/3/1975, ông cùng đồng đội bí mật hành quân tiếp cận tuyến phòng thủ Tây Nam Buôn Ma Thuột là quận lỵ Đức Lập, tỉnh Quảng Đức (nay là huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông). Đến 5h 55 phút, bộ đội chủ lực của ta phối hợp với bộ đội địa phương, lực lượng du kích đồng loạt nổ súng vào quận lỵ Đức Lập. Sau 3 giờ chiến đấu quyết liệt, quân ta chiếm được trận địa này.

Hình ảnh cựu chiến binh Nguyễn Văn Tính xuất phát chuyến “hành trình tri ân”
Hình ảnh cựu chiến binh Nguyễn Văn Tính xuất phát chuyến “hành trình tri ân”

Chiến dịch Tây Nguyên hoàn thành thắng lợi, tháng 4/1975 đơn vị của ông nhận lệnh hành quân về Sài Gòn tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh. Tất cả đều mang trong mình ngọn lửa tiến lên, chiến đấu và niềm tin về ngày thống nhất đất nước. Trên chặng đường hành quân ấy, nhiều đồng đội của ông đã ngã xuống, có những người hy sinh khi còn cách Sài Gòn vài chục cây số, người hy sinh trong những ngày diễn ra chiến dịch.

 “Đơn vị của tôi là một trong 5 mũi tiến công chủ lực giải phóng Sài Gòn. Tôi may mắn được trải qua thời khắc toàn thắng, trở về khi đất nước hoàn toàn giải phóng”, ông Tính bày tỏ.

50 năm đã trôi qua, song những ký ức về đơn vị, đồng đội cùng “vào sinh ra tử” luôn thường trực trong tâm trí ông. Chỉ cần có cơ hội, có dịp ông lại muốn được đi để thắp nén nhang tưởng nhớ đồng đội.

Hành trình tri ân

Nhận được thư mời từ Quân đoàn 3 dự lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước được tổ chức ở TP.HCM, ông Tính bồi hồi lên đường, bao nhiêu ký ức lại ùa về.

Ông bảo: Quân đoàn 3 rất đông, có đến chục ngàn cán bộ, chiến sĩ, cựu chiến binh, khi nhận giấy mời tôi rất bất ngờ và xúc động. Đây là ngày hội non sông, cuộc hội ngộ lớn và niềm tự hào của dân tộc. Có thể đây là chuyến đi cuối cùng trong đời mà tôi còn đủ sức để thắp nén nhang cho đồng đội đã hy sinh vì Tổ quốc. Với tôi, chuyến đi này không đơn thuần dự đại lễ mà còn là hành trình tri ân.

Những kỷ vật thời gian tham gia kháng chiến ông Tính vẫn giữ gìn cẩn thận
Những kỷ vật thời gian tham gia kháng chiến ông Tính vẫn giữ gìn cẩn thận

Ngày 24/4, xe của Quân đoàn 3 đến tận nhà đón ông vào TP.HCM dự lễ, nhưng từ chối và quyết định tự lái chiếc xe máy thân quen của mình để chủ động, dừng lại ở những nơi có đồng đội của ông từng nằm lại....và ông sẽ tưởng nhớ họ theo một cách nào đó. Ngày 25/4, ông Tính bắt đầu chuyến hành trình hơn 330km về TP. Hồ Chí Minh. Chiếc xe máy cũ chở lá cờ Tổ quốc chạy trên Quốc lộ 14 đã gây ấn tượng với người đi đường. Câu chuyện của ông Tính nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội, trở thành tâm điểm, chạm đến trái tim của nhiều người.

Suốt hành trình, ông đã dừng lại ở Nghĩa trang liệt sĩ huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông và nhiều địa điểm ông từng tham gia chiến đấu. Mỗi lần như vậy, lòng ông nghẹn lại, mắt đỏ hoe gọi tên đồng đội: “Chúng tôi từng hứa với nhau, người còn sống phải sống thay phần người ngã xuống, sống tử tế, sống để nhớ ơn…”, ông Tính xúc động nói.

Ông Nguyễn Đình Chung, Chủ tịch UBND phường Khánh Xuân cho biết: hiện nay ông Tính vẫn là thành viên tổ an ninh cơ sở của phường. Biết ông điều khiển xe máy về TP.HCM dự Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, địa phương đến đông viên ông giữ sức khỏe trên hành trình. Khi dừng lại ở địa bàn thăm đồng đội, chiến trường xưa, ông đều điện thoại về cho mọi người yên tâm. Hành trình tri ân của ông Tính góp phần lan tỏa tinh thành yêu nước và nhắc nhở thế hệ trẻ ghi nhớ công lao của bao thế hệ cha ông đã hy sinh thân mình, giành độc lập, hòa bình cho đất nước.

Tin cùng chuyên mục