Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Chiến thắng Buôn Ma Thuột qua hồi ức các lão thành cách mạng

Lê Hường - 19:46, 21/04/2025

Chiến thắng Buôn Ma Thuột (10/3/1975) là niềm tự hào của quân và dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk. Đó là chiến thắng của lòng quả cảm, trí tuệ và tinh thần đoàn kết của quân đội và Nhân dân Việt Nam, tạo bước ngoặc thay đổi cục diện chiến trường, tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trải qua nửa thế kỷ, trong ký ức của các lão thành cách mạng trực tiếp chỉ đạo, tham gia chiến đấu vẫn vẹn nguyên khí thế hào hùng.

Đại tá Lê Xuân Bá, nguyên Trung đoàn Trưởng Trung đoàn 4, Sư đoàn 470
Đại tá Lê Xuân Bá, nguyên Trung đoàn Trưởng Trung đoàn 4, Sư đoàn 470

Khí thế hào hùng của những ngày tháng Tư lịch sử đang rộn ràng khắp đất nước. Mới đây, chúng tôi có dịp gặp những nhân chứng lịch sử trực tiếp tham gia giải phóng Buôn Ma Thuột nhân dịp các lão thành cách mạng tham gia sự kiện Kỷ niệm 50 Chiến thắng Buôn Ma Thuột diễn ra vào tháng 3/2025.

Theo lời Đại tá Lê Xuân Bá, nguyên Trung đoàn Trưởng Trung đoàn 4, Sư đoàn 470, trú tại TP.Buôn Ma Thuột, hình ảnh xe tăng của Quân Giải phóng rầm rập tiến vào Buôn Ma Thuột vẫn nguyên vẹn trong ký ức ông. Bởi chiến thuật nghi binh để có thể đưa xe tăng vào Buôn Ma Thuột là cả nghệ thuật.

Đại tá Lê Xuân Bá cho biết: Đơn vị ông được giao nhiệm vụ mở đường vào Nam Tây Nguyên từ đường 19 (sân bay Đức Cơ) vượt qua các suối, đèo và sông Sêrêpôk. Khi gần đến mục tiêu then chốt Buôn Ma Thuột, xe tăng ém trong những cánh rừng già, nhiều cây to, lắm khe suối. Các cây gỗ được cưa 3/4. Rạng sáng 10/3, các đại dội xe tăng húc đổ cây rừng đã cưa trước đi, đánh thẳng vào trung tâm Buôn Ma Thuột.

Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng, nguyên Tư lệnh Binh chủng Tăng Thiết giáp và kỷ vật thời chiến
Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng, nguyên Tư lệnh Binh chủng Tăng Thiết giáp và kỷ vật thời chiến

Trực tiếp chỉ huy Đại đội 9, Trung đoàn Tăng Thiết giáp 273, Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng, nguyên Tư lệnh Binh chủng Tăng Thiết giáp, hiện trú TP.Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh thì nhớ như in trận đánh Sở Chỉ huy Sư đoàn 23, sào huyệt cuối cùng của Quân đội Việt Nam cộng hòa ở Buôn Ma Thuột.

Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng kể: Các ông được trang bị loại xe tăng hiện đại nhất, lúc đó trên mỗi xe có 34 viên đạn, ông cùng đồng đội sáng kiến cổ định thêm 10 viên đạn cho mỗi xe để tăng sức chiến đấu. Ông trực tiếp chỉ huy xe tăng số hiệu 980 dẫn đầu đội hình xe tăng cùng bộ binh Tiểu đoàn 4 bất chấp nguy hiểm, tấn công tiêu diệt nhiều cụm hỏa lực địch, hỗ trợ bộ binh đánh thẳng vào trung tâm Buôn Ma Thuột, làm chủ hoàn toàn Sở Chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy. Sau đó, tiếp tục đánh qua ngã 5, rồi ngã 6, tiêu diệt toàn bộ lực lượng địch còn sót lại tại đây.

Hòa chung niềm tự hào ngày đất nước thống nhất, non sông nối liền một dải, cựu chiến binh Nguyễn Đức Thịnh, trú xã Cư Êbur, TP.Buôn Ma Thuột, thì tự hào kể khoảnh khắc tiếp cận cột cờ kéo cờ địch xuống, treo cờ Giải phóng lên.

Cựu chiến binh Nguyễn Đức Thịnh là thương binh hạng 3/4, hiện là hội viên Hội cựu chiến binh xã Cư Êbur. Ông nhập ngũ năm 1972 và được phân công công tác tại Sư đoàn 316. Tháng 1/1975, Sư đoàn ông được lệnh hành quân tham gia chiến dịch Tây Nguyên.

Hình ảnh tấn công Sở Chỉ huy Sư bộ 23 đuân đội Việt Nam cộng hòa (ảnh tư liệu)
Hình ảnh tấn công Sở Chỉ huy Sư bộ 23 quân đội Việt Nam cộng hòa (ảnh tư liệu)

Theo lời ông Thịnh kể, ngày 5/3, đơn vị ông nhận lệnh vượt sông SêRêPôk cơ động vào chiếm lĩnh trận địa. Sáng 10/3/1075, đơn vị  tiến công vào cổng chính Sở Chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy. Địch dùng hỏa chống trả quyết liệt, đồng chí được giao nhiệm vụ cắm cờ hy sinh. 

Ngay đêm hôm đó, Trung đội của  ông tổ chức họp rút kinh nghiệm, giao nhiệm vụ chiến đấu cho các phân đội. Sáng 11/3/1975, Trung đội tổ chức lực lượng bí mật tấn công, chiếm nhà làm việc của chỉ huy địch và khu tham mưu. Bên trong nhà làm việc, khu tham mưu của địch có phòng trưng bày “Chiến lợi phẩm”, trong đó có lá cờ Giải phóng, ông lấy luôn lá cờ Giải phóng ở đó, dùng bút bi viết phiên hiệu đơn vị vào cờ.

Bên ngoài, các đơn vị của ta tấn công mạnh từ 4 hướng, quân địch bị dồn về khu kho đạn, nhưng chúng vẫn chống trả quyết liệt. "Lợi dụng tình hình, tôi cùng 2 chiến sĩ tiếp cận cột cờ. Tôi nhanh chóng leo lên đỉnh cột, hạ cờ địch, treo cờ Giải phóng lên .Đúng 10h30 ngày 11/3/1975, cờ Giải phóng tung bay trên Sư đoàn 23 quân Việt Nam cộng hòa", cựu binh Nguyễn Đức Thịnh hào hứng nhớ lại khoảng khắc lịch sử năm xưa.

Tại Hội thảo khoa học “Chiến thắng Tây Nguyên 1975 và nửa thế kỷ xây dựng, phát triển Đắk Lắk”, Đại tá, PGS, TS. Nguyễn Văn Sáu, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự cho biết, chiến thắng Buôn Ma Thuột là chiến công quan trọng trong Chiến dịch Tây Nguyên nói riêng và trong Đại thắng mùa Xuân 1975 nói chung. Đó là đòn phủ đầu đối với chính quyền và quân đội ngụy Sài Gòn. Đồng thời, mở ra thời cơ chiến lược cho những thắng lợi cuối cùng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Tin cùng chuyên mục