Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Giữ “phong độ” cho xuất khẩu nông sản

Thiên Đức - 09:30, 31/01/2020

Năm 2019, vượt qua nhiều khó khăn, ngành Nông nghiệp đã “về đích” với nhiều chỉ tiêu; đáng chú ý nhất là kim ngạch xuất khẩu nông sản cán đích 41,3 tỷ USD, con số kỷ lục từ trước đến nay. Đây là động lực, nhưng đồng thời cũng là thách thức không nhỏ đối với ngành Nông nghiệp nước ta trong nỗ lực đưa xuất khẩu nông sản tăng trưởng bền vững.

Cần chú trọng nâng cấp hệ thống logistics trong xuất khẩu
Cần chú trọng nâng cấp hệ thống logistics trong xuất khẩu

Vượt qua thử thách

Theo lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2019, ngành Nông nghiệp Việt Nam phải đối diện với quá nhiều khó khăn, thử thách. Đặc biệt, dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp và bùng phát khiến ngành chăn nuôi chao đảo. 

Cụ thể, dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 8.532 xã, thuộc 667 huyện của 63 tỉnh, thành phố khiến trên 5,9 triệu con lợn bị tiêu hủy với tổng trọng lượng khoảng 341.000 tấn, chiếm 9% tổng trọng lượng đàn lợn cả nước. Do ảnh hưởng của dịch, sản lượng thịt lợn trong năm 2019 chỉ đạt 3,3 triệu tấn, giảm 13,8% so với năm 2018. Do đó, Việt Nam từ nước sản xuất lợn thứ 5 thế giới phải nhập khẩu 96 nghìn tấn thịt lợn, trị giá hơn 108 triệu USD trong năm 2019.

Ngoài ra, khủng hoảng kinh tế toàn cầu; chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và nhiều cuộc chiến thương mại khác leo thang đã ảnh hưởng trực tiếp đến ngành Nông nghiệp nước ta. Các cuộc chiến tranh thương mại làm suy giảm kinh tế thế giới, ảnh hưởng đến khả năng nhập khẩu nông sản của các bạn hàng lớn của Việt Nam.

Khó khăn nhiều là vậy nhưng với rất nhiều nỗ lực, ngành Nông nghiệp đã giành được những thành tích ấn tượng. Năm 2019, tổng giá trị xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản đạt 41,3 tỷ USD, tăng khoảng 3,2% so với năm 2018. Riêng lĩnh vực lâm nghiệp đạt trên 11,2 tỷ USD, tăng 19,2%. Thặng dư thương mại toàn ngành ước đạt 10,4 tỷ USD, tăng 19,3% so với năm 2018.

Trong đó, vùng DTTS và miền núi góp phần không nhỏ vào thành quả xuất khẩu nông sản. Cụ thể, 4 mặt hàng xuất khẩu trên 3 tỷ USD chủ yếu được sản xuất trong vùng DTTS gồm gỗ và sản phẩm gỗ; hạt điều; rau quả; tôm. 

Tôm là một trong những thế mạnh trong xuất khẩu nông sản ở Việt Nam
Tôm là một trong những thế mạnh trong xuất khẩu nông sản ở Việt Nam

Cần tính tới các giải pháp bền vững

Mặc dù, chúng ta đã đạt được những kết quả khả quan trong xuất khẩu nông sản, tuy nhiên, những giải pháp trên chỉ mang tính trước mắt, tạm thời. Trong những năm tiếp theo, nông nghiệp vẫn sẽ có xu hướng giảm tỷ trọng, xuất khẩu nông sản theo đó tiếp tục gặp muôn vàn khó khăn.

Để đối mặt với vấn đề này, ngành Nông nghiệp không còn cách nào khác là tìm hướng đi cho riêng mình. Vì vậy, người dân không nên chú trọng phát triển vào số lượng, diện tích, quy mô mà cần phát triển theo hướng tinh gọn, tăng cường chất lượng sản xuất và liên kết theo chuỗi giá trị. 

TS. Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện nay nhiều mặt hàng nông sản nước ta rất có tiềm năng xuất khẩu nhưng chưa phát huy hiệu quả do chất lượng thiếu ổn định. TS. Nguyễn Quốc Toản cho rằng, người dân tập trung tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, tăng cường kiểm soát nguồn cung và định hướng sản xuất gắn với tín hiệu thị trường. 

Đồng thời, người dân cần từng bước nâng cao và ổn định chất lượng nông sản xuất khẩu. Ngoài ra, cơ quan chức năng cần tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn các hộ nông dân không chỉ về tiêu chuẩn của nước nhập khẩu mà còn về phương thức sản xuất phù hợp để đáp ứng các tiêu chuẩn đó…

Sản xuất điều vùng DTTS tham gia vào xuất khẩu nông sản
Sản xuất điều vùng DTTS tham gia vào xuất khẩu nông sản

Bên cạnh chú trọng tăng cường chất lượng mặt hàng nông sản, thời gian tới ngành Nông nghiệp cần tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị. Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương cho biết, hiện nay, chi phí logistics cho xuất khẩu nông sản của nước ta chiếm tỷ lệ khoảng 20 - 25%, khá cao so với các nước trong khu vực (khoảng 10 - 15%). Kết nối hạ tầng logistics tại Việt Nam còn nhiều bất cập. Năng lực lưu kho và chuỗi cung ứng lạnh còn hạn chế. Chuỗi cung ứng dịch vụ logistics hầu hết do các doanh nghiệp nhỏ thực hiện đơn lẻ từng khâu.

Để giải quyết vấn đề này, ông Trần Thanh Hải đưa ra giải pháp, việc đầu tiên là phải nâng cấp các tuyến vận tải, thiết lập các Trung tâm logistics nông sản đặt ở cả 3 khu vực. Ngoài ra, chúng ta cần tăng nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng logistics nông sản như đầu tư vào chuỗi lạnh gồm kho lạnh, xe lạnh và container lạnh. Bên cạnh đó, chúng ta nên cải thiện kết nối đường thủy, đường bộ cũng như tận dụng tốt đường sắt, phát triển đường hàng không, xây dựng trung tâm chiếu xạ, kiểm định tại các vùng nông nghiệp trọng điểm.