Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Giới thiệu phương pháp và thực tiễn xây dựng báo cáo giữa kỳ tự nguyện thực hiện khuyến nghị UPR

Hồng Phúc - 18:48, 14/07/2021

Ngày 14/7, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo trực tuyến Giới thiệu phương pháp và thực tiễn xây dựng Báo cáo giữa kỳ tự nguyện thực hiện khuyến nghị về Cơ chế rà soát/kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ III.

Việt Nam được đánh giá cao trong cam kết và nỗ lực tham gia cơ chế UPR. Ảnh: minh họa
Việt Nam được đánh giá cao trong cam kết và nỗ lực tham gia cơ chế UPR. Ảnh: minh họa

Hội thảo có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ ngoại giao Đặng Hoàng Giang; Bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện thường trú UNDP Việt Nam cùng đại diện Bộ ngoại giao Nhật Bản, Thái Lan cùng một số bộ, ban, ngành Trung ương.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Đặng Hoàng Giang, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao khẳng định, với chính sách nhất quán về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, Việt Nam rất coi trọng và tham gia đầy đủ, nghiêm túc vào cơ chế UPR ngay từ chu kỳ I (2009).

Trong bối cảnh hiện nay, Báo cáo giữa kỳ tự nguyện của Việt Nam sẽ cung cấp những thông tin chân thực, toàn diện và phản ánh những cam kết, nỗ lực nhất quán của Việt Nam để tiếp tục ổn định kinh tế-xã hội, bảo đảm quyền con người, nhất là những nhóm dễ bị tổn thương trong bối cảnh khó khăn của đại dịch Covid-19.

Bà Caitlin Wiesen, Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam đánh giá cao cam kết và nỗ lực của Việt Nam trong tham gia cơ chế UPR. Bên cạnh đó, bà Wiesen đề xuất trong thời gian tới cần việc lồng ghép các nội dung về phát triển bền vững, bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương, bảo đảm sự tham gia đóng góp của người dân… trong công tác này.

Gần đây nhất, Việt Nam đã hoàn thành Báo cáo quốc gia theo Cơ chế UPR chu kỳ III vào tháng 1/2019, nhận được sự quan tâm lớn của các nước, các tổ chức quốc tế. Số lượng các nước phát biểu và số lượng các khuyến nghị gia tăng nhiều so với chu kỳ II. Việt Nam đã nhận được 291 khuyến nghị, trong đó, Việt Nam chấp thuận 241 khuyến nghị (chiếm gần 83%) với 220 khuyến nghị chấp thuận đầy đủ. Đây là tỉ lệ chấp thuận cao so với mặt bằng chung của các quốc gia (tỷ lệ trung bình 2009 đến 2018 của các nước đạt 73,33%; tỉ lệ chấp thuận của Việt Nam chu kỳ II cũng chỉ đạt 80,2%).

Kết quả thực hiện các khuyến nghị UPR thời gian qua đã có những tác động tích cực đến mọi mặt đời sống xã hội ở Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống của người dân, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương. Đồng thời thúc đẩy hợp tác, đối thoại ở cấp khu vực và quốc tế về vấn đề quyền con người, thể hiện rõ nét thái độ chủ động, trách nhiệm của Việt Nam trong thực hiện các cam kết UPR.

Nhiều ý kiến trao đổi tại Hội thảo đề xuất về biện pháp tăng cường hiệu quả thực hiện khuyến nghị UPR cũng như khuyến khích sự tham gia của các bên thụ hưởng đã được các bộ, ngành tiếp thu, bổ sung trong lộ trình thực hiện Kế hoạch tổng thể và các Kế hoạch theo ngành, lĩnh vực.

Các khuyến nghị UPR Việt Nam chấp thuận tại chu kỳ III sẽ tiếp tục được các bộ, ban, ngành, tổ chức liên quan của Việt Nam triển khai trong thời gian tới. Việc tích cực triển khai thực hiện các cam kết trong khuôn khổ UPR chu kỳ III cũng tiếp tục khẳng định sự nghiêm túc, trách nhiệm của Việt Nam trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người ở trong nước.