Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Gian nan cuộc chiến chống mua bán người trên vùng biên Lạng Sơn: Giải pháp "chặn cửa" tội phạm (Bài 2)

Hồng Phúc -Hoàng Vân - 10:07, 03/08/2022

Khu vực biên giới tỉnh Lạng Sơn được xác định là địa bàn hoạt động trung chuyển của các loại tội phạm, trong đó tội phạm mua bán người tập trung ở các xã Tân Thanh, Tân Mỹ (huyện Yên Lãng); thị trấn Đồng Đăng, xã Bảo Lâm (huyện Cao Lộc) và xã Yên Khoái, Tú Mịch (huyện Lộc Bình). Cuộc chiến chống mua bán người vẫn còn nhiều gian nan, đòi hỏi phải có nhiều giải pháp đồng bộ.


Bài 2: Cuộc chiến ngăn chặn nạn buôn người ở vành đai biên giới: Còn nhiều gian nan
Đối tượng Nguyễn Ngọc Trâm bị Đồn Biên phòng cửa khẩu Chi Ma bắt giữ về tội mua bán người dưới 6 tuổi ngày 25/8/2019. Ảnh: CTV

Không ít rào cản

Lạng Sơn có đường biên giới dài 231,74km, tiếp giáp Khu tự trị dân tộc Choang, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Khu vực biên giới gồm 20 xã, 1 thị trấn thuộc 5 huyện biên giới, các xã chủ yếu là vùng sâu, vùng xa. Trình độ dân trí của một bộ phận Nhân dân nơi đây còn hạn chế, nhận thức pháp luật chưa cao, còn tồn tại nhiều hủ tục lạc hậu.

Thiếu tá Phan Đức Thuận, Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP Lạng Sơn, người đã trực tiếp xử lý vụ án mẹ ruột bán con đẻ cho biết: Các đối tượng thường lợi dụng sơ hở của pháp luật trong tư vấn hôn nhân với người nước ngoài cho, nhận con nuôi, xuất khẩu lao động và sự thiếu hiểu biết của nạn nhân để lừa bán nạn nhân qua Trung Quốc. 

Đặc biệt, thời gian qua, chúng cũng lợi dụng tiện ích của công nghệ thông tin như facebook, zalo… tiếp cận làm quen, kết bạn, yêu đương, dụ dỗ, lừa gạt phụ nữ, trẻ em, sinh viên, học sinh và dựng lên những màn kịch tinh vi để lừa nạn nhân vào bẫy; thậm chí, các đối tượng còn gây thiện cảm với các nạn nhân là được giúp đỡ, chứ không phải bị lừa gạt.

Bên cạnh đó, thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm mua bán người người ngày càng tinh vi, xảo quyệt, chúng câu kết chặt chẽ với nhau, hình thành các đường dây hoạt động liên tỉnh, xuyên quốc gia; lợi dụng số phụ nữ, trẻ em có trình độ dân trí thấp, hoàn cảnh khó khăn, có nhu cầu tìm việc làm, thiếu hiểu biết, một số ham chơi, lười lao động… để đưa nạn nhân sang Trung Quốc bán vào cơ sở, tụ điểm mại dâm, ép lấy chồng Trung Quốc, bóc lột sức lao động.

Theo Đại tá Nguyễn Văn Thật, Phó Chỉ huy trưởng BĐBP Lạng Sơn, với tình trạng buôn bán phụ nữ sang biên giới, có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp như hiện nay, lực lượng BĐBP, Công an, các cơ quan, ban ngành chức năng cấp ủy, chính quyền và Nhân dân Lạng Sơn đã và đang chủ động đối phó có hiệu quả với hoạt động của bọn buôn người. Tuy nhiên khó khăn chung trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người, đó là khi người bị hại bị mua bán chưa trở về, thì việc tố cáo chủ yếu là do người thân của bị hại đến trình báo nên việc thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của đối tượng là rất khó khăn.

Nhất là trường hợp các bị hại, sau khi bị bán ra nước ngoài thường bị đưa sâu vào nội địa, đặc biệt có những trường hợp người bị hại bị đưa đi bán ở khu vực biên giới giáp ranh giữa Trung Quốc với nước khác, như Myanmar nên không thể giải cứu được. 

Nhiều trường hợp có những bị hại được Công an Trung Quốc phát hiện và giải cứu, nhưng do đã bị bán đi quá lâu hoặc do bất đồng về ngôn ngữ, đã không thể khai báo chính xác về nhân thân và gia đình của nạn nhân ở Việt Nam nên rất khó khăn trong việc xác định nhân thân, lai lịch người bị hại để hoàn thiện thủ tục tiếp nhận. 

Một số người bị hại chỉ làm quen với đối tượng thông qua điện thoại, hoặc qua mạng xã hội; chỉ gặp đối tượng một lần khi bị đưa đi bán nên không biết thông tin về đối tượng, không nhận dạng được đối tượng nên rất khó khăn cho việc chứng minh tội phạm, xử lý đối tượng.

Phòng “bệnh” trước khi chữa bệnh

Đại tá Phạm Long Biên, Trưởng phòng phòng chống mua bán người, Cục Phòng chống ma túy và tội phạm-Bộ Tư lệnh BĐBP cho biết: Hoạt động phòng chống mua bán người hiện đang được chúng tôi đẩy mạnh bằng cách, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tham mưu phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các đoàn thể xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho Nhân dân khu vực biên giới nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác, tích cực tham gia phòng chống mua bán người,…

Bài 2: Cuộc chiến ngăn chặn nạn buôn người ở vành đai biên giới: Còn nhiều gian nan 1
Đồn Biên phòng Cửa khẩu Hữu Nghị bàn giao cháu bé sơ sinh được giải cứu cho cơ sở Bảo trợ xã hội tỉnh Lạng Sơn ( Ảnh Vi Toàn)

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, gian nan nhưng trong những năm qua, BĐBP Lạng Sơn đã có nhiều giải pháp ngăn chặn có hiệu quả tội phạm mua bán người. Đơn vị đã thường xuyên phối hợp tăng cường tuần tra, kiểm soát khu vực biên giới, các địa bàn trọng yếu, đường mòn, lối mở, kịp thời ngăn chặn tình trạng đưa người vượt biên trái phép và giải cứu phụ nữ trẻ em đang trên đường đưa sang Trung Quốc bán.

Ngoài ra, các đơn vị đã làm tốt công tác lồng ghép tuyên truyền phòng, chống tội phạm mua bán người với phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa”, phong trào “Quần chúng bảo vệ an ninh biên giới”.

Bên cạnh đó, BĐBP tại các tổ công tác địa bàn, cửa khẩu đã tích cực vận động, giáo dục các hộ ký cam kết không tiếp tay, giúp sức cho các đối tượng, đường dây, ổ nhóm nghi vấn buôn bán người. Người dân đã nâng cao tinh thần tố giác tội phạm, khi xảy ra vụ việc, nạn nhân hoặc người nhà nạn nhân cần chủ động liên hệ cơ quan công an để cung cấp thông tin về đặc điểm, hình ảnh, thời gian, địa điểm, phương thức của đối tượng để điều tra, hỗ trợ nạn nhân. Chính tư duy đúng đắn phòng chống tội phạm của người dân đã giúp đơn vị có biện pháp đấu tranh, xử lý kịp thời, không để hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Có thể nói, phòng bệnh quan trọng hơn chữa bệnh, thế nên làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, chính là “chặn cửa” tội phạm mua bán người. Thế nên, các cơ quan hữu quan, chuyên ngành cần đổi mới công tác giáo dục, truyền thông về tội phạm mua bán người. Đặc biệt là đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về tội phạm mua bán người; chú trọng tới việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục các quy định pháp luật mới về tội phạm mua bán người dưới 16 tuổi của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017).

Bên cạnh đó, cần tập trung tuyên truyền sâu rộng đến những đối tượng có nguy cơ cao, những nơi sử dụng nhiều lao động nữ, có nhiều phụ nữ lấy chồng nước ngoài, các em gái có hoàn cảnh đặc biệt… không để họ trở thành nạn nhân hay biến thành tội phạm mua bán người...