Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Chương trình 1719

Giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở Kim Bôi (Hòa Bình): Hiệu quả tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hóa (Bài 5)

Văn Hoa - Vũ Hường - 09:59, 18/10/2024

Những năm qua, huyện Kim Bôi đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) nhằm giảm thiểu tiến tới xóa bỏ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (TH-HNCHT). Thực tế cho thấy, tuyên truyền, PBGDPL bằng hình thức giao lưu sân khấu hóa đạt hiệu quả nổi bật, thu hút sự hưởng ứng tham gia của đông đảo Nhân dân.

Tiểu phẩm tuyên truyền với chủ đề PBGDPL về TH-HNCHT do các diễn viên địa phương biểu diễn, phản ánh đúng thực trạng của người dân nên có sức hút đặc biệt (Ảnh do Phó Chủ tịch UBND xã Hùng Sơn Bùi Văn Tình cung cấp)
Tiểu phẩm tuyên truyền với chủ đề PBGDPL về TH-HNCHT do các diễn viên địa phương biểu diễn, phản ánh đúng thực trạng của người dân nên có sức hút đặc biệt. (Ảnh do Phó Chủ tịch UBND xã Hùng Sơn Bùi Văn Tình cung cấp)

Sức lan tỏa lớn

Hùng Sơn là xã đặc biệt khó khăn của huyện Kim Bôi, tỷ lệ đồng bào DTTS chiếm tới 95%, chủ yếu là người Mường và người Dao. Những năm qua, Hùng Sơn thực hiện nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng TH-HNCHT nhưng vẫn còn tình trạng tảo hôn.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Hùng Sơn Bùi Văn Tình, UBND xã giao công chức Tư pháp - Hộ tịch và công chức Văn hóa - Xã hội cùng các tổ chức, đoàn thể của xã và thôn thường xuyên lồng ghép tuyên truyền về TH-HNCHT trong các hội nghị thôn, xóm. Khi phát hiện trường hợp tảo hôn, công chức Tư pháp - Hộ tịch và công chức Văn hóa - Xã hội cùng các tổ chức đoàn thể của xã và thôn đến trực tiếp tuyên truyền, vận động và đã có nhiều trường hợp vận động thành công.

Đơn cử như năm 2021, khi biết 1 công dân nữ (người Mường) khoảng 17 tuổi (đang học lớp 11) có ý định tảo hôn lấy chồng người Dao thuộc xóm Suối Kho (nam đủ tuổi). Khi nắm được thông tin, công chức Tư pháp- Hộ tịch, Văn hóa- Xã hội cùng các tổ chức đoàn thể của xã và của thôn cùng đến 2 gia đình tuyên truyền, vận động. Gia đình nhà gái sau khi được tuyên truyền, vận động đã nhận thức và đồng thuận không tổ chức cưới nhưng bên nhà trai ban đầu vẫn cương quyết muốn cưới. Tuy nhiên, sau khi kiên trì tuyên truyền, vận động thì bên nhà trai đã nhận thức rõ tảo hôn là vi phạm pháp luật và đám cưới đã dừng lại.

Hình thức giao lưu văn hóa thu hút đông đảo người dân tham gia, trong đó có trẻ vị thành niên, là đối tượng cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức; do vậy, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến GDPL bằng hình thức sân khấu hóa có sự lan tỏa lớn
Hình thức giao lưu văn hóa thu hút đông đảo người dân tham gia, trong đó có trẻ vị thành niên, là đối tượng cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức; do vậy, hiệu quả công tác tuyên truyền, PBGDPL bằng hình thức sân khấu hóa có sự lan tỏa lớn

Tuy vậy, vẫn còn nhiều trường hợp dù đã tuyên truyền vận động nhưng vẫn cố tình tảo hôn. Do đó, địa phương luôn xác định cần phải đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân. Theo ông Tình, trong các hình thức tuyên truyền, PBGDPL, thì hình thức giao lưu sân khấu hóa có hiệu quả hơn cả.

Ông Tình nói, năm 2023, xã được giao kinh phí 28 triệu đồng thực hiện nội dung PBGDPL và tuyên truyền vận động đồng bào DTTS thuộc Tiểu dự án 1, Dự án 10, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đông bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719). Theo đó, mỗi thôn, xóm sẽ chuẩn bị các tiết mục văn nghệ như múa, hát, nhảy dân vũ và đặc biệt có xây dựng tiểu phẩm tuyên truyền với chủ đề PBGDPL về TH-HNCHT. Chương trình được tổ chức trong 1 ngày với nhiều nội dung như: thi đấu thể thao; giao lưu văn nghệ, tuyên truyền TH-HNCHT bằng hình thức giao lưu sân khấu hóa có sự tham gia đông đảo của Nhân dân trong các thôn, xóm với mọi lứa tuổi.

Theo ông Tình, trong suốt quá trình chuẩn bị, tập luyện đến ngày diễn ra đêm giao lưu đều thu hút sự quan tâm tham gia, cổ vũ của Nhân dân nên sức lan tỏa Chương trình rất lớn. Cũng qua đó, kiến thức pháp luật về TH-HNCHT của người dân từng bước được cải thiện.

Với việc tổ chức giao lưu tại không gian mở, nơi tập trung đông dân cư nên hiệu quả tuyên truyền được nhân lên
Với việc tổ chức giao lưu tại không gian mở, nơi tập trung đông dân cư nên hiệu quả tuyên truyền được nhân lên

Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền

Hiện nay, Hội đồng phối hợp PBGDPL huyện Kim Bôi có 27 thành viên gồm có đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện làm Chủ tịch Hội đồng, đồng chí Trưởng phòng Tư pháp làm Phó Chủ tịch Hội đồng và các đồng chí lãnh đạo của cơ quan, ban, ngành đoàn thể trên địa bàn huyện là thành viên Hội đồng.

Triển khai thực hiện Tiểu dự án 2 về Giảm thiểu tình trạng TH-HNCHT trong vùng đồng bào DTTS và miền núi, thuộc Dự án 9, Chương trình MTQG 1719, Phòng Tư pháp huyện Kim Bôi đã tổ chức 43 hội nghị tuyên truyền, PBGDPL “Giảm thiểu tình trạng TH-HNCHT” trong vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2023, với 2.845 lượt người tham dự trên địa bàn 17 xã, thị trấn; lồng ghép tuyên truyền PBGDPL trên địa bàn 17 xã, thị trấn về giảm thiểu tình trạng TH-HNCHT” cho cán bộ thôn, bản, Người có uy tín, thanh niên, phụ nữ, cha mẹ học sinh và người dân.

Không chỉ nâng cao hiểu biết pháp luật về hôn nhân và gia đình, các buổi tuyên truyền bằng hình thức giao lưu văn hóa còn là dịp để Nhân dân địa phương gặp gỡ, giao lưu gắn kết cộng đồng, nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân (Nguồn ảnh: Phó Trưởng Phòng Tư pháp huyện Kim Bôi Quách Thị Vân cung cấp)
Không chỉ nâng cao hiểu biết pháp luật về hôn nhân và gia đình, các buổi tuyên truyền bằng hình thức giao lưu văn hóa còn là dịp để Nhân dân địa phương gặp gỡ, giao lưu gắn kết cộng đồng, nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân (Nguồn ảnh: Phó Trưởng Phòng Tư pháp huyện Kim Bôi Quách Thị Vân cung cấp)

Theo bà Quách Thị Vân, Phó Trưởng Phòng Tư pháp huyện Kim Bôi, năm 2023 và 2024, Phòng Tư pháp đã tổ chức giao lưu văn hóa “Giảm thiểu tình trạng TH-HNCHT” trong vùng đồng bào DTTS và miền núi tại xã Xuân Thủy, Hùng Sơn, Nuông Dăm, Sào Báy, Mỵ Hòa… Chương trình đã thu hút được sự tham gia tích cực của các diễn viên không chuyên đến từ các thôn xóm với nhiều tiểu phẩm hay và ý nghĩa về tác hại của TH-HNCHT; qua đó nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của Nhân dân về Luật Hôn nhân và Gia đình…

Theo bà Vân, thực tế cho thấy, khi tổ chức Hội nghị phổ biến về TH-HNCHT tại các xã thì hiệu quả thấp hơn, bởi PBGDPL có phần khô khan mà người dân cũng khó tiếp nhận hơn. Ngoài ra, đối tượng cần phổ biến nhất là học sinh thì rất ít hoặc không có do học sinh phải đi học.

Phó Trưởng Phòng Tư pháp huyện Kim Bôi cho rằng, trong các hình thức tuyên truyền, PBGDPL thì hình thức giao lưu văn hóa, sân khấu hóa có hiệu quả tốt nhất. Bởi khi tổ chức các chương trình giao lưu văn hóa thì diễn viên là quần chúng Nhân dân của tất cả các thôn, xóm trên địa bàn được tham gia; lựa chọn địa bàn tổ chức giao lưu tập trung, thu hút, có khả năng quy tập được đông đảo bà con Nhân dân.

Bên cạnh đó, các tiểu phẩm kịch đa dạng hóa các đối tượng người xem; có hình ảnh trực quan; khi tuyên truyền về TH-HNCHT, các nhân vật trong tiểu phẩm kịch chính là hình ảnh gần gũi của người dân địa phương nên người xem hiểu được ngay. Vì thế, hình thức tuyên truyền, giao lưu văn nghệ, sân khấu hóa có hiệu quả rất tích cực, lan tỏa rất sâu rộng đến với các tầng lớp Nhân dân, vì vậy, trong thời gian tới Phòng Tư pháp sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động này.

Tin cùng chuyên mục
Hiệu quả từ Chương trình MTQG 1719, góp phần thay đổi toàn diện vùng đồng bào DTTS và miền núi Chi Lăng

Hiệu quả từ Chương trình MTQG 1719, góp phần thay đổi toàn diện vùng đồng bào DTTS và miền núi Chi Lăng

Sau gần 4 năm huyện Chi Lăng (Lạng Sơn) triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung tay của toàn xã hội và tinh thần vượt khó vươn lên của người dân, đã làm thay đổi đáng kể diện mạo vùng đồng bào DTTS và miền núi, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt. Phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển đã có cuộc trao đổi với ông Phùng Văn Nghĩa, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Chi Lăng về kết quả trong triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn huyện.