Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Giảm nghèo nhanh và bền vững: Nhìn từ “lõi” nghèo Lai Châu

Trọng Bảo - 11:46, 19/01/2021

Lai Châu được coi là tỉnh nghèo nhất trong “lõi” nghèo Tây Bắc, tuy nhiên, thời gian qua với nhiều giải pháp đồng bộ, tỉnh đã tập trung nguồn lực tạo sinh kế cho người dân nâng cao thu nhập. Qua đó, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn.

Nhiều giống cây mới tiếp tục được đưa vào trồng, chăm sóc góp phần nâng cao thu nhập trên cùng diện tích canh tác
Nhiều giống cây mới tiếp tục được đưa vào trồng, chăm sóc, góp phần nâng cao thu nhập trên cùng diện tích canh tác

Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Lai Châu có 6/7 huyện được thụ hưởng hỗ trợ từ Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững gồm huyện: Mường Tè, Nậm Nhùn, Phong Thổ, Sìn Hồ, Than Uyên, Tân Uyên. Đây là nguồn lực quan trọng để các địa phương phát triển kinh tế - xã hội, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn…

Cùng với đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 02 về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2015-2020, UBND tỉnh Lai Châu đã ban hành Quyết định số 31/2016 phê duyệt Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, với tổng kinh phí thực hiện gần 4.600 tỷ đồng. Chương trình được thiết kế với giải pháp và cơ chế chính sách tương đối đồng bộ, nhằm nâng cao năng lực khả năng tiếp cận của hộ nghèo, hộ cận nghèo về các dịch vụ phát triển sản xuất; trong đó phải kể đến việc hỗ trợ, hướng dẫn hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn phát triển sản xuất.

Để tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho người dân, các huyện đã xây dựng kế hoạch sản xuất từng vùng, từng xã, từng thôn bản và từng gia đình theo hướng đa canh, mở rộng nhiều ngành nghề để phát huy thế mạnh của từng vùng, gắn việc giải quyết lương thực tại chỗ với phát triển lâm nghiệp, chăn nuôi theo mô hình nông, lâm kết hợp, sắp xếp lại dân cư hợp lý, vừa thuận tiện sản xuất, vừa bảo đảm an ninh quốc phòng.

Ghi nhận tại huyện Phong Thổ, cách đây vài năm, hộ gia đình chị Giàng Xa Ninh, dân tộc Dao, ở bản Sơn Bình, xã Ma Li Pho thuộc diện hộ nghèo của xã. Năm 2016, gia đình chị mạnh dạn đưa cây chuối vào trồng, đây là cây trồng mới, nhu cầu thị trường tương đối ổn định. Nhờ chăm sóc tốt, diện tích chuối của gia đình chị cho sản lượng cao. Đến nay, gia đình chị đã mở rộng diện tích trồng chuối lên gần 2ha, mỗi năm cho sản lượng hơn 10 tấn quả, với thu nhập trên 100 triệu đồng.

“Trồng chuối không mất nhiều công chăm sóc và đầu ra sản phẩm cũng ổn định, khi thu hoạch các thương lái đến tận nhà mua. Tính ra so với trồng lúa, ngô thì trồng chuối cho thu nhập cao hơn nhiều lần. Bây giờ không chỉ riêng nhà mình mà nhiều hộ trong thôn cũng trồng chuối, nhà ít mỗi năm cũng thu vài chục triệu, nhà nhiều thu hàng trăm triệu đồng từ bán chuối”, chị Ninh cho biết.

Theo ông Tẩn Chỉn Hùng, Chủ tịch UBND xã Ma Li Pho, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã mang lại hiệu quả thiết thực. Đặc biệt, hệ thống đường giao thông được đầu tư, đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại và giao thương hàng hóa. Để từng bước phát triển kinh tế, cấp ủy, chính quyền địa phương đã tăng cường tuyên truyền, vận động bà con chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, trong đó tập trung chăn nuôi đại gia súc và mở rộng diện tích trồng cây chuối.

“Với cách làm như vậy đã góp phần tăng thu nhập cho người dân qua từng năm. Nếu như năm 2011, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 6 triệu đồng/người/năm thì đến hết năm 2020 đã tăng lên gần 40 triệu đồng/người/năm. Năm 2018, xã Ma Li Pho được công nhận đạt chuẩn NTM, đây là dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”, ông Hùng nhấn mạnh.

Được sự hỗ trợ từ Chương trình giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020, huyện Phong Thổ đã đầu tư xây dựng 485 công trình thuộc các hạng mục đường giao thông, thủy lợi, trường lớp học, cấp nước sinh hoạt.... Hàng năm, hỗ trợ cho hơn 30 nghìn hộ dân về giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chuồng trại, máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp và hỗ trợ phát triển rừng, khoán chăm sóc bảo vệ rừng...

Những vụ mùa no ấm trên đất Lai Châu
Những vụ mùa no ấm trên đất Lai Châu

Tương tự, tại huyện Mường Tè, ông Kiều Hải Nam, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Có thể nói, Mường Tè là huyện khó khăn nhất của tỉnh Lai Châu, trong đó, vùng đồng bào dân tộc Mảng, La Hủ là vùng lõi nghèo của huyện. Thời gian qua, huyện đã phối hợp với HĐND tỉnh khảo sát kỹ về đời sống, văn hóa, giáo dục, y tế... vùng đồng bào Mảng và La Hủ; đồng thời có chương trình hành động sát với thực tế, cụ thể hóa mục tiêu giảm nghèo của Đảng bộ tỉnh.

“Đối với nhóm đồng bào dân tộc có chỉ số nghèo cao, trước hết, huyện Mường Tè chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và cấp ủy chính quyền thực hiện tốt các chương trình dự án Nhà nước hỗ trợ cho Nhân dân phải bảo đảm hiệu quả; tổ chức thực hiện tốt các mô hình phát triển, đặc biệt là thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm để bà con sản xuất mang tính bền vững”, ông Nam nhấn mạnh.

Với cách làm bài bản, phù hợp với từng vùng miền, công tác xóa đói giảm nghèo của tỉnh miền núi Lai Châu thời gian qua, đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư, các chính sách hỗ trợ sản xuất, đào tạo nghề và giải quyết việc làm được quan tâm, chính sách hỗ trợ về y tế, giáo dục được thực hiện có hiệu quả, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân từng bước được nâng lên. 2 huyện Than Uyên, Tân Uyên đã ra khỏi danh sách huyện nghèo của cả nước; hết năm 2019, có 15/75 xã ra khỏi tình trạng xã ĐBKK; kết thúc năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn 16,5%...

Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lai Châu khóa XIII, nhiệm kỳ 2016-2020, mỗi năm địa phương phấn đấu giảm từ 3-4% hộ nghèo. Tuy nhiên, kết thúc nhiệm kỳ, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Lai Châu giảm bình quân 4,78%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra; đây là tiền đề quan trọng để tỉnh phấn đấu đến hết năm 2025 không còn hộ nghèo.