Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Kạn chia sẻ về các nhiệm vụ, giải pháp đột phá trong công tác GD&ĐT năm 2023

Công Minh - 15:05, 25/05/2023

Năm 2023, Ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Bắc Kạn tiếp tục nâng cao chất lượng, duy trì xếp hạng trong nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về công tác GD&ĐT.

Là tỉnh còn khó khăn, nhưng toàn ngành Giáo dục tỉnh Bắc Kạn đã nỗ lực phấn đấu và đạt được nhiều kết quả nổi bật trong năm 2022. Trao đổi với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, ông Nguyễn Ngọc Sơn - Ủy viên Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Kạn đã có những chia sẻ về kết quả của ngành Giáo dục trong năm vừa qua.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Kạn
Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Kạn

PV: Trong năm vừa qua, ngành Giáo dục tỉnh Bắc Kạn đã đạt được những thành tựu nổi bật như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Ngọc Sơn: Trong năm học vừa qua, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng toàn ngành Giáo dục Bắc Kạn đã nỗ lực phấn đấu và đạt được một số kết quả nổi bật, đó là: “Chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn tiếp tục có bước chuyển biến tích cực”. Cụ thể: Tỷ lệ học sinh có học lực khá, giỏi các cấp học năm sau cao hơn năm trước, tỷ lệ học lực yếu, kém giảm đáng kể.

Số lượng và chất lượng các giải đạt được trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh, kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia cao hơn. Kỳ thi cấp quốc gia năm 2022, tỉnh Bắc Kạn đạt được 12 giải, trong đó có giải Nhất (lần đầu tiên tỉnh có học sinh đạt giải Nhất cấp quốc gia).

Kỳ thi tốt nghiệp THPT trong những năm gần đây đều đạt trên 95%, vượt chỉ tiêu tỉnh giao (trên 90%). Trong đó năm 2022, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp toàn tỉnh đạt 97,66% trung bình điểm thi tốt nghiệp là 6,225đ, xếp thứ 39/63 tỉnh, thành phố (cao hơn nhiều tỉnh, thành có điều kiện hơn tỉnh Bắc Kạn). Đây là một sự nỗ lực rất lớn của ngành GD&ĐT trong nhiều năm qua mới có thể đạt được.

Việc tổ chức thực hiện dạy học theo Chương trình GDPT 2018 đối với các lớp theo lộ trình được thực hiện nghiêm túc, có nề nếp, phù hợp, học sinh hoàn thành tốt các mục tiêu cần đạt theo quy định của chương trình, phát huy được các phẩm chất, năng lực trong quá trình học tập.

Cảnh quan, môi trường trường học đã có những chuyển biến tích cực, nhiều trường có những cách làm hay, sáng tạo, xây dựng được môi trường giáo dục xanh - sạch - đẹp - an toàn và thân thiện, đặc biệt là đối với các trường mầm non, tiểu học. Cơ sở vật chất thiết bị các cơ sở giáo dục từng bước được đầu tư cơ bản, đáp ứng yêu cầu các hoạt động giáo dục.

Công tác chuyển đổi số được quan tâm thực hiện, cơ sở dữ liệu ngành GD&ĐT Bắc Kạn đã hoàn thiện cơ bản và khai thác có hiệu quả trong công tác quản lý cũng như hỗ trợ công tác dạy và học; hồ sơ giáo viên, học sinh và kết quả kiểm tra, đánh giá được số hóa tương đối toàn diện; công tác tuyển sinh thực hiện theo hình thức trực tuyến không dùng giấy tờ; ngành GD&ĐT ứng dụng nhiều phần mềm trực tuyến trong công tác đã đem lại hiệu quả cao.

PV: Ông có thể chia sẻ một số khó khăn, vướng mắc trong năm học 2023 - 2024?

Ông Nguyễn Ngọc Sơn: Năm học 2022 - 2023 vẫn chưa kết thúc, nhưng trong thời gian vừa qua ngành Giáo dục đã tích cực chuẩn bị các điều kiện để triển khai nhiệm vụ năm học mới 2023 - 2024 như: Xây dựng kế hoạch phát triển GD&ĐT năm học 2023 - 2024; hướng dẫn thực hiện công tác tuyển sinh các lớp đầu cấp năm học 2023 - 2024; chuẩn bị các điều kiện để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 đối với các lớp tiếp theo năm học 2023 - 2024…

Dự kiến bước vào năm học 2023 - 2024, ngành Giáo dục Bắc Kạn sẽ có những khó khăn liên quan đến triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018, nhất là đối với lớp 4, 8 và 11; Thiếu giáo viên dạy các bộ môn Tin học, Ngoại ngữ và thiết bị dạy học chưa có đủ để phục vụ công tác dạy và học. Mặc dù đã được các cấp, các ngành quan tâm đầu tư nhưng hiện nay tỷ lệ phòng học chưa được kiên cố còn cao, nhất là khối mầm non, tiểu học; nhiều nơi còn thiếu nhà ở công vụ cho giáo viên, thiếu nhiều phòng học bộ môn và các công trình phụ trợ khác.

Do nguồn lực đầu tư cho GD&ĐT chưa đáp ứng được nhu cầu, hầu hết các công trình trường, lớp học, nhà công vụ giáo viên đã được xây dựng từ lâu đã nên xuống cấp, hư hỏng; công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực của xã hội cho giáo dục đã được ngành và các đơn vị quan tâm, nhưng kết quả vẫn còn hạn chế do điều kiện kinh tế của tỉnh còn gặp khó khăn.

Mặc dù còn những khó khăn trong triển khai thực hiện công tác GD&ĐT, nhưng toàn ngành sẽ tiếp tục khắc phục, tham mưu cho tỉnh các giải pháp chỉ đạo kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, phù hợp với điều kiện của tỉnh, quyết tâm thực hiện thắng lợi công tác GD&ĐT nói chung và nhiệm vụ năm học 2023 - 2024 nói riêng.

PV: Ông cho biết một số nội dung trọng tâm của ngành Giáo dục đang được triển khai ở vùng đồng bào DTTS và miền núi, một số kết quả cụ thể?

Ông Nguyễn Ngọc Sơn: Công tác GD&ĐT ở vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã và đang được các cấp, các ngành quan tâm triển khai thực hiện. Để cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp định hướng phát triển công tác GD&ĐT trên địa bàn tỉnh, năm 2021, Sở GD&ĐT đã tham mưu để UBND tỉnh trình Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 12/8/2021 về phát triển GD&ĐT tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021 - 2025.

UBND tỉnh đã kịp thời ban hành các văn bản nhằm cụ thể hóa nhiệm vụ thực hiện Đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho Chương trình giáo dục mầm non và GDPT giai đoạn 2017-2025 theo Quyết định số 1436/QĐ-TTg ngày 29/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ như: Kế hoạch số 263/KH-UBND ngày 13/5/2019 về việc thực hiện Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho Chương trình giáo dục mầm non và GDPT giai đoạn 2017 - 2025; Quyết định số 1678/QĐ-UBND ngày 10/9/2021 về việc phê duyệt Đề án đảm bảo cơ sở vật chất thực hiện chương trình GDMN, giáo dục phổ thông giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn và các kế hoạch thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) nhằm huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất cho các nhà trường.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh đã bố trí cho GD&ĐT với tổng nguồn vốn bố trí đạt khoảng 1.084 tỷ đồng (nguồn ngân sách Trung ương 270 tỷ, ngân sách địa phương tỉnh điều hành 200 tỷ, ngân sách địa phương huyện điều hành 116,2 tỷ, xổ số kiến thiết 83 tỷ, các Chương trình MTQG 415 tỷ đồng).

Công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia được quan tâm thực hiện. Đến nay, cả tỉnh có 107/288 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia, chiếm 37,2% (mầm non 48 trường, tiểu học 35 trường, TH&THCS 8 trường, THCS 15 trường, THPT 1 trường). Hiện nay, ngành GD&ĐT đã và đang tập trung tham mưu cho UBND tỉnh để chỉ đạo thực hiện thành công mục tiêu giai đoạn 2022 - 2025 toàn tỉnh có thêm 60 trường học đạt chuẩn quốc gia theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra.

Trụ sở Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Kạn
Trụ sở Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Kạn

PV: Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025 có dự án 5 về phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ngành Giáo dục Bắc Kạn chuẩn bị cho việc thực hiện Dự án này như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Ngọc Sơn: Ngành Giáo dục Bắc Kạn đã chủ động chuẩn bị cho việc thực hiện Dự án 5 về phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; cụ thể:

Thực hiện Tiểu dự án 1 - Dự án 5, để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các trường PTDT nội trú, trường PTDT bán trú, trường phổ thông có học sinh bán trú, Sở GD&ĐT dự kiến tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên của trường PTDT nội trú, trường PTDT bán trú, trường phổ thông có học sinh bán trú về các nội dung quản lý và giáo dục đặc thù.

Thực hiện tốt nội dung 2, Tiểu dự án 2 - Dự án 5: Đào tạo đại học và sau đại học. Cử sinh viên sau khi hoàn thành chương trình dự bị đại học tham gia đào tạo trình độ đại học các chuyên ngành đáp ứng nhu cầu nhân lực cho vùng đồng bào DTTS và miền núi, tập trung lựa chọn học sinh thuộc nhóm DTTS còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù quy định tại Quyết định số 1227/QĐ-TTg ngày 14/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù giai đoạn 2021 - 2025 (Quyết định số 1227/QĐ-TTg).

Trong đó, ưu tiên học sinh DTTS thuộc các xã khu vực III theo Quyết định 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025; học sinh DTTS thuộc các thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định số 612/QĐ-UBDT ngày 16/9/2021 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc.

Cử cán bộ, công chức, viên chức thuộc nhóm DTTS còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù quy định tại Quyết định số 1227/QĐ-TTg tham gia đào tạo nâng cao trình độ các chuyên ngành đáp ứng nhu cầu nhân lực cho vùng đồng bào DTTS và miền núi.

PV: Thưa ông, ông kỳ vọng như thế nào về Chương trình MTQG đối với công tác phát triển GD&ĐT ở vùng DTTS tỉnh Bắc Kạn? Ngành Giáo dục Bắc Kạn có đề xuất, kiến nghị gì với Trung ương, với các bộ ngành để Dự án 5, Chương trình MTQG đi vào cuộc sống?

Ông Nguyễn Ngọc Sơn: Thực hiện Chương trình MTQG sẽ góp phần cải thiện về điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các nhà trường ở vùng khó khăn; đội ngũ công chức, viên chức ngành GD&ĐT vùng đồng bào DTTS cũng được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng… Vì thế, chúng tôi tin rằng Chương trình này sẽ đem lại nhiều chuyển biến tích cực đối với GD&ĐT của tỉnh Bắc Kạn, nhất là góp phần phát triển sự nghiệp GD&ĐT ở các vùng khó khăn.

Có thể nói, đó là những chủ trương rất tốt đẹp và nhân văn của Đảng và Nhà nước ta đối với vùng đồng bào DTTS. Chúng tôi không có đề xuất, kiến nghị gì thêm, mà mong muốn Chương trình sẽ được triển khai thực hiện hiệu quả từ Trung ương đến các địa phương, nhất là đối với ngành GD&ĐT.

Trân trọng cảm ơn ông!