Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Giải quyết nhu cầu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS ở Cao Bằng: Những kết quả tích cực (Bài 1)

Lê Tuấn - 17:19, 25/10/2024

Từ những chương trình, chính sách dân tộc, tỉnh Cao Bằng đã quan tâm hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, đất ở, đất sản xuất hiện vẫn là nhu cầu bức thiết của một bộ phận đồng bào DTTS. Để giải quyết căn cơ nhu cầu của đồng bào, đồng thời nhằm cụ thể hóa những quy định mới của Luật Đất đai năm 2024, UBND Cao Bằng đã xây dựng và trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định chính sách về đất đai đối với đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.

Từ nhiều chương trình, chính sách dân tộc, đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Cao Bằng có nhu cầu về đất ở, đất sản xuất đã được quan tâm hỗ trợ, từ đó ổn định đời sống, từng bước nâng cao thu nhập. Đây là điều kiện cơ bản để tỉnh triển khai thực hiện hiệu quả lĩnh vực công tác dân tộc, tạo nền tảng để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (Chương trình MTQG 1719)

Giải quyết nhu cầu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS ở Cao Bằng: Những kết quả tích cực (Bài 1)
Tỉnh Cao Bằng mặc dù có diện tích đất tự nhiên lớn, nhưng địa hình chủ yếu đồi núi, có độ dốc lớn, diện tích đất sản xuất rất ít. Ngoài ra, tỉnh không có quỹ đất công, hoặc chưa đủ điều kiện để đồng bào sử dụng đất để phát triển sản xuất, chăn nuôi. (Trong ảnh: Một góc làng đá Khuổi Ky, xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh)

Nỗ lực giải quyết nhu cầu

Những năm qua, Cao Bằng được bố trí vốn từ ngân sách Trung ương để triển khai nhiều chương trình, chính sách dân tộc để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi, hỗ trợ giải quyết các nhu cầu bức thiết trong đời sống của đồng bào các DTTS. Trong đó, chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS đã được tỉnh triển khai xuyên suốt từ nhiều năm nay.

Theo ông Bế Văn Hùng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng, tỉnh có gần 95%% dân số là đồng bào DTTS; phần lớn xã, phường, thị trấn của tỉnh đều có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Đời sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nên đất đai có vai trò quan trọng đối với đồng bào DTTS nơi đây.

“Vì vậy, việc thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho các hộ đồng bào trên địa bàn có nhu cầu bức thiết có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, không chỉ góp phần giảm nghèo, nâng cao đời sống cho đồng bào mà còn có ý nghĩa đối với mục tiêu ổn định dân cư, hạn chế di cư tự do, bảo đảm an ninh trật tự ở vùng DTTS của tỉnh”, ông Hùng cho biết.

Theo dữ liệu của Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng, từ năm 2015 trở về trước, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tích cực triển khai chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS. Trong đó, giai đoạn 2013 – 2015 thực hiện theo Quyết định số 755/2013/QĐ-TTg; giai đoạn 2009 – 2013 thực hiện theo Quyết định 1592/2009/QĐ-TTg; từ năm 2009 trở về trước thì thực hiện theo Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg...

Giai đoạn 2016 – 2020, chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho hộ đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh được triển khai theo Quyết định 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Quá trình rà soát để thực hiện Quyết định số 2085/QĐ-TTg cho thấy, toàn tỉnh có hơn 960 hộ đồng bào có nhu cầu hỗ trợ đất ở, trên 3.660 hộ cần hỗ trợ đất sản xuất.

Từ năm 2021 đến nay, triển khai Dự án 1 thuộc Chương trình MTQG 1719, tỉnh Cao Bằng tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho các hộ DTTS có nhu cầu bức thiết. Trong Kế hoạch số 2015/KH-UBND ngày 08/8/2022 của UBND tỉnh Cao Bằng về thực hiện Chương trình MTQG 1719, tỉnh phấn đấu trong cả giai đoạn 2021 – 2025 sẽ hỗ trợ 360 hộ về đất ở và 1.167 hộ về đất sản xuất. UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Ban Dân tộc và các Sở, ngành liên quan, các địa phương triển khai thực hiện chính sách.

Giải quyết nhu cầu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS ở Cao Bằng: Những kết quả tích cực (Bài 1) 1
Trong điều kiện quỹ đất hạn hẹp, tỉnh Cao Bằng đã tích cực vận động các hộ có nhu cầu chuyển sang nhận hỗ trợ chuyển đổi nghề hoặc hỗ trợ mua sắm nông cụ, máy móc,... (Trong ảnh: Nông dân xã Cao Chương, huyện trà Lĩnh từng bước cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp)

Linh hoạt phương án hỗ trợ

Nếu tính từ Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg thì đến nay, chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đã được triển khai qua 20 năm. Nhiều hộ có nhu cầu bức thiết đã được giải quyết, nhưng tình trạng thiếu (hoặc không có) đất ở, đất sản xuất trong vùng DTTS của tỉnh vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Theo Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng Bế Văn Hùng, tỉnh Cao Bằng mặc dù có diện tích đất tự nhiên lớn, nhưng địa hình chủ yếu đồi núi, có độ dốc lớn, diện tích đất sản xuất rất ít. Ngoài ra, tỉnh không có quỹ đất công, hoặc chưa đủ điều kiện để đồng bào sử dụng đất để phát triển sản xuất, chăn nuôi.

“Tại thời điểm này, triển khai chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất theo Dự án 1 của Chương trình MTQG 1719, mặc dù Nghị định 38/2023/NĐ-CP của Chính phủ đã tháo gỡ về nội dung và cơ chế, nhưng tỉnh cũng chưa thực hiện được chính sách do khả năng cân đối quỹ đất công của tỉnh và mục đích khai hoang, cải tạo nâng cao hệ số sử dụng đất để giao cho dân không có”, ông Hùng chia sẻ.

Thực tế này cho thấy khó khăn của tỉnh Cao Bằng trong thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS, không chỉ trong Chương trình MTQG 1719 mà cả trong các giai đoạn trước. Đơn cử, giai đoạn 2004 – 2009, thực hiện Quyết định 134/2004/QĐ-TTg, tỉnh hỗ trợ được 506 hộ thiếu đất ở, chỉ đạt 10,7% số hộ theo kế hoạch; hỗ trợ 810 hộ thiếu đất sản xuất, chỉ đạt 12,3% số hộ theo kế hoạch...

Từ những thực tế khó khăn đó, thời gian qua, tỉnh Cao Bằng đã linh hoạt trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS. Bên cạnh vận động cộng đồng, anh em, dòng họ tự giúp nhau đất ở, đất sản xuất; khai hoang, cải tạo một số diện tích đất nương rẫy, đất đồi tạo quỹ đất cấp cho bà con thì tỉnh đã tích cực vận động các hộ có nhu cầu chuyển sang nhận hỗ trợ chuyển đổi nghề hoặc hỗ trợ mua sắm nông cụ, máy móc,...

Riêng với Chương trình MTQG 1719, theo Báo cáo số 111/BC-UBND ngày 13/5/2024 của UBND tỉnh Cao Bằng, thực hiện Thông tư 02/2023/TT-UBDT ngày 21/8/2023 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc nội dung hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề đã được các địa phương trên địa bàn tỉnh chuyển sang thực hiện hỗ trợ mua sắm máy móc nông cụ (máy cày, máy tuốt lúa...). Tính đến tháng 5/2024 đã triển khai mua sắm được cho 66 hộ, dự kiến năm 2024 sẽ hỗ trợ cho trên 613 hộ có nhu cầu.

Cùng với các chương trình, chính sách dân tộc khác, việc hỗ trợ đất ở, đất sản xuất (tính cả việc chuyển đổi sang thực hiện chuyển đổi nghề, mua máy móc, nông cụ) đã góp phần nâng thu nhập của đồng bào các dân tộc của tỉnh.

 Hết năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của tỉnh Cao Bằng đạt 41, triệu đồng/người, tăng 5 triệu đồng/người so với năm 2020 (dự kiến cuối năm 2024 nâng lên đạt 46,98 triệu đồng/người); tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2021 – 2023 của tỉnh đều giảm từ 4%/năm trở lên, đạt chỉ tiêu của Chương trình MTQG 1719.

Mặc dù đã đạt được những thành tựu quan trong giảm nghèo, nâng cao thu nhập chó đồng bào DTTS, nhưng hiện Cao Bằng vẫn là địa phương có tỷ lệ nghèo cao; trong đó có nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo do thiếu đất ở, đất sản xuất.

Bài 2: Nhiều khó khăn vì thiếu quỹ đất 

Tin cùng chuyên mục
Mai Châu (Hòa Bình): Chương trình MTQG 1719 thúc đẩy phong trào văn hóa cơ sở vùng đồng bào DTTS

Mai Châu (Hòa Bình): Chương trình MTQG 1719 thúc đẩy phong trào văn hóa cơ sở vùng đồng bào DTTS

Nhằm thúc đẩy phong trào văn hóa cơ sở, những năm qua, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình đã tích cực triển khai thực hiện Dự án 6 về Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719). Nhờ đó, các câu lạc bộ, đội văn nghệ truyền thống được quan tâm hỗ trợ; hệ thống thiết chế văn hóa tại các thôn, xã được đầu tư, xây dựng góp phần thúc đẩy phong trào văn hóa cơ sở, nâng cao đời sống Nhân dân.