Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách nhất; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS khó khăn nhất

Minh Thu (thực hiện) - 17:22, 12/09/2022

Tỉnh Hòa Bình đang quyết tâm, nỗ lực cao nhất để triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (Chương trình MTQG). Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển đã có cuộc trao đổi với bà Đinh Thị Thảo - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình.

Bà Đinh Thị Thảo chủ trì cuộc họp triển khai Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh Hòa Bình
Bà Đinh Thị Thảo chủ trì cuộc họp triển khai Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh Hòa Bình

PV: Thưa bà, hiện nay, công tác triển khai thực hiện Chương trình MTQG đã được tỉnh Hòa Bình tiến hành như thế nào?

Bà Đinh Thị Thảo: Sau khi Nghị quyết số 88/2019/QH14, ngày 18/11/2019 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 và Nghị quyết số 120/2020/QH14, ngày 19/6/2020 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình MTQG và Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình MTQG giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025 được ban hành, Ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình đã tham mưu ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh về lãnh đạo và chuẩn bị tổ chức triển khai thực hiện Chương trình MTQG trên địa bàn.

UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh để chỉ đạo, các ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố phối hợp tiến hành rà soát thực trạng KT-XH vùng DTTS và miền núi tỉnh Hòa Bình với đối tượng và địa bàn cụ thể với 10 dự án thành phần đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021. Đồng thời, đề xuất xây dựng nhu cầu kinh phí và dự kiến nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình KT-XH, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để thực hiện các nội dung đầu tư, hỗ trợ thuộc Chương trình MTQG, gắn với việc phấn đấu hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững trong vùng đồng bào DTTS của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, trọng tâm là các xã vùng đặc biệt khó khăn (ĐBKK) theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Sau khi được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn giai đoạn 2021 - 2025, trên cơ sở Quyết định số 39/2021/QĐ-TTg ngày 30/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ ngân sách Trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025; Nghị định số 27/2022/NQ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ Quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và Nghị quyết số 128/2022/NQ-HĐND tỉnh ngày 4/5/2022 của HĐND tỉnh về Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ ngân sách Trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình MTQG tỉnh Hòa Bình.

Ban Dân tộc đã phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu trình UBND tỉnh và HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết và Quyết định phân bổ đối với kế hoạch vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2021 - 2025 và kế hoạch vốn năm 2022 cho UBND các huyện, thành phố và các sở, ngành của tỉnh để thực hiện Chương trình. Hiện nay, Ban Dân tộc tỉnh đang tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan và UBND các huyện, thành phố tham mưu UBND tỉnh khẩn trương ban hành các văn bản cụ thể hóa để tổ chức triển khai thực hiện Chương trình bảo đảm kế hoạch được giao.

Bà Đinh Thị Thảo chủ trì Hội nghị triển khai Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh Hòa Bình
Bà Đinh Thị Thảo chủ trì Hội nghị triển khai Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh Hòa Bình

PV: Để triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG, tỉnh đề ra những mục tiêu và giải pháp gì, thưa bà?

Bà Đinh Thị Thảo: Để triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG, tỉnh Hòa Bình đặt mục tiêu khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh; đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân của vùng so với bình quân chung của cả nước; đến năm 2025 giảm 50% số xã, thôn ĐBKK so với năm 2020.

Quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, liên vùng, kết nối với các vùng phát triển; phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa; cải thiện rõ rệt đời sống của Nhân dân. Nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người DTTS; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các DTTS đi đôi với xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu.

Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm an ninh trật tự cơ sở; củng cố, tăng cường khối Đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước.

Để đạt được những mục tiêu đó, tỉnh cũng đã đề ra các giải pháp cụ thể là đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách nhất; tập trung đầu tư cho các xã có điều kiện thoát khỏi diện ĐBKK, các xã, thôn, xóm khó khăn nhất; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, DTTS khó khăn nhất để bảo đảm hoàn thành các mục tiêu trong giai đoạn 2021 - 2025.

Bảo đảm công khai, dân chủ, phát huy quyền làm chủ và sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng và người dân; phát huy tinh thần nỗ lực vươn lên của đồng bào DTTS. Phân quyền, phân cấp cho địa phương trong xây dựng, tổ chức triển khai thực hiện phù hợp với điều kiện, đặc điểm, tiềm năng, thế mạnh, bản sắc văn hóa, phong tục tập quán của các dân tộc…

Hài hòa các cơ chế, quy trình áp dụng thống nhất trong các dự án, tiểu dự án của Chương trình; ưu tiên lựa chọn các nội dung đầu tư có định mức cao hơn để tổ chức thực hiện đối với các đối tượng thụ hưởng; bảo đảm nguyên tắc không trùng lắp giữa các hoạt động, nội dung đầu tư của các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình đối với cùng một địa bàn, cùng một đối tượng thụ hưởng.

Tăng cường chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá tiến độ việc thực hiện Chương trình ở các cấp, các ngành. Đa dạng hóa nguồn lực, trong đó ngân sách nhà nước là quan trọng và có ý nghĩa quyết định, ưu tiên vận động các nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) để hỗ trợ tối đa cho vùng đồng bào DTTS; huy động, khuyến khích sự tham gia, đóng góp của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.

Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các DTTS là một trong những mục tiêu chính trong thực hiện Chương trình MTQG của tỉnh Hòa Bình
Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các DTTS là một trong những mục tiêu chính trong thực hiện Chương trình MTQG của tỉnh Hòa Bình

PV: Trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình MTQG, tỉnh gặp khó khăn, vướng mắc gì, thưa bà?

Bà Đinh Thị Thảo: Chương trình MTQG có 10 dự án, 14 tiểu dự án, 36 nội dung đầu tư khác nhau được tích hợp từ nhiều chính sách trước đây. Do đó, cần nhiều văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện. Nhưng hiện nay, còn đang thiếu các văn bản hướng dẫn chi tiết từ các bộ, ngành Trung ương và địa phương để tổ chức triển khai thực hiện Chương trình, gây ảnh hưởng đến công tác lập kế hoạch và chuẩn bị triển khai thực hiện. Trong khi đó, thời gian thực hiện kế hoạch năm 2022 còn rất ít.

Bên cạnh đó, kinh phí sự nghiệp để thực hiện Chương trình MTQG chưa được thông báo số dự kiến cho cả giai đoạn 2021 - 2025. Đối với năm 2022, Bộ Tài chính thông báo chi tiết đến từng dự án và tính chất chi, do đó rất khó khăn cho việc phân bổ kinh phí thực hiện các dự án để thực hiện các mục tiêu của Chương trình. Ngoài ra, công tác phối hợp tổ chức thực hiện nhiệm vụ có những việc còn chậm, nhiều nội dung chỉ đạo lấy ý kiến nhiều lần, mất nhiều thời gian, nhất là trong việc xây dựng Nghị quyết ban hành để thực hiện…

PV: Bà có đề xuất, kiến nghị gì với Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình MTQG để Chương trình sớm đi vào cuộc sống, góp phần phát triển KT-XH ở vùng DTTS tỉnh Hòa Bình?

Bà Đinh Thị Thảo: Để Chương trình MTQG sớm được triển khai cụ thể và đi vào cuộc sống của người dân ở vùng đồng bào DTTS, đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương một số nội dung. Cụ thể: Đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân nguồn vốn kế hoạch năm 2022 của các Chương trình mục tiêu quốc gia đến hết năm 2023.

Các bộ, ngành Trung ương kịp thời ban hành Thông tư, các văn bản hướng dẫn thực hiện mang tính đồng bộ cho cả 3 chương trình mục tiêu quốc gia để gắn với việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đề nghị Ủy ban Dân tộc phối hợp với Bộ Tài chính phân bổ kinh phí sự nghiệp hàng năm chỉ phân bổ tổng số kinh phí thực hiện Chương trình cho các địa phương và giao mục tiêu, nhiệm vụ. Trên cơ sở thực trạng, các địa phương cân đối phân bổ chi tiết cho các dự án thành phần để bảo đảm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình.

Đề nghị Ủy ban Dân tộc hướng dẫn cụ thể quy định về định mức, phương thức thực hiện vốn đầu tư phát triển để thực hiện các nội dung hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất thuộc Dự án 1 của Chương trình. Do hiện nay vốn hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất của Chương trình MTQG quy định sử dụng vốn đầu tư phát triển. Nhưng nội dung hỗ trợ nhà ở của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững quy định sử dụng vốn sự nghiệp.

PV: Xin cảm ơn bà!