Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Giải phóng nguồn lực đất đai cho đồng bào DTTS: Luẩn quẩn với bài toán trồng – chặt (Bài 6)

Tùng Nguyên - 19:56, 10/10/2022

Nuôi con gì, trồng cây gì chính là một mắt xích quan trọng cho sinh kế bền vững của đồng bào các DTTS. Nhưng đây vẫn là bài toán khó giải ở nhiều địa phương có quỹ đất do các công ty nông, lâm nghiệp (NLN) quản lý.

Người trồng cam ở xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An chặt bỏ cây cam để trồng cây khác
Người trồng cam ở xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An chặt bỏ cây cam để trồng cây khác

Quản lý theo… phong trào

Cùng với những tồn tại trong quản lý đất đai thì một số công ty NLN còn yếu kém trong quản lý kế hoạch sản xuất và quản lý sản phẩm. Điều này không chỉ gây thiệt hại cho người nhận đất khoán mà còn ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển dài hạn của địa phương; làm thui chột những sản phẩm có thế mạnh, thậm chí có những thương hiệu nông sản đang đứng trước nguy cơ biến mất.

Thương hiệu “cam Vinh” (Nghệ An) là một ví dụ. Sản phẩm này được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chỉ dẫn địa lý năm 2007, cho 3 giống cam Xã Đoài, Vân Du và Sông Con; được trồng tại 5 huyện ở Nghệ An, trong đó “thủ phủ” của cam Vinh là xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp.

Ở Minh Hợp, giai đoạn 2010 – 2017 được xem là thời điểm “vàng son” của những người trồng cam, khi giá cam dao động từ 40 đến 50 nghìn đồng/kg, thậm chí có thời điểm lên 70 nghìn đồng/kg; mỗi ha cam cho thu nhập 500 - 700 triệu đồng/năm.

Vì thế, ở đây xuất hiện tình trạng nhà nhà đổ xô trồng cam. Trong xu thế chung đó, Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Xuân Thành (tiền thân là Nông trường Xuân Thành, được giao quản lý, sử dụng 1.772 ha trên địa bàn xã Minh Hợp) cũng hợp đồng với các hộ nhận khoán đất để trồng cam.

Thương hiệu cam Vinh có nguy cơ xóa sổ do phát triển “nóng”
Thương hiệu cam Vinh có nguy cơ xóa sổ do phát triển “nóng”

Năm 2011, diện tích trồng cam của đơn vị mới có hơn 500 ha, đến năm 2018 đã lên gần 1.100 ha; với hơn 800 hộ dân tham gia trồng trong tổng số 1.276 hộ được đơn vị giao khoán đất. Số liệu trong Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 của Công ty TNHH MV Nông nghiệp Xuân Thành cũng thể hiện, trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, sản phẩm chủ yếu của đơn vị là cam quả tươi, với sản lượng bình quân đạt 6.500 tấn/năm, năng suất bình quân đạt 16 tấn/ha.

Phát triển “nóng” vượt nhu cầu của thị trường, hơn nữa chất lượng đất bị thoái hóa do chuyên canh cây cam, sử dụng phân bón hóa học và không kiểm soát chất lượng cây giống, giá trị cam Vinh trồng ở Minh Hợp bị giảm dần (vụ cam năm 2020 chỉ có giá 2.500 đồng/kg). Người trồng cam ở xã Minh Hợp bắt đầu chặt bỏ cây cam để trồng cây khác, diện tích trồng cam ở đây giảm từ 1.700 ha (năm 2018) xuống còn khoảng 600 ha. Riêng diện tích do Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Xuân Thành giao khoán giảm còn 433,18 ha (bao gồm cam và quýt).

Theo Nghị định 135/2005/NĐ-CP, việc giao nhận khoán đất từ các nông, lâm trường quốc doanh (NLTQD) căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của bên giao khoán. Tuy nhiên, do thiếu tính toán, thực hiện kế hoạch sử dụng đất theo phong trào trồng cam, nhiều người nhận khoán đất của Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Xuân Thành Thành từ năm 2017 đến nay chịu thiệt hại nặng nề. Bởi theo tính toán, chi phí đầu tư cho một ha cam khoảng 300 triệu đồng, sớm nhất thì năm thứ 3 mới cho thu hoạch vụ đầu tiên. Đồng thời, chu kỳ của cây cam là 15 năm, cho quả chất lượng nhất là năm thứ 9, thứ 10…

Việc quản lý sản xuất thiếu tính sáng tạo, chủ động này còn phá vỡ quy hoạch phát triển kinh tế của địa phương. Theo Đề án phát triển cây ăn quả có múi trên địa bàn huyện Quỳ Hợp, đến năm 2025 toàn huyện sẽ trồng hơn 2.500 ha cam, trở thành cây trồng chủ lực của địa phương. Nhưng tại thời điểm 2019, tổng diện tích trồng cam của huyện đã lên tới 2.780 ha; giá trị cây trồng cũng giảm xuống, chỉ đạt khoảng 400 triệu đồng/ha, giảm 150 – 200 triệu đồng/ha so với vụ cam 2018.

“Quản” không được thì thu hồi

Thực tế, người nhận khoán đất của Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Xuân Thành để rồi phát triển “nóng” diện tích cam là một sự thất bại cần phải lưu ý trong việc đổi mới hoạt động công ty theo tinh thần Nghị quyết 30-NQ/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị khóa XI. Từ việc ồ ạt trồng cam để rồi phải chặt bỏ cho thấy, đơn vị này vẫn quản lý sản xuất theo tư duy “hành chính hóa”, “mệnh lệnh hóa”, không phù hợp với hình thức giao khoán đất sản xuất.

Trồng mía chi phí thấp hơn trồng chè, nhưng do Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Xuân Thành có kế hoạch trồng chè nên một số hộ nhận khoán đất đã bị xử phạt khi quyết định “trái lệnh”.
Trồng mía chi phí thấp hơn trồng chè, nhưng do Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Xuân Thành có kế hoạch trồng chè nên một số hộ nhận khoán đất đã bị xử phạt khi quyết định “trái lệnh”.

Không riêng Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Xuân Thành mà tình trạng quản lý sản xuất trong giao khoán bằng “mệnh lệnh” diễn ra phổ biến ở các công ty NLN. Bởi đây là quy định pháp luật về quản lý, sử dụng đất của Trung ương được ban hành tại các nghị định của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ các NLTQD; còn các công ty NLN thì “thân bất do kỷ”.

Cách đây 7 năm, trong Báo cáo số 985/BC – UBTVQH13 ngày 16/10/2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đã nhận định: Khoán là một hình thức tổ chức lao động, là một biện pháp của quản lý. NLT áp dụng hình thức khoán nào là tùy thuộc vào tính chất công việc, tùy thuộc vào quy trình cây con, tùy thuộc vào năng lực tổ chức quản lý của NLT, tùy thuộc vào yêu cầu cung cấp sản phẩm cho xã hội…

“Nhưng Chính phủ lại hành chính hóa, mệnh lệnh hóa công tác tổ chức lao động, công tác quản lý thông qua quy định của Nghị định giao khoán đất đã hạn chế vai trò chủ động, sáng tạo của giám đốc NLT và không phù hợp với quyền kinh doanh của công ty Nhà nước được quy định trong Luật Doanh nghiệp nhà nước là chủ động tổ chức sản xuất, kinh doanh, tổ chức bộ máy quản lý theo yêu cầu kinh doanh và bảo đảm kinh doanh có hiệu quả”, Báo cáo số 985/BC – UBTVQH13 đánh giá.

Quản lý sản xuất theo quy trình hành chính hóa được xem là một trong những nguyên nhân khiến nhiều công ty NLN thua lỗ, dù đã thực hiện sắp xếp, đổi mới mô hình hoạt động. Tại thời điểm năm 2015, sau khi sắp xếp lại theo Nghị quyết 28-NQ/TW ngày 16/6/2003 của Bộ Chính trị khóa IX, cả nước còn 256 công ty NLN, trong đó có 151 công ty LN; tuy nhiên, số công ty LN thu lỗ chiếm tỷ lệ lên tới 22,2%, bình quân tiền lỗ 01 công ty LN 766,6 triệu đồng.

Trong Báo cáo số 985/BC – UBTVQH13 ngày 16/10/2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đã nhận định, NLT áp dụng hình thức khoán nào là tùy thuộc vào tính chất công việc, tùy thuộc vào quy trình cây con, tùy thuộc vào năng lực tổ chức quản lý của NLT, tùy thuộc vào yêu cầu cung cấp sản phẩm cho xã hội… 9Trong ảnh: nông trường Đồng Giao, Tam Điệp, Ninh Bình lựa chọn dứa là cây trồng chủ lực)
Trong Báo cáo số 985/BC – UBTVQH13 ngày 16/10/2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đã nhận định, NLT áp dụng hình thức khoán nào là tùy thuộc vào tính chất công việc, tùy thuộc vào quy trình cây con, tùy thuộc vào năng lực tổ chức quản lý của NLT, tùy thuộc vào yêu cầu cung cấp sản phẩm cho xã hội… (Trong ảnh: nông trường Đồng Giao, Tam Điệp, Ninh Bình lựa chọn dứa là cây trồng chủ lực)

“Hành chính hóa” công tác quản lý sản xuất cũng khiến người nhận khoán lâm vào tình trạng “nóng tay phải bắt lỗ tai”; vô tình vi phạm quy định của pháp luật về giao khoán đất. Hệ quả là, người nhận khoán sẽ bị thu hồi đất được giao khoán.

Năm 2011, gia đình ông Trần Văn Nga, ở xóm Thọ Thành, xã Minh Hợp (Quỳ Hợp, Nghệ An) nhận khoán 3.966m2 của Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Xuân Thành. Theo Hợp đồng giao khoán số 4211/HĐ-GK ngày 15/6/2011 thì ông Nga phải trồng cam theo quy hoạch sản xuất của công ty, theo chu kỳ 15 năm. Nhưng từ năm 2020, cam giảm giá trị nên Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Xuân Thành chuyển đổi sang trồng chè trên nhiều lô đất trồng cam đã giao khoán cho các hộ dân, trong đó có gia đình ông Nga.

Nhưng do chi phí trồng chè quá cao (khoảng 80 - 100 triệu đồng/ha), kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn do mấy năm trồng cam không có lợi nhuận, đầu năm 2022, gia đình ông Nga quyết định trồng mía (chi phí chỉ 20 – 30 triệu đồng/ha) trên diện tích đất nhận khoán. Do gia đình ông Nga vi phạm quy hoạch sử dụng đất năm 2022, ngày 18/2/2022, Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Xuân Thành đã có Quyết định số 06/QĐ-CTCT, thu hồi diện tích đất đã giao khoán.

Việc thu hồi đất giao khoán của Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Xuân Thành là không sai, đã được quy định trong Nghị định 135/2005/NQ-CP ngày 8/11/2005 của Chính phủ. Nhưng điều cần xem xét ở đây là quy hoạch, kế hoạch sản xuất của đơn vị có phù hợp diễn biến thị trường, với nguyện vọng chung của người nhận khoán không? Hay công ty với vị thế là “chủ đất” buộc các hộ nhận khoán phải tuân thủ, “làm theo” quy hoạch, với quy trình quản lý sản xuất bằng “mệnh lệnh hóa”?.

Những vấn đề này cần được xem xét, nghiên cứu trên diện rộng để có những điều chỉnh về giao khoán đất có nguồn gốc từ các NLTQD phù hợp với quy định của các bộ luật khác, nhất là Luật Đất đai, Luật Doanh nghiệp, Luật Bảo vệ phát triển rừng,… Bởi thực tế, do quản lý sản xuất bằng tư duy “hành chính hóa” kéo dài ở các công ty NLN khiến việc tiếp nhận quỹ đất bàn giao về các địa phương hiện nay rất vướng.

Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dung này trong số báo tiếp theo.

Trong Báo cáo số 985/BC – UBTVQH13, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII yêu cầu các công ty NLN chủ động phối hợp với các cấp chính quyền địa phương trong việc xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; rà soát, đánh giá nhu cầu, phương án sử dụng đất nông, lâm nghiệp phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Với các địa phương có công ty NLT thì phải xây dựng phương án tăng cường quản lý đất đai đối với toàn bộ diện tích đất NLT trên địa bàn.