Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Giải mã cho cổ vật

PV - 10:08, 26/06/2019

Hoảng hốt khi chứng kiến sự trôi chảy của thời gian đã biến nhiều thứ thành phế tích, anh Trần Văn Sơn (Lộc Thọ, Nha Trang, Khánh Hòa) cùng nhiều cộng sự khác của mình băng rừng, lội suối săn tìm hàng ngàn cổ vật quý. Cùng với bảo quản là hành trình khổ luyện nghiên cứu, tìm đọc hàng vạn trang tư liệu, sách, báo liên quan để say xưa kể miễn phí cho khách thập phương suốt ngày này sang tháng nọ về các cổ vật quý mà không biết chán.

Anh Trần Văn Sơn say xưa giới thiệu về các cổ vật. Anh Trần Văn Sơn say xưa giới thiệu về các cổ vật.

Mỗi sản phẩm là một câu chuyện

Trở về từ hành trình tận Quảng Bình, Quảng Nam… nhưng anh Trần Văn Sơn không dám ngả lưng xuống giường. Lật đật bê chậu nước lạnh đặt bên bàn làm việc của mình, anh bảo: Lúc nào mắt có hiện tượng ríu lại thì nhúng mặt vào nước cho tỉnh. Cả ba lô tài liệu ghi chép, hàng chục cuốn báo, sách nói về văn hóa cổ, không lọc ra và phân tích, đối chiếu với các cổ vật quý thì có ngủ cũng không ngon giấc vì người cứ nôn nao.

Chuyến đi dài ngày lần này đã bổ sung vào kho cổ vật với hàng trăm món của Sơn thêm hàng chục loại đồ quý được cha ông ta chế tác cách đây nhiều thế kỷ. Gõ vào bộ lư và giàn loa đều bằng đồng, có từ 260 năm trước, anh Sơn thuyết minh vanh vách: Đây là sản phẩm được những nghệ nhân tinh hoa ở Quảng Nam sản xuất. Nó chuyển qua tay nhiều người, khi nghe tin tôi đến mua lại ngay. Trên các sản phẩm đều hằn in những nét chạm, những đường hoa văn rất sắc sảo. Có những điểm lõm trên sản phẩm lại có tiếng kêu khác, rất lạ. Nghiên cứu các tài liệu cho thấy, tất cả điều ấy biểu đạt cho trí thông minh, tinh thần sáng tạo của các nghệ nhân xưa. Giờ đây, khó ai chạm khắc được như thế. Ngay cả những chiếc cồng chiêng từ xưa của các buôn làng Tây Nguyên cũng rất độc đáo.

Cũng bằng chất liệu đồng, tách trà chế tác khoảng 300 năm trước ở Thừa Thiên-Huế, có các dãy hoa văn uốn lượn nối tiếp nhau kèm nhiều ký hiệu, sau nhiều nghiền ngẫm, theo anh Sơn nhận định, họa tiết ấy là lời nhắn nhủ con người phải luôn hướng về nguồn cội, tìm đến đạo nghĩa. Khách nào có nhu cầu phân tích sâu về ý nghĩa sản phẩm, Trần Văn Sơn sẵn sàng đọc cho chép lại.

Cũng như anh Sơn, đi nhiều nơi, trải nhiều thú chơi khác nhau như; chơi cây cảnh, đá phong thủy, chim cảnh… cuối cùng anh Nguyễn Chung (Cam Đức, Cam Lâm, Khánh Hòa) chọn cách dốc hết công sức nghiên cứu, sưu tầm cổ vật. Theo anh, hiểu được cổ vật sẽ thấy thích thú hơn với cuộc sống. Gìn giữ các sản phẩm còn là giữ nét đẹp văn hóa cho các thế hệ sau. Có những đêm khuya, niềm vui vỡ òa đến không ngủ được khi đối chiếu các tư liệu và soạn ra bài diễn giải về chiếc xà gạc của các dân tộc ở Tây Nguyên xa xưa. Có lẽ vì điều kiện thiên nhiên khi đó tiềm ẩn nhiều hiểm nguy nên mỗi chiếc xà gạc có hàng chục tác dụng. Đem hỏi nhiều già làng trên ấy họ cũng khâm phục tài nghệ xưa kia của tổ tiên. Chuôi chiếc xà gạc còn có hoa văn biểu thị cho những lời nhắn nhủ là, ai dùng xà gạc thì phải có tinh thần sẻ chia hạt thóc, củ khoai, cây măng, con chim, con thú… khi đi kiếm được. Ngay những chiếc xiên cá suối của người đồng bào ở Kon Tum cách đây vài trăm năm cũng có nhiều ký tự mà khi lý giải ra được thì rất thú vị. Tất cả điều ấy chứng tỏ rõ, tinh thần vì cộng đồng, đùm bọc nhau từ thuở sơ khai đã biểu hiện khá sâu sắc.

Hay những sản phẩm như: Chiếc cân á phiện bằng đồng hay hộp đựng thuốc đều được các nghệ nhân chạm vào đó những hình thù rất thâm thúy. Lật chiếc cân, anh Nguyễn Chung lý giải: Dưới đáy có hình sóng mờ, thoạt nhìn ngỡ đám mây nhưng đó là con người trong trạng thái đảo điên, không làm chủ được mình do thuốc phiện gây nên. Ngay trên cần cân cũng có những đường khúc khủy đứt quảng đó là những ống xương do tác hại của thuốc phiện gây ra. Từ thời đó mà những nghệ nhân đã biết gửi cả những thông điệp róng riết vào sản phẩm của mình rồi…

Phiên chợ đồ xưa mỗi cuối tuần ở bảo tàng Khánh Hòa luôn thu hút đông người đến thưởng thức. Phiên chợ đồ xưa mỗi cuối tuần ở bảo tàng Khánh Hòa luôn thu hút đông người đến thưởng thức.

Nâng cao đời sống tinh thần

Kết thúc mấy tiếng phân tích cổ vật cho khách trong và ngoài nước nghe, anh Trần Văn Sơn kéo tay áo lên, hồ hởi: Sướng lắm. Có hôm nhiều khách Tây cũng đắm chìm trong những câu chuyện kể về lòng dũng cảm, trí thông minh của người Việt Nam xưa thông qua các cổ vật. Lại có ngày đang ốm vật vã nhưng khi nghe tin ở tận Bình Thuận có cổ vật là bật dậy lên đường mua về ngay rồi lôi cả thùng báo, sách ra đối chiếu, tìm hiểu. Sau đó còn đến các bậc cao niên am hiểu về sản phẩm để hỏi thêm. Học được càng nhiều càng thấy đời sống thật phong phú. Khi đã thông tỏ về từng đường nét trên cổ vật rồi niềm vui tinh thần như xóa hết mỏi mệt, khỏe lên ngay.

Có những cổ vật, phải mất hàng chục ngày những người nhiều kinh nghiệm như anh Sơn mới lý giải xong các thông điệp người xưa muốn nhắn nhủ lại. Xoay chiếc tượng Phật bằng ngọc có từ khoảng 300 năm trước, anh Sơn chia sẻ: Cái này biểu thị cho tài hoa đỉnh cao của nghệ nhân điêu khắc xưa. Tôi đã gặp nhiều điêu khắc nhưng họ đều khẳng định khó mà làm được như thế. Một bức tượng nhưng chêm vào nhiều loại ngọc khác nhau để trong bóng tối thì tỏa ra một màu khác-màu của sự tĩnh lặng, ban ngày thì màu khác-màu sáng dịu. Càng tìm hiểu càng thấy “nghiện”.

Bên cạnh sản phẩm mấy trăm năm tuổi, các vật dụng xưa như: Xe đạp Phượng Hoàng, bình tong bộ đội ta thời chống Pháp, Mỹ, các dụng cụ phẫu thuật trong chiến trường cũng được những người mê đồ cổ sưu tầm, bảo quản cẩn thận và thường xuyên mang đi trưng bày, thuyết minh cho khách nghe.

Theo anh Sơn thì; Trước đây, giới cổ vật chủ yếu trưng bày ở nhà nhưng nhiều tháng nay mang đến trước thư viện tỉnh Khánh Hòa để giới thiệu. Những vật đơn giản có thể bán, các sản phẩm chứa ẩn nét đặc sắc của văn hóa-lịch sử thì nhất định phải giữ lại cho các thế hệ sau. Thực tế, có nhiều bạn trẻ hiện nay đã vỡ òa xúc động khi nghe chúng tôi kể tỉ mỉ về các dụng cụ của bộ đội. Có bạn lần đầu tiên thấu hiểu về chiếc xe đạp Phượng Hoàng. Kể cả những chiếc đài radio của hậu phương dùng để nghe tin chiến trường cũng được nhiều cháu thiếu niên ở đô thị chăm chú xem và lắng nghe phân tích về sản phẩm ấy.

Để ngày càng có nhiều người được chiêm ngưỡng, lắng nghe, tìm hiểu những câu chuyện thú vị về các cổ vật, Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa đã thành lập Câu lạc bộ cổ vật Nha Trang. Cứ mỗi dịp cuối tuần, tại khuôn viên bảo tàng lại diễn ra phiên chợ đồ xưa do những người người mê sưu tầm và đang sở hữu nhiều cổ vật trưng bày.

Hiểu thêm nhiều nét đẹp văn hóa, lịch sử thông qua những người thuyết minh cổ vật, em Nguyễn Hữu Túc và nhiều học sinh trung học phổ thông khác ở TP. Nha Trang bộc bạch: Đến với chợ đồ xưa, đến với những người mê cổ vật, các em được học thêm nhiều kiến thức bổ ích, sống động và giá trị.

HÀ VĂN ĐẠO

Tin cùng chuyên mục
Đăk Hà (Kon Tum): Đánh giá kết quả triển khai thực hiện Dự án 8

Đăk Hà (Kon Tum): Đánh giá kết quả triển khai thực hiện Dự án 8

Ngày 30/12, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Đăk Hà (Kon Tum) tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả triển khai thực hiện Dự án 8 năm 2024, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719).