Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Giã từ tra phỏ

Phạm Việt Thắng - 12:00, 24/05/2021

Chủ tịch UBND xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), ông Lầu Bá Chày, nói: Hồi trước ở xã ta nhiều tra phỏ (súng săn) lắm. Nhiều tra phỏ là do có nhiều lò chế tạo súng của đồng bào Mông ta, đâu gần 10 lò. Nhưng nay thì ổn rồi, không ai làm súng săn nữa; họ bỏ hết, các lò rèn nay chỉ sản xuất dao, cuốc… phục vụ sản xuất thôi.

Ông Lầu Pà Chù cho biết sẽ sớm đỏ lửa để sửa chữa dụng cụ cho bà con
Ông Lầu Pà Chù cho biết sẽ sớm đỏ lửa để sửa chữa dụng cụ cho bà con

Súng săn – thời xa vắng

Chúng tôi tìm đến nhà ông Hờ Chắn Giờ ở bản Tiền Tiêu, xã Nậm Cắn để xác tín lời Chủ tịch UBND xã Nậm Cắn. Thật trùng khớp và may mắn, đúng lúc ông Giờ nổi lửa lò rèn. Tiếng thụt lò phì phò xen lẫn với tiếng nổ lách tách của than củi làm cho câu chuyện của chúng tôi sôi nổi và cởi mở hơn. 

Ông Giờ không ngần ngại kể về cái thời sôi nổi làm tra phỏ, mà theo ông là rất nguy hiểm. Ông kể, ông học nghề làm súng từ bố. Làm súng, khâu khó nhất là làm cò, tuy cái lẫy nho nhỏ thế nhưng rất tốn công mà không phải thợ làm súng nào cũng có thể chế tạo được. 

Theo ông Giờ, phải tìm cho được một loại đá đặc biệt, dễ đánh lửa để tôi miếng thép từ nhíp xe ô tô theo đúng trình tự kỹ thuật thì mới ra được lẫy cò. Còn nòng súng thì được làm từ vô - lăng xe ô tô uốn thẳng. Dùng thép từ nhíp xe để làm mũi khoan thì mới “trị” được loại vô – lăng này. 

Giờ chỉ rèn dụng cụ lao động thôi, còn cái tra phỏ thì bỏ lâu rồi, không làm nữa. Làm tra phỏ nguy hiểm lắm, đi săn là tận diệt thú rừng, huỷ hoại môi trường, thậm chí còn có trường hợp bắn chết người đó...

Ông Hờ Chắn GiờThợ rèn ở bản Tiền Tiêu, xã Nậm Cắn

“Phải hai, ba người thật khoẻ, giỏi nghề, khoan miết, khoan miết, 2 đến 3 ngày mới xong nòng súng”, ông Giờ hổn hển y như đang khoan nòng súng vậy.

Giọng ông Giờ chậm rãi đến nóng cả ruột. Ồ, đạn à? Cũng to công lắm, không đơn giản tí nào đâu. Phải vào hang sâu, nơi có nhiều phân dơi để lấy đất đó, gọi là so. 

Đem trộn với tro bếp theo tỷ lệ 1-2, cứ một yến phân dơi thì 2 yến tro bếp. Sau đó rang lên cho thật khô, khô như muối ở dưới biển đó. Rồi lại phải vào rừng tìm cây tồng xắp phẹ, đốt lấy than, giã nhỏ trộn với hỗn hợp trên. 

“Chưa xong đâu, đừng sốt ruột” – ông Giờ trấn an tôi. Ba loại trên lại được rang thêm lần nữa. Chừng nào thật khô thì bỏ vào cối giã. Phải ba người thật khoẻ, giã cho đến khi mặt trời lặn mới thôi. “Thuốc súng đấy, tra vào súng là bắn”, ông Giờ rành rẽ.

Ở bản Trường Sơn, lò rèn ông Lầu Pà Chù hôm nay không đỏ lửa. Ông Chù cũng dè dặt hơn khi tiếp chuyện chúng tôi. 

Ông nói, ông không giỏi như ông Giờ nên không làm được cò súng, chỉ gia công một số công đoạn thôi. Vả lại súng ông Giờ bắn chính xác nên mọi người thích hơn. 

"Ví như, ông Giờ khoan nòng súng chỉ mất có 2 ngày, còn tôi phải từ 3 đến 4 ngày mới thủng. Trước lò làm súng săn nhiều lắm, nhiều đến mức thú rừng không còn nữa. Nay thì bỏ cả rồi”, ông Chù nói.

Ông Hờ Chắn Giờ cho biết, đã bỏ nghề làm súng săn, nay chỉ rèn dụng cụ sản xuất thôi.
Ông Hờ Chắn Giờ cho biết, đã bỏ nghề làm súng săn, nay chỉ rèn dụng cụ sản xuất thôi.

Chuyển nghề

Dúi thanh sắt đỏ rực có hình như vầng trăng mồng Bốn vào chậu nước mà người xuôi gọi là tôi, ông Giờ cho biết tiếng Mông là tra lìa. Nó giống như lưỡi liềm nhưng lại không có chấu, bà con dùng để cắt cỏ. 

“Nay bà con trồng cỏ voi nhiều, cái này dùng để cắt cỏ nuôi bò đó”, ông Giờ giai thích. 

Cũng lời ông Giờ, từ lâu rồi ông bỏ nghề làm súng săn, chuyển sang rèn dụng cụ sản xuất. Hàng ông làm ra bán chạy lắm, làm bao nhiêu hết bấy nhiêu. 

Đoạn ông mang một loạt tra lìa khoe với tôi: "Anh nhà báo thử xem, sắc ngọt luôn". Tôi tỏ ra hiểu nghề, miết nhanh ngón tay cái vào tra lìa, sắc thật.

Tôi hỏi về lí do bỏ nghề làm súng săn, ông cười: Từ ngày có chủ trương của Nhà nước thì ông phải thực hiện. Đi săn bắn là tận diệt thú rừng, là vi phạm pháp luật. Nếu không có súng thì lấy gì mà săn, thế là bỏ nghề làm súng. 

Vả lại, nghe người ta kể chuyện hai người bạn cùng đi săn, người này thấy động phía trước, tưởng là thú rừng, giơ súng, bóp cò, người bạn chết, sợ quá. Biết đâu trong số súng đó có súng do mình làm ra. Từ đó bỏ hẳn nghề này.

- Thế bác Giờ có nhớ nghề không, tôi hỏi?

- Ồ, không đâu. Nhà ta bây giờ không hề còn bất kỳ thứ gì liên quan đến súng săn nữa cả, vứt hết rồi. Mà ở xã Nậm Cắn này cũng không còn ai làm súng nữa, họ chuyển nghề cả rồi, lò nào cũng chỉ rèn dụng cụ sản xuất thôi.

Tra lìa của ông Giờ sắc ngọt, làm đến đâu hết đến đó
Tra lìa của ông Giờ sắc ngọt, làm đến đâu hết đến đó

Giống như ông Giờ, ông Lầu Pà Chù cũng bỏ nghề làm súng săn đã lâu. Ngoài những lí do trên, ông Chù còn cho biết, có làm súng săn thì cũng chỉ bán cho người dưới xuôi mua về làm kỷ niệm, mà số này thì ít lắm, năm thì mười hoạ mới có người hỏi mua. Còn ở trên này thì không có người mua, vì thú rừng đã ít đi rồi, cộng với thực hiện chủ trương của nhà nước nên không mấy ai đi săn nữa. 

Nhà ông Chù không nhiều hàng, vì theo ông là sức đã yếu. Lò rèn của ông chủ yếu là sửa chữa dụng cụ cho bà con, nhưng lâu nay cũng không đỏ lửa vì bận trông cháu. 

Tôi ngạc nhiên khi lò rèn của ông được “vây” bằng lưới B40. Ông Chù giải thích trong niềm tiếc nhớ: “Sợ các cháu nghịch ngộ, nguy hiểm đến tính mạng nên tôi phải quây lưới lại. Nay mai lại phải đỏ lửa thôi, mấy chục năm làm nghề rồi, giờ mà bỏ đi thì tiếc lắm”.

- Bác Chù có định truyền nghề cho các cháu không?

- Có chứ, đứa nào muốn là tôi dạy lại cho chúng nó. Nghề này không làm giàu được nhưng có việc làm thường xuyên, không đói đâu.

Trở lại với Chủ tịch xã Lầu Bá Chày, ông nói: Cứ nhìn số súng săn thu được năm sau ít hơn năm trước là biết ngay các lò súng săn đã ít đi, người bỏ nghề làm súng nhiều lên. Mà cũng rải rác ở đâu đó trong huyện thôi, chứ xã Nậm Cắn thì tuyệt đối không còn ai làm súng săn nữa cả. 

“Có chủ trương đúng đắn của nhà nước là bà con mình thực hiện ngay ấy mà”, Chủ tịch Chày cười rõ tươi!