Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Gia Lai: Hiệu quả từ Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ vùng DTTS

Thuỳ Dung - 09:04, 30/10/2022

Trong những năm qua, được sự hỗ trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ, 14 dự án thuộc Chương trình “Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nông thôn, miền núi, vùng DTTS giai đoạn 2016-2025”(gọi tắt là Chương trình Nông thôn Miền núi) đã được triển khai thực hiện tại tỉnh Gia Lai. Các dự án đã bước đầu mang lại hiệu quả, giúp người dân thay đổi tư duy sản xuất hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững.

Mô hình trồng bắp mỹ ở xã Ayun (huyện Chư Sê, Gia Lai) bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân
Mô hình trồng bắp mỹ ở xã Ayun (huyện Chư Sê, Gia Lai) bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân

Hiện nay, tỉnh Gia Lai đã và đang triển khai 14 dự án thuộc Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2016-2025, với tổng kinh phí trên 99 tỷ đồng.

Trước đây, gia đình anh Rơmah Hyoech ở xã Ia Kly (huyện Chư Prông) chỉ biết chăm sóc cây cà phê theo kĩ thuật truyền thống nên năng suất không cao. Khi tham gia vào dự án “xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ phát triển cà phê” thuộc chương trình Nông thôn Miền núi từ năm 2019, anh được hướng dẫn các kỹ thuật chăm sóc cây cà phê. Nhờ vậy, anh Hyoech biết cách chọn phân bón, cách bón, cắt cành, tưới nước tiết kiệm cho 2 ha cà phê của gia đình. Sau nhiều năm chăm sóc khoa học, vườn cà phê của gia đình cho thu nhập bình quân trên dưới 5 tấn cà phê nhân/năm, lợi nhuận khoảng 70 triệu đồng.

Anh Hyoech cho biết: Mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ phát triển cà phê đã hỗ trợ cho tôi về cách làm hệ thống ống nhỏ giọt tiết kiệm nước, chọn giống cà phê và phân bón. Nhờ vậy, tôi đã tiết kiệm được rất nhiều công chăm sóc, phân bón. Vườn cà phê sinh trưởng, phát triển tốt từ khi áp dụng mô hình này.

Còn hộ gia đình chị Đinh H’man, xã Ayun (huyện Chư Sê) là hộ được chính quyền địa phương hỗ trợ chuyển đổi từ cây trồng kém hiệu quả sang trồng bắp (ngô) mỹ. Từ khi được chọn tham gia mô hình trồng bắp, gia đình chị Đinh H’man đã được hỗ trợ giống mới kết hợp với quy trình canh tác tiên tiến từ khi xuống giống cho đến khi thu hoạch. “Trước đây thì mình trồng mì (sắn) nhưng kém hiệu quả, sản lượng không cao vì khu vực đất trồng mì gần chỗ có nước vì vậy mì thường xuyên chết. Khi được xã kêu gọi tham gia chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng bắp mỹ mình cũng trồng thử vì được hỗ trợ phân, hướng dẫn kỹ thuật trồng. Nhờ vậy vụ bắp vừa qua thu hoạch sản lượng cũng tương đối cao.

Mô hình trồng cà phê áp dụng công nghệ ở huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai
Mô hình trồng cà phê áp dụng công nghệ ở huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai

Chương trình Nông thôn Miền núi bước đầu đã tạo ra những chuyển biến tích cực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của những vùng còn khó khăn, đặc biệt là vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào DTTS tại Gia Lai. Theo ông Nguyễn Văn Hợp, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chư Sê cho biết: “Các mô hình ứng dụng và các hoạt động chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ trong lĩnh vực nông-lâm nghiệp dần tạo ra sự thay đổi nhận thức của người dân trong canh tác, góp phần ổn định dân sinh và kinh tế-xã hội vùng dự án”.

“Các tiến bộ khoa học được người dân tiếp nhận, tiếp thu, đã thay đổi được căn bản kỹ thuật canh tác từ lạc hậu không áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật, biết trồng thâm canh cây ngô, trồng cỏ nuôi bò và phát triển các loại cây dược liệu”, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Chư Sê cho biết thêm.

Thời gian qua, các dự án đã xây dựng được 38 mô hình phát triển kinh tế tại các địa phương; hỗ trợ chuyển giao 79 quy trình công nghệ về khoa học kỹ thuật ứng dụng trong sản xuất góp phần phát triển kinh tế, xã hội vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đào tạo được 145 kỹ thuật viên cơ sở có khả năng áp dụng, hướng dẫn các quy trình kỹ thuật mới; tập huấn cho trên 2.500 người dân trong vùng dự án về kỹ thuật trồng, chăm sóc các loại cây trồng, vật nuôi...

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Gia Lai cho biết: Thông qua chương trình này, người dân sau khi triển khai các mô hình áp dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật đều mang lại hiệu quả cao hơn so với tập tục canh tác trước đây, được người dân đồng thuận, ủng hộ và tiếp tục duy trì để phát triển. Qua đó người đồng bào DTTS sẽ đảm bảo được nguồn thu nhập tăng thêm và ổn định được kinh tế”.

Có thể thấy Các mô hình thuộc dự án nông thôn miền núi tại Gia Lai đã bước đầu phát huy hiệu quả, thực sự làm thay đổi nhận thức, cách làm của người nông dân, đặc biệt là ở vùng DTTS. Chương trình đã giúp các tiến bộ kỹ thuật được áp dụng thêm rộng rãi, phát huy được tiềm năng, thế mạnh của Gia Lai ở lĩnh vực nông nghiệp. Từ đó, góp phần cải thiện đời sống nhân dân, tạo đà cho việc ứng dụng nhanh các thành tựu khoa học-công nghệ vào sản xuất, thúc đẩy đời sống kinh tế-xã hội tại địa phương.

Tin cùng chuyên mục
Sóc Trăng: Người có uy tín góp sức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới

Sóc Trăng: Người có uy tín góp sức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới

Những năm qua, Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn khu vực biên giới biển của tỉnh Sóc Trăng luôn phát huy vai trò của mình trong các hoạt động tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới. Đồng thời, họ còn là những “cột mốc sống” mẫu mực chung tay xây dựng, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.