Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Gặp những cô dâu người Lào đón Tết ở quê chồng

Nghĩa Hiệp - 10:06, 03/02/2020

Đối với những cô gái Lào lấy chồng Việt Nam, việc hòa nhập với gia đình nhà chồng không chỉ gắn kết gia đình mà còn làm bền chặt thêm mối nhân duyên đời đời bền vững giữa hai nước Việt Nam - Lào. Và khi Tết đến Xuân về, mối nhân duyên “trong riêng có chung, trong chung có riêng” của những cô dâu người Lào trên đất Việt càng đong đầy ý nghĩa.

Năm thứ hai chị Nang Luong được ăn Tết tại Việt Nam
Năm thứ hai chị Nang Luong được ăn Tết tại Việt Nam

Nang Hặc (tên Việt Nam là Thùng Thị Hặc), sinh năm 1996, quê ở bản Huoi Hoe, xã Huoi Cop, tỉnh Phongxali (Lào). Năm 2015, Nang Hặc gặp và phải lòng rồi làm vợ anh Lò Văn Tại, sinh năm 1998, sống tại bản Phiêng Ngúa, xã Nậm Chua, huyện Nậm Pồ (Điện Biên).

Làm vợ anh Tại được 4 năm, tính đến Tết Canh Tý này, Nang Hặc đón 3 cái Tết ở quê chồng. Năm đầu tiên, theo phong tục của Lào, anh Tại ở rể, đón Tết trên quê vợ.

Nang Hặc cho biết, ở quê chị, thời gian ăn Tết cũng giống như ở Việt Nam; ngày Tết được chuẩn bị từ ngày 30/12 Âm lịch và ăn Tết chính từ ngày 1 - 10/1 âm, chỉ khác ở phong tục và lễ nghi. 

“Ở quê tôi, Tết đến cả làng mổ lợn, gà để cúng ma bản, ma nước, ma đồi vào ngày 30/12 cuối năm và ngày 1/1 đầu năm, sau đó cả làng cùng nhau uống rượu mừng và nhảy Lăm vông. Năm đầu tiên về đón Tết ở Việt Nam, mọi điều với tôi còn rất bỡ ngỡ, nhưng bố mẹ chồng và anh chị chồng đã dạy tôi về văn hóa đón Tết của Việt Nam”, Nang Hặc chia sẻ.

Sự “bắt nhịp” của nàng dâu Lào khiến gia đình nhà chồng Nang Hặc rất hài lòng. Ông Lò Văn Khiêm, bố chồng Nang Hặc, phấn khởi nói: “Gia đình chúng tôi là dân tộc Thái, nên ngoài những lễ nghi thông thường còn có những nghi lễ của dân tộc mình nữa. Về chung sống với gia đình, Nang Hặc ngoan và chịu khó học về văn hóa người Việt Nam lắm”.

Chị Nang Hặc hạnh phúc bên chồng và hai con của mình trong ngày đầu năm mới
Chị Nang Hặc hạnh phúc bên chồng và hai con của mình trong ngày đầu năm mới

Cũng như Nang Hặc, chị Nang Luong, sinh năm 1982, ở bản Nà Khoa, cụm Hom Muc, xã Muong May, tỉnh Phongsaly (Lào) đã lấy chồng người Việt Nam được 12 năm. Năm 2007, chị Luong kết hôn với anh Lèng Văn Nam, dân tộc Thái, ở bản Nà Hỳ 2, xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ. Nhưng khác với Nang Hặc, Tết Canh Tý này mới là cái Tết thứ hai Nang Luong sum vầy cùng gia đình nhà chồng ở Việt Nam. Những năm trước, gia đình chị đều đón Tết bên Lào.

Mới về Việt Nam sinh sống chưa lâu nên gia đình chị Nang Luong rất khó khăn, đang là hộ nghèo của bản Na Hỳ 2. Bởi thế, gia đình chị nhận được sự quan tâm động viên rất lớn của người thân, của chính quyền địa phương cả về vật chất lẫn tinh thần.

“Gia đình chúng tôi có nhiều khó khăn nhưng lại được anh em bên chồng giúp đỡ, chính quyền địa phương quan tâm, động viên và tặng quà ăn Tết. Tôi cảm thấy hạnh phúc khi có được cái Tết đầu tiên và nhiều ý nghĩa tại Việt Nam”, Nang Luong chia sẻ. 

Các hoạt động trong dịp tết góp phần gắn kết tình cảm nhân dân các dân tộc trên địa bàn
Các hoạt động trong dịp tết góp phần gắn kết tình cảm nhân dân các dân tộc trên địa bàn

Đón Tết Canh Tý 2020, một niềm vui lớn đối với Nang Luong cũng như nhiều cô dâu Lào lấy chồng trên địa bàn huyện Nậm Pồ. Thực hiện chủ trương của Nhà nước, Sở Tư pháp tỉnh Điện Biên cùng UBND huyện Nậm Pồ đã hướng dẫn thủ tục để Nang Luong cùng 4 phụ nữ Lào lấy chồng Việt Nam trên địa bàn huyện được nhập quốc tịch Việt Nam. Tháng 9/2019, niềm vui đến với họ trọn vẹn khi chính thức được nhập quốc tịch, trở thành công dân Việt Nam. Dẫu còn nhiều khó khăn, nhưng với món quà này, những cô dâu Lào trên đất Nậm Pồ cảm thấy càng thêm ấm cúng hơn trong những ngày Tết đến Xuân về.

Ông Bùi Văn Luyện, Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ cho biết: “Chúng tôi luôn mong muốn bà con các dân tộc trên địa bàn có được cái Tết đầy đủ cả về vật chất lẫn tinh thần. Đặc biệt đối với những người nước ngoài lấy chồng, lấy vợ Việt Nam, chúng tôi luôn có sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để họ coi Việt Nam là chính quê hương mình, để làm ăn, phát triển kinh tế, thắt chặt tình cảm hai nước Việt Nam - Lào”.