Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

EU nỗ lực đối phó làn sóng di cư

PV - 07:17, 15/07/2022

Ủy ban châu Âu (EC) gần đây công bố một thỏa thuận mới với Maroc về vấn đề người di cư, theo đó tăng cường hợp tác để cùng đối phó các mạng lưới buôn người. Ðây là một phần nỗ lực của Liên minh châu Âu (EU) nhằm giảm bớt những mối đe doạ với người di cư, giữa lúc làn sóng di cư gia tăng ồ ạt do hậu quả của đại dịch Covid-19 và tình hình ở Ukraine.

Người di cư cố gắng vượt biên giới từ Maroc vào vùng Melilla của Tây Ban Nha. (Ảnh AP)
Người di cư cố gắng vượt biên giới từ Maroc vào vùng Melilla của Tây Ban Nha. (Ảnh AP)

Thỏa thuận giữa EU và Maroc nhấn mạnh, các bên thúc đẩy hợp tác vững chắc dựa trên trách nhiệm chung trong vấn đề người di cư và cùng nhau đối phó các mạng lưới buôn người, nhất là sau khi xuất hiện ngày càng nhiều phương thức hoạt động mới nguy hiểm. Thỏa thuận cũng nêu rõ, sự hợp tác giữa EU và Maroc bao gồm hỗ trợ tuần tra biên giới, tăng cường hợp tác cảnh sát thông qua các cuộc điều tra chung và nâng cao nhận thức cộng đồng về sự nguy hiểm của việc di cư bất hợp pháp. Ðộng thái này được EU và Maroc đưa ra chỉ khoảng hai tuần sau khi xảy ra vụ hơn 20 người thiệt mạng trên hành trình di cư trái phép từ Maroc sang Tây Ban Nha. 

Trong những năm qua, bất chấp sự kiểm soát nghiêm ngặt từ các chòi gác, camera giám sát hay những bức tường dây thép gai, hàng nghìn người di cư vẫn tìm cách vượt biên từ Maroc sang vùng Melilla và Ceuta của Tây Ban Nha bằng cách trèo qua hàng rào hay trốn trong xe hơi.

Cơ quan Bảo vệ biên giới châu Âu (Frontex) cảnh báo, EU cần chuẩn bị cho một làn sóng di cư mới do tình hình tại Ukraine đang làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay. Căng thẳng ở Ukraine gây khó khăn cho hoạt động sản xuất và phân phối ngũ cốc của nước này, kéo theo việc đẩy giá lương thực tăng vọt trên thị trường thế giới. Ước tính khoảng 20 triệu tấn ngũ cốc thu hoạch từ năm ngoái đang bị dồn ứ tại các cảng của Ukraine trên Biển Ðen.

Châu Âu không phải nơi duy nhất trên thế giới chứng kiến làn sóng di cư trái phép dâng cao. Chương trình Lương thực thế giới (WFP) đã gióng hồi chuông cảnh báo về nạn di cư ồ ạt với quy mô chưa từng có trên khắp toàn cầu trong năm nay. 

Nguyên nhân của tình trạng này là giá lương thực, nhiên liệu và phân bón tăng cao, đẩy nhiều nước lâm vào nạn đói và tình trạng bất ổn. Báo cáo do các tổ chức của Liên hợp quốc thực hiện nêu rõ, trong năm 2021, có tới 828 triệu người bị thiếu ăn, tăng 46 triệu người so với năm 2020 và tăng 150 triệu người so với năm 2019. Tỷ lệ dân số trong cảnh thiếu ăn không được cải thiện nhiều từ năm 2015 đến năm 2019.

Làn sóng người di cư cũng đặt châu Âu trước những thách thức trong vấn đề an ninh. Ủy viên châu Âu phụ trách nội vụ Ylva Johansson (Y.Giô-han-xơn) cho biết, EU đang lên kế hoạch thành lập Trung tâm hỗ trợ an ninh nội bộ và quản lý biên giới EU tại Moldova nhằm ngăn chặn các hoạt động phạm tội có tổ chức, nhất là việc lợi dụng xung đột để buôn bán vũ khí. 

Bà Ylva Johansson đồng thời nêu rõ, trung tâm trên sẽ hỗ trợ Cơ quan cảnh sát châu Âu (Europol) chia sẻ thông tin, kiểm soát biên giới, cũng như ngăn chặn các vụ buôn lậu vũ khí và buôn người. Hiện EU cũng đang nỗ lực thúc đẩy để đạt được một chính sách thống nhất và công bằng về vấn đề tiếp nhận người tị nạn, vốn là vấn đề gây tranh cãi dai dẳng giữa các nước thành viên.

Lời giải cho bài toán di cư ở châu Âu rõ ràng không thuộc về riêng một quốc gia nào mà cần có sự phối hợp chặt chẽ của các nước ở trong và ngoài khu vực. Tình hình an ninh của châu Âu gắn bó mật thiết với sự ổn định, phát triển ở châu Phi, bởi vậy, thúc đẩy hợp tác giữa các nước ở hai châu lục là điều cần thiết nhằm góp phần ngăn chặn những vụ vượt biên nguy hiểm và những thảm kịch xảy ra đối với người di cư.