Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Đường băng nào cho du lịch nông nghiệp?

PV - 09:51, 13/04/2018

Trong bối cảnh du lịch Việt Nam còn thiếu những sản phẩm độc đáo, hấp dẫn thu hút khách du lịch thì phát triển du lịch nông nghiệp được xác định là hướng đi mở ra nhiều kỳ vọng cho nền công nghiệp không khói. Câu hỏi đặt ra cho các địa phương, đơn vị làm du lịch là làm thế nào tận dụng được tiềm năng sẵn có để phát huy được loại hình này.

Nghèo trên tiềm năng

Huyện Mộc Châu được xem là địa phương có nhiều thế mạnh trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Sơn La. Nơi đây sở hữu những đồi chè xanh ngút ngàn, những vườn đào, vườn mận toả hương khoe sắc, những nông trại bò sữa rộng mênh mông. Bên cạnh giá trị sản phẩm nông nghiệp thì đây được xem là những “của hiếm” để phát triển du lịch.

Mộc Châu (Sơn La) có nhiều thế mạnh để phát triển du lịch nông nghiệp. Mộc Châu (Sơn La) có nhiều thế mạnh để phát triển du lịch nông nghiệp.

 

Thế nhưng, những thế mạnh này chưa tạo được khai thác hiệu quả để đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội của huyện Mộc Châu. Hằng năm, tổng doanh thu xã hội từ du lịch chỉ đóng góp một phần khiêm tốn vào tốc độ tăng trưởng của huyện. Như năm 2015, doanh thu xã hội từ du lịch chỉ đạt 550 tỷ đồng; năm 2016 đạt 950 tỷ đồng; năm 2017 ước đạt 1.000 tỷ đồng.

Bởi vậy, Mộc Châu vẫn còn là huyện khó khăn mang tính đặc thù của một địa phương vùng DTTS và miền núi. Hết năm 2017, toàn huyện mới có 2/15 xã, thị trấn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; thu nhập bình quân đầu người chung toàn huyện mới đạt gần 18 triệu đồng/người/năm; toàn huyện vẫn còn 3.467 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 12,75% dân số và 1.823 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 6,71% dân số.

Huyện miền núi Con Cuông của tỉnh Nghệ An, được ví như “nàng công chúa ngủ trong rừng”, địa phương đang nỗ lực để trở thành thị xã du lịch của miền Tây xứ Nghệ. Một trong những ngành nghề nông nghiệp truyền thống của đồng bào dân tộc Thái ở Con Cuông là mây tre đan thủ công và dệt thổ cẩm. Riêng nghề dệt thổ cẩm ở Bản Xiềng (xã Môn Sơn) đã được UBND tỉnh Nghệ An công nhận là làng nghề truyền thống.

Cùng với nhiều danh lam thắng cảnh đẹp thì làng nghề truyền thống có thể trở thành một loại hình du lịch thu hút được du khách. Nhưng hiện nay, các làng nghề truyền thống ở Con Cuông đang trong tình trạng thoi thóp; chỉ lo đầu ra cho sản phẩm để bảo đảm một nguồn thu nhập cho người lao động cũng đã khó. Khách đến Con Cuông nếu có thăm làng nghề thì cũng chỉ ghé qua; các làng nghề truyền thống chưa tạo được những hoạt động thực sự hấp dẫn để biến hoạt động sản xuất thuần túy thành một sản phẩm du lịch độc đáo.

Vì vậy, thu nhập của người lao động tại các làng nghề truyền thống ở Con Cuông rất thấp. Như ở làng nghề dệt thổ cẩm Bản Xiềng, thu nhập bình quân 1,1 triệu đồng/người/tháng, tương đương 13,2 triệu đồng/người/năm. Tính chung toàn huyện, hết năm 2017, thu nhập bình quân đầu người chưa đạt 20 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn còn chiếm 24,08% dân số. Hết năm 2017, toàn huyện cũng chỉ mới có 1/13 xã, thị trấn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Nhận diện những rào cản

Tiềm năng du lịch nông nghiệp cũng như những “điểm nghẽn” trong việc phát triển loại hình này đã được các chuyên gia thảo luận tại Hội thảo “Định hướng phát triển du lịch nông nghiệp từ góc độ sản phẩm và thị trường” được tổ chức ngày 30/3 vừa qua.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho rằng, du lịch nông nghiệp Việt Nam có nhiều lợi thế phát triển. Sản phẩm du lịch nông nghiệp, theo ông Tuấn, đó có thể là trang trại, đồng ruộng, làng nghề truyền thống, sản vật tự nhiên, ẩm thực truyền thống... Tuy nhiên, hầu hết các hoạt động du lịch nông nghiệp hiện vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, manh mún, trùng lặp. Sản phẩm du lịch vẫn chưa thực sự hấp dẫn du khách và chưa được chú trọng về thương hiệu.

Đơn cử như việc khai thác những đồi chè ở Mộc Châu (Sơn La), hiện chưa hình thành được một quy trình chuyên nghiệp. Du khách đến đây cũng chỉ dạo chơi trong chốc lát, chụp ảnh lưu niệm, xong mua vài gói chè là hết “tour”. Nếu như biết tận dụng, sáng tạo thêm những hoạt động khác (như để du khách trải nghiệm công việc trồng chè, hái chè, chế biến chè,…) thì chắc chắn mô hình du lịch đồi chè ở Mộc Châu sẽ không đơn điệu như vậy.

Còn đối với sản phẩm du lịch làng nghề truyền thống, theo ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam, hiện hoạt động du lịch làng nghề chưa tương xứng với tiềm năng. Một số địa phương có quy hoạch làng nghề với du lịch nhưng quy hoạch làng nghề còn rời rạc. Một số địa phương có quy hoạch làng nghề du lịch nhưng quy hoạch thiếu thực tiễn và không được thực hiện nghiêm chỉnh. Việc quản lý làng nghề còn chồng chéo, không thống nhất, dẫn đến không có người chịu trách nhiệm cụ thể.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, một trong những rào cản hiện nay để phát triển du lịch nông nghiệp là nguồn nhân lực. Nguồn nhân lực chính trong phát triển du lịch chủ yếu dựa vào sự tham gia của người dân địa phương. Song hiện rào cản lớn nhất là sự hạn chế về trình độ ngoại ngữ của người dân khiến cho chất lượng phục vụ du khách không được đảm bảo. Ngoài ra, ô nhiễm môi trường tại các vùng nông thôn đang là vấn đề lớn gây cản trở việc phát triển du lịch nông nghiệp.

Phải khẳng định, với hơn 70% số dân sống ở nông thôn, sở hữu nền sản xuất sinh thái nông nghiệp có truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời, Việt Nam có lợi thế lớn để phát triển du lịch nông nghiệp. Tuy nhiên, nếu những rào cản nêu trên chưa gỡ bỏ được đồng nghĩa với việc lĩnh vực du lịch nông nghiệp chưa tìm được đường băng để cất cánh.

SỸ HÀO