Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Đuối nước ngày hè: Bao giờ chấm dứt?

PV - 16:02, 18/05/2018

Học sinh cả nước chuẩn bị bước vào kỳ nghỉ hè. Đây là thời điểm thường xảy ra tai nạn thương tích ở trẻ em.

Đặc biệt, tình trạng trẻ em đuối nước ở vùng dân tộc và miền núi thời gian qua rất đáng báo động. Vì thế đòi hỏi các cấp chính quyền địa phương, tổ chức đoàn thể, các gia đình cần phải quan tâm, có những giải pháp tích cực hơn để chấm dứt tình trạng này.

Nhiều tai nạn thương tâm

Vừa mới đầu tháng 5, trên địa bàn xã Đăk Búk So, huyện Tuy Đức, tỉnh Đăk Nông đã xảy ra một vụ đuối nước thương tâm. Cụ thể, chiều ngày 9/5, do được nghỉ học, nên nhóm 6 học sinh Trường THCS Đăk Búk So rủ nhau đi dã ngoại tại hồ thủy lợi thôn 1. Trong lúc chơi, một em đã bị trượt chân xuống hồ và cả nhóm đến cứu rồi xảy ra sự cố đáng tiếc. Vụ tai nạn đã làm 4 em thiệt mạng, 2 em bị thương nặng phải điều trị ở bệnh viện.

Trẻ em vùng dân tộc và miền núi tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị đuối nước. Trẻ em vùng dân tộc và miền núi tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị đuối nước.

 

Còn tại tỉnh Gia Lai, tình trạng học sinh đuối nước xảy ra khá phổ biến. Theo số liệu của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn đã xảy ra 16 vụ đuối nước khiến 25 trẻ em tử vong. Đến giờ, người dân trong vùng vẫn không khỏi bàng hoàng khi nhớ lại vụ đuối nước xảy ra hồi trung tuần tháng 3, tại sông Ba khiến 3 em học sinh lớp 9A Trường THCS Lê Quý Đôn (xã Ia Rsươm, huyện Krông Pa) tử vong.

PGS.TS.BS. Bùi Khắc Hậu, Đại học Y Hà Nội cho biết: Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hằng năm Việt Nam có trên 11.500 trẻ em bị chết đuối, cao thứ 2 trên thế giới. Đặc biệt, vào mùa hè tỷ lệ thương tích xảy ra cho trẻ rất cao; trong đó đuối nước chiếm gần một nửa, nhất là ở vùng dân tộc và miền núi, nơi có nhiều sông suối với độ dốc cao, nước chảy xiết; cùng với đó là nhiều hồ thủy lợi, thủy điện. Trong khi đó, tại nhiều vị trí nguy hiểm lại không hề có biển cảnh báo.

Theo BS Bùi Khắc Hậu, nguyên nhân chủ yếu là do phần lớn học sinh chưa được trang bị kỹ năng bơi lội, chưa được tập huấn kỹ năng thoát hiểm hoặc sơ cứu người bị đuối nước... Bên cạnh đó, một số phụ huynh ở vùng sâu, vùng xa chưa chú trọng quản lý các hoạt động của con em trong thời gian nghỉ học, nghỉ hè.

Linh hoạt các hình thức dạy bơi

Theo ông Phạm Văn Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), hiện nay, tỷ lệ trẻ em Việt Nam biết bơi ở mức dưới 30%. Vì vậy, thời gian tới chúng ta cần đẩy mạnh, thậm chí đưa môn bơi thành một môn học trong các nhà trường.

Đối với vùng dân tộc và miền núi, khi điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn, cần linh động sử dụng các ao hồ sông suối trong điều kiện an toàn để dạy bơi. Ví dụ như mô hình chiến sĩ Đồn Biên phòng Tam Hợp, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An dạy bơi cho các em học sinh đồng bào Mông cần được nhân rộng.

baodantoc_duoi_nuoc1

 

Cụ thể, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tam Hợp và các thầy cô giáo phối hợp tổ chức các buổi dạy bơi cùng các kỹ năng phòng tránh đuối nước cho các cháu nhỏ ở bản Phà Lõm. Các chiến sĩ biên phòng đã tận dụng ngay nguồn suối chảy trên địa bàn dạy bơi cho các em nhỏ.

PGS.TS.BS. Bùi Khắc Hậu khuyến cáo, trong lúc chúng ta hoàn thiện dạy bơi cho trẻ em, trước mắt, người dân cần trang bị một số kỹ năng nhất định khi gặp các tình huống đuối nước. Bất kỳ ai thấy có trẻ bị đuối nước, cần kêu gọi mọi người cùng giúp sức để nhanh chóng đưa nạn nhân lên bờ. Nếu người không biết bơi mà gặp nước sâu cần hết sức cẩn thận. Trong trường hợp này, nếu có một chiếc sào, gậy hoặc sợi dây dài quẳng ra vị trí người đuối nước để họ bám vào rồi mình kéo thật nhanh đưa lên bờ. Nếu người biết bơi cần nhanh chóng xuống nước để kéo người bị hại lên bờ (nắm tóc, áo, quần, tay, chân và mình ở phía sau lưng nạn nhân).

Khi đã lên khỏi mặt nước, cần tát vào má nạn nhân để gây phản xạ hồi tỉnh, sau đó đặt nạn nhân đầu nghiêng sang một bên cho nước trong miệng, họng, phổi chảy ra. Tại đây cần cởi quần, áo ướt của nạn nhân rồi hô hấp nhân tạo, hà hơi thổi ngạt càng nhanh càng tốt.

Khi thấy nạn nhân đã tỉnh, thở được, mạch đập trở lại cần kê cao vùng vai nạn nhân để đề phòng ngạt trở lại do đờm, giải, chất nôn. Sau khi hô hấp nhân tạo cần khẩn trương gọi xe cấp cứu.

HIẾU ANH - TUẤN ANH