Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Nông thôn mới

Dưới những mái nhà sàn ở Đồng Hương…

Giang Lam - 22:56, 19/05/2023

“Nhà em giữa nắng vàng/ Con suối tràn bờ đá/ Hương rừng thơm mùa Hạ/ Đường chiều về quanh co”… Lời bài hát “Nhà em ở lưng đồi” khiến nhiều người như tìm thấy không gian bản làng của mình trong đó. Tại huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) có một bản làng nằm kề bên thị trấn Vĩnh Lộc, qua bao năm tháng vẫn khoác lên nét đẹp nguyên sơ, bình yên, mang đậm bản sắc văn hóa người Tày, đó là bản Đồng Hương.

 Những mái nhà sàn ở Đồng Hương tạo nên khung cảnh nên thơ cho bản làng nơi đây.
 Những mái nhà sàn ở Đồng Hương tạo nên khung cảnh nên thơ cho bản làng nơi đây.

Chuyện người Kinh học nói tiếng Tày

- Pén kháy lày noong đã hứt xong pây? (Bánh trứng kiến em làm xong chưa?)

- Xong vạ! Kin ngon lắm! (Xong rồi đấy, ăn ngon lắm!)

Cuộc trò chuyện của Trưởng thôn Tạ Thị Bình và chị Nông Thị Hoa (người dân thôn Đồng Hương) mở đầu như vậy… Nơi đây, hằng ngày khi gặp gỡ nhau mọi người vẫn trò chuyện bằng tiếng Tày. Chị Bình vui vẻ nói: “Mình là người Kinh nên lại là DTTS ở bản làng người Tày Đồng Hương rồi. Để thuận tiện trong giao tiếp cũng như trong công việc, mình phải học và đã nói thành thạo tiếng Tày. Bà con Đồng Hương giữ gìn tiếng nói, phong tục tập quán lắm, chỉ thích mình nói chuyện với họ bằng tiếng Tày thôi”.

Cũng như nhiều gia đình khác, hằng ngày gia đình anh Tạ Văn Châu và Nông Thị Hương vẫn trò chuyện cùng các con bằng tiếng Tày. Anh Châu lý giải một cách giản đơn rằng: “Ông bà, bố mẹ mình nói với mình bằng tiếng Tày thì mình cũng nói với con bằng tiếng Tày để con có đi xa, làm gì vẫn luôn nhớ về quê hương. Phải giữ gìn được tiếng nói thì mới giữ được gốc gác, nguồn cội. Còn tiếng nói thì còn bản sắc”.

Người Tày ở Đồng Hương, xã Phúc Thịnh (huyện Chiêm Hóa) quây quần làm bánh trứng kiến.
Người Tày ở Đồng Hương, xã Phúc Thịnh (huyện Chiêm Hóa) quây quần làm bánh trứng kiến

Thôn Đồng Hương, xã Phúc Thịnh có 74 hộ, đa số là người Tày. Bao năm qua, từ người già đến người trẻ đều có ý thức giữ gìn nếp sống, tiếng nói của dân tộc mình. Em Nông Văn Long sinh ra, lớn lên ở Đồng Hương, chia sẻ: “Sau ngày dài làm việc ở cơ quan, vợ chồng con cái sum vầy ngồi bên mâm cơm trò chuyện bằng tiếng dân tộc mình. Lúc đó thấy tự hào về bản sắc, nguồn cội của mình lắm!”.

"Ông bà, bố mẹ mình nói với mình bằng tiếng Tày thì mình cũng nói với con bằng tiếng Tày để con có đi xa, làm gì vẫn luôn nhớ về quê hương. Phải giữ gìn được tiếng nói thì mới giữ được gốc gác, nguồn cội. Còn tiếng nói thì còn bản sắc”.

Anh Tạ Văn ChâuNgười dân thôn Đồng Hương, xã Phúc Thịnh

Nét đẹp truyền thống

Thôn Đồng Hương nằm kề thị trấn Vĩnh Lộc (huyện Chiêm Hóa). Chứng kiến sự phát triển của thị trấn Vĩnh Lộc với nhiều nhà cao tầng, siêu thị, khu vui chơi… mọc lên thì bản làng Đồng Hương được ví như “nàng sơn nữ” tinh khôi trong buổi sớm mai mùa Hạ. Thấp thoáng những nếp nhà sàn lâu đời, những đồi nương, ruộng đồng xanh tốt, tiếng cọn nước ngày đêm rì rầm chảy hòa vào tiếng tính tẩu của các bà, các chị…, tất cả tạo nên bản sắc riêng vô cùng độc đáo!

Ông Tạ Quang Ứng, người dân trong bản Đồng Hương rất tự hào khi được sống trong ngôi nhà sàn lâu đời do ông nội mình để lại. Ngôi nhà sàn 5 gian, 2 chái có tuổi đời gần 50 năm. Trong căn nhà vẫn gìn giữ những vật dụng quen thuộc hằng ngày của người Tày trước đây như đèn dầu, cối xay, cối giã… Ông Ứng tự hào chia sẻ: “Ngôi nhà sàn là “báu vật” cha ông để lại. Tôi luôn dặn dò con cháu mai sau luôn phải gìn giữ để nơi đây là chốn trở về bình yên”.

Phụ nữ Tày ở Đồng Hương làm dây đai thắt lưng.
Phụ nữ Tày ở Đồng Hương làm dây đai thắt lưng

Tại thôn Đồng Hương, cứ gia đình nào có việc quan trọng như: Mừng đầy tháng con, làm lễ cầu an, đám cưới… là cả bản đến “xắn tay” giúp cùng. Khi đến giúp việc, người Tày ở Đồng Hương có tục góp cỗ giúp gia chủ, người thì mang đến con gà, người thì cân gạo, cân thịt lợn, bó rau… ai có gì mang nấy. Vì thế, khi một nhà có cỗ là cả bản làng rôm rả.

Người Tày ở Đồng Hương hôm nay vẫn luôn giữ gìn trang phục truyền thống và các phong tục, tập quán của dân tộc. Đó là tập tục con cháu quây quần ăn bữa cơm trên đồi tại Tết Thanh minh, tục dựng cây nêu ngày Tết, buộc sợi chỉ đỏ trong Lễ cầu an, hát Then, đàn Tính, chơi tung còn, đánh pam, đánh cù vào ngày đầu Xuân… Tất cả tạo nên một nét đẹp riêng có, ấn tượng để thu hút du khách gần xa đến khám phá bản làng người Tày nơi đây.

Tin cùng chuyên mục
Xây dựng nông thôn mới ở Trà Vinh: Tạo “bệ đỡ” cho sản phẩm du lịch xanh

Xây dựng nông thôn mới ở Trà Vinh: Tạo “bệ đỡ” cho sản phẩm du lịch xanh

Với quan điểm “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh”, Ban Chỉ đạo Nông thôn mới (NTM) tỉnh Trà Vinh đã chủ động tham mưu xây dựng và trình Tỉnh ủy phê duyệt Nghị quyết về xây dựng lộ trình để tỉnh Trà Vinh đạt chuẩn NTM trước năm 2025. Là cơ quan tham mưu, chủ trì phối hợp các sở, ban, ngành và địa phương xây dựng kế hoạch trình Ban Chỉ đạo, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã linh hoạt chọn ưu thế, tiềm năng về nông nghiệp để phát triển du lịch gắn với xây dựng NTM, đặc biệt là du lịch cộng đồng gắn với bản sắc văn hóa dân tộc của địa phương.